Thứ Hai, 25/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Bảy, 12/1/2019 15:28'(GMT+7)

"Bốn xin, bốn luôn" để dân quý, dân tin

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Một trong những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp làm nên tính cách người Việt là phong cách ứng xử nhẹ nhàng, tinh tế. Xưa kia, ông cha ta luôn thể hiện sự nền nã, khiêm nhường, đúng mực, lễ phép khi giao tiếp với người khác. Đặc trưng cơ bản của phép giao tiếp ứng xử lịch sự là “xưng khiêm hô tôn”, nghĩa là khi xưng thì thể hiện sự khiêm nhường với người đối thoại và đề cao, tôn trọng người tiếp xúc, trò chuyện với mình.

Cách đây mấy năm, dư luận từng xôn xao với đề xuất của một cơ quan chức năng về việc chuẩn hóa xưng hô tại công sở thông qua đại từ “anh-tôi”. Nhưng đề xuất này đến nay vẫn chưa phổ biến trên diện rộng. Bởi lẽ, nói đến giao tiếp ứng xử của người Việt là nói đến ngôi thứ trong các mối quan hệ và phụ thuộc vào tuổi tác, kinh nghiệm, địa vị xã hội. Nếu đơn giản chỉ dùng đại từ nhân xưng “anh-tôi”, “thủ trưởng-tôi” đều có thể gây khó cho cả người nói và người nghe.

Một trong 4 nội dung của Đề án “Văn hóa công vụ” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là yêu cầu về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, với nội dung cốt lõi là khi tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân, “người Nhà nước” cần thực hiện “4 xin” là "xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép" và “4 luôn” là "luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ".

“Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Lời nói chẳng mất tiền mua”, “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”… Điểm qua vài ba câu đúc kết của ông cha ta bao đời nay với mong muốn nhắc lại một điều, thời nào cũng vậy, văn hóa giao tiếp, ứng xử thực ra không có gì to tát, mà là lời ăn tiếng nói, là cách xử sự với con người, với tổ chức, với công việc mà ai cũng có thể làm được nếu bản thân có tấm lòng trong sáng, tinh thần cầu thị và ý thức tôn trọng người khác.

Có ý kiến cho rằng, việc yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện “4 xin”, “4 luôn” có khiến “người Nhà nước” bị giảm vị thế trong con mắt người dân không? Xin thưa ngay, không những không giảm, mà ngược lại càng tăng thêm tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với những người thực thi, thừa hành công vụ. Bởi vì, cán bộ, công chức thời nay là những người được nhân dân ủy thác quyền lực của mình để làm việc cho dân, thế nên họ phải có bổn phận, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Một chính quyền của dân, do dân, vì dân thì nhất thiết phải lấy mục tiêu phục vụ và bảo đảm lợi ích tối cao cho dân, do đó, những “người Nhà nước” đương nhiên phải có thái độ giao tiếp, ứng xử lễ phép, đúng mực với dân.

Biết nở nụ cười chào hỏi xởi lởi khi người dân đến công sở; biết nhẹ nhàng xin phép dân khi thấy cần thiết; biết nhã nhặn xin lỗi dân khi trễ hẹn giải quyết công việc cho dân; biết cảm ơn dân đã hợp tác với chính quyền vì lợi ích chung; biết lắng nghe dân bày tỏ tâm tư vướng mắc; biết giúp đỡ dân những việc hợp pháp, chính đáng… là thực hiện đúng tinh thần “Dĩ dân vi bản” (lấy dân làm gốc), “Dĩ công vi thượng” (lấy việc công là trên hết) của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện tốt những việc thường ngày này là thiết thực góp phần làm lành mạnh hóa bộ máy công quyền, qua đó củng cố, gắn kết bền chặt hơn mối quan hệ máu thịt giữa chính quyền với nhân dân.

Trong xã hội hiện đại, một phần do "thế giới ảo" chi phối, phần khác do ảnh hưởng lối sống lai căng và chủ nghĩa cá nhân “lên ngôi”, người ta hay nhắc đến “bệnh vô cảm”, bệnh “makeno” (mặc kệ nó) ở một bộ phận người dân, trong đó có cả “người Nhà nước”. Thế nên, chuẩn mực văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức thông qua thực hiện “4 xin”, “4 luôn” như một lời cảnh tỉnh, nhắc nhớ những người hoạt động trong bộ máy công quyền phải thường xuyên đặt mình vào vị trí, tâm thế, hoàn cảnh của người dân để ứng xử, đối đáp với dân sao cho phù hợp và không bao giờ được phép sống xa dân, trên dân./.

Anh Thảo (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất