Thứ Bảy, 26/10/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 12/9/2016 12:12'(GMT+7)

Bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ công tác dân vận

PGS. TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ khai giảng.

PGS. TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ khai giảng.


Ngày 12/9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ công tác dân vận dành cho cán bộ chủ chốt Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tổ chức chính trị xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương. PGS. TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam đã tới dự và phát biểu tại lễ khai giảng.

Phát biểu khai mạc lễ khai giảng, PGS. TS Nguyễn Tất Giáp nhấn mạnh, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện cán bộ. Nhờ đó, đội ngũ của Đảng không ngừng được củng cố, ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, đã lãnh đạo nhân dân ta viết nên những trang sử hào hùng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, từng bước đưa nước ta từ một nước chậm phát triển thành một nước phát triển trung bình, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.

Hiện nay, cách mạng nước ta đang chuyển sang một thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chúng ta đã có những thuận lợi nhất định về thế và lực sau những thành công của 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước nhưng cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh như thế, hơn bao giờ hết, cần phải chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp – những người giữ vai trò cốt yếu trong việc  ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Và đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực dân vận, với vị trí công tác đặc thù hết sức quan trọng, là nhịp cầu nối ý Đảng, lòng dân, cần thường xuyên được cập nhật, bổ sung kiến thức mọi mặt, nâng cao trình độ lý luận cũng như kỹ năng công tác, đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn, theo đúng tinh thần Đại hội XII.

PGS. TS Nguyễn Tất Giáp cũng bày tỏ mong muốn, các đồng chí học viên tham gia lớp học cần tập trung sức lực và trí tuệ để hoàn thành tốt các nội dung trong chương trình lớp học. Lớp học sẽ thực sự trở thành diễn đàn để các đồng chí trao đổi, thảo luận nhằm nhận thức rõ ràng và sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn về công tác chuyên môn của người cán bộ làm công tác dân vận. Khi kết thúc lớp học, các đồng chí học viên có điều kiện hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị tại địa bàn công tác của mình.


 
 


Cũng tại lễ khai giảng, đồng chí Nguyễn Lam nhấn mạnh, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việc Dân vận rất quan trọng, Dân vận kém thì việc gì cũng kém, Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Những lời dặn dò của Người đã cho thấy: Công tác dân vận không những có vị trí, vai trò rất quan trọng mà còn là nhiệm vụ hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là điều kiện cơ bản đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu to lớn, quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện, nâng cao; chính trị - xã hội ổn định, vị thế đất nước ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế, có sự đóng góp rất quan trọng của công tác dân vận và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Đã xuất hiện nhiều tổ chức, tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong công tác dân vận chính quyền, trong từng địa phương, đơn vị, từng dân tộc, từng tôn giáo... tạo thành sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để thực hiện mục tiêu giữ vưng độc lập, thống nhất dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

 Tuy nhiên, công tác dân vận trong thời gian qua cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, đó là: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dan vận nhìn chung chưa kịp thời, kém hiệu quả; phương pháp vận động, tập hợp quần chúng chưa phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là các đối tượng đặc thù như: trí thức, văn nghệ sĩ, dân tộc, tôn giáo; phương thức, nội dung hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhiều nơi còn hình thức, yếu kém, phối hợp thiếu chặt chẽ, không sát sao, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Trong tình hình mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước càng đi vào chiều sau thì yêu cầu công tác dân vận ngày càng cao. Sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội cùng với tệ nạn quan liêu, tham nhũng, xa dân, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân trên nhiều lĩnh vực, thiên tai, dịch bệnh, môi trường... đang là những thách thức đối với mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng. Thực tiễn đang đòi hỏi phải tăng cường công tác dân vận của Đảng trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, nhằm phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo ra phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước yêu cầu đó, Ban Dân vận Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận (khóa 2 năm 2016) với 11 chuyên đề quan trọng phản ánh khá đầy đủ nội dung công tác dân vận của Đảng do các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục truyền đạt, sẽ giúp các đồng chí học viên nắm vững hệ thống tri thức có tính toàn diện, tổng thể về công tác dân vận trong tình hình mới và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác dân vận hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Lam đề nghị mỗi đồng chí học viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác, nghiêm túc trong học tập, nghiên cứu và thảo luận, chấp hành tốt các quy định của Học viện, tiếp thu đầy đủ nội dung các bài giảng.

Lớp học có 141 học viên, bao gồm 11 chuyên đề và 3 buổi thảo luận, bao quát những nội dung quan trọng, thể hiện rõ tinh thần của Đại hội XII của Đảng, bám sát nhu cầu của các đồng chí lãnh đạo cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương trong lĩnh vực dân vận, kết hợp  hài hòa những kiến thức và kỹ năng thực tiễn. Đó là: một số vấn đề mới về công tác xây dựng Đảng theo tinh thần các văn kiện Đại hội XII của Đảng; vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác dân vận hiện nay, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận; Vấn đề tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số….

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất