Thứ Ba, 24/9/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 23/2/2018 15:58'(GMT+7)

“Bóng ma” ủy nhiệm

Khói bốc lên sau các cuộc không kích ở Đông Ghouta, Syria ngày 19/2.

Khói bốc lên sau các cuộc không kích ở Đông Ghouta, Syria ngày 19/2.

Làm sao có thể đòi lại công lý cho các nạn nhân khi còn chưa thể biết chính xác bên nào là thủ phạm trong bối cảnh Syria đang ở thời kỳ xung đột phe phái bùng phát dữ dội. Càng khó hơn khi mỗi bên đều có lực lượng bên ngoài hậu thuẫn vốn là những cường quốc đều đang theo đuổi những mục tiêu đối nghịch ở Syria. Trong thế trận rối ren đó, Nga bị cáo buộc có liên quan đến các cuộc không kích ở Đông Ghouta do lực lượng phiến quân kiểm soát khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Với một cáo buộc vô căn cứ và không có bằng chứng, Moscow đương nhiên phủ nhận.

Thảm kịch ở Đông Ghouta và cáo buộc nhằm vào Nga tái hiện rõ cục diện đang ngày càng phức tạp ở Syria. Nơi đây không chỉ đang trải qua những cuộc xung đột nội bộ đẫm máu mà cả những cuộc quyết đấu giữa các thế lực bên ngoài thông qua các lực lượng ủy nhiệm của mình. Thành phố Afrin ở phía Bắc Syria là một ví dụ. Thành phố này hơn một tháng qua đã gánh chịu những cuộc tấn công trong khuôn khổ chiến dịch “Nhành ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm tiêu diệt lực lượng phiến quân người Kurd vốn được Mỹ-một đồng minh “đồng sàng dị mộng” của Ankara-hậu thuẫn.

Sự nấn ná của Mỹ ở Syria cùng việc Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng các hoạt động quân sự ở quốc gia láng giềng nhằm ngăn chặn các nguy cơ mất an ninh quốc gia từ nhóm phiến quân người Kurd, khiến Syria tiếp tục là nạn nhân của một cuộc chiến ủy nhiệm. Mỹ vẫn đang âm thầm củng cố lực lượng quân sự ủy nhiệm của mình tại Đông và Bắc Syria với nòng cốt là các tay súng người Kurd và Arab. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cùng lực lượng ủy nhiệm của mình ở Syria kiểm soát khu vực Bắc Aleppo. Còn Iran và Nga hậu thuẫn chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad duy trì hiện diện ở miền Trung Syria và khu vực gần biên giới Israel.

Đối với Syria, thảm họa trước mắt chính là sự tàn phá của chiến tranh và cuộc sống địa ngục của người dân nước này. Các hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Syria đang đẩy nước này vào vòng xoáy xung đột mới. Điều nguy hiểm là quân đội Chính phủ Syria với lời đề nghị của người Kurd đã sát cánh với lực lượng này ở Afrin để bảo vệ lãnh thổ trước cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn về lâu dài, nguy cơ Syria bị chia cắt lãnh thổ là điều cũng cần tính tới. Động thái của Mỹ hậu thuẫn lực lượng người Kurd chẳng khác nào tiếp tay cho tham vọng thiết lập một khu vực nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Syria. Và tất nhiên, khu vực này sẽ được đặt dưới sự bảo trợ của chiếc ô an ninh do Mỹ tạo ra. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đây là điều khó chấp nhận khi lực lượng nổi dậy người Kurd lợi dụng chiếc ô an ninh của Mỹ để thiết lập một khu vực tự trị hoặc một nhà nước độc lập dọc tuyến biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara còn lo ngại Mỹ sẽ “tiếp lửa” nhiều hơn cho lực lượng ủy nhiệm của mình để ngăn quốc gia Hồi giáo Iran gia tăng ảnh hưởng tại Syria cũng như toàn khu vực Trung Đông.

Chính sự ủng hộ của các cường quốc bên ngoài đối với chính quyền và phe nhóm khác nhau ở Syria đã tạo cho các bên tham chiến tại Syria một “sức bật” nguy hiểm. Nó càng củng cố tham vọng chính trị và lập trường của các bên cũng cứng rắn hơn, khiến cho triển vọng về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Trong cuộc chiến mang màu sắc ủy nhiệm này, một trong những “nút thắt” lớn nhất vẫn là liên quan đến số phận của chính quyền Tổng thống al-Assad. Mỹ không vô cớ hậu thuẫn cho lực lượng đối lập ở Syria bởi loại bỏ chế độ của ông al-Assad, cạnh tranh vai trò ảnh hưởng với Moscow và ngăn chặn sự trỗi dậy của Iran là những mục tiêu chiến lược của Washington.  

Trong bối cảnh hiện nay ở Syria, có lẽ chỉ có thể hy vọng vào một giải pháp chính trị là thỏa thuận giữa các quốc gia trong đó có Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về các khu vực ảnh hưởng. Một khi “chiếc bánh” được phân chia, lúc đó sẽ có giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria.

Tuy nhiên, đối với Syria, lúc này mọi chuyện xem ra không hề đơn giản. Giữa lúc cuộc chiến ủy nhiệm đang đẩy Syria lún sâu hơn vào cuộc khủng hoảng, cuộc đối đầu giữa Iran và Israel lại bùng phát càng khiến Syria khó thoát khỏi tình thế nan giải hiện nay. Hai quốc gia cừu địch đã xảy ra xung đột sau khi một máy bay không người lái của Iran cất cánh từ Syria xâm nhập không phận Israel bị Israel bắn hạ. Sau đó, quân đội Israel đã đồng loạt tấn công vào các mục tiêu quân sự của Syria và Iran bên trong lãnh thổ Syria. Một chiếc máy bay chiến đấu F-16 của Israel đã bị lực lượng phòng không Syria tiêu diệt. Sau vụ việc, một cuộc xung đột trực diện giữa hai bên hoàn toàn có thể xảy ra bởi Israel tuyên bố sẽ bằng mọi cách ngăn chặn Iran mở rộng ảnh hưởng tại khu vực, trước hết là không để nước này đặt căn cứ quân sự và cơ sở sản xuất vũ khí tại Syria. Trong khi đó, Tư lệnh Các lực lượng vệ binh Hồi giáo đóng tại Syria tuyên bố sẽ “xóa sổ Israel” trên bản đồ thế giới.

Trong cuộc đối đầu giữa Israel và Iran tại Syria, màu sắc của cuộc chiến ủy nhiệm vẫn được thể hiện rõ. Iran dần dần gia tăng hiện diện tại Syria sau khi lên tiếng ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ năm 2011, thông qua việc hậu thuẫn lực lượng phiến quân Shia của Afghanistan và Pakistan, các chiến binh thuộc phong trào Hezbollah của Lebanon và lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) Iran triển khai tới Syria. Với động thái này, Tehran đã vượt qua “lằn ranh đỏ” mà Israel đặt ra, đó là ngăn cấm sự hiện diện quân sự vĩnh viễn của Iran tại Syria và chuyển giao vũ khí tiên tiến cho lực lượng phong trào Hezbollah.

Cuộc đối đầu leo thang giữa Iran và Israel ở Syria được cho là đang khiến những nỗ lực của Nga nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria thêm khó khăn. Nga đang cố gắng bằng các biện pháp ngoại giao để thúc đẩy giải pháp chính trị cho Syria cũng như cân bằng những lợi ích đối lập nhau giữa Iran và Israel ở quốc gia đang chìm trong xung đột Syria. Nhưng xem ra sứ mệnh này không hề đơn giản bởi Moscow trong khi phải cân bằng lợi ích giữa hai bên vẫn phải cân bằng mối quan hệ với hai quốc gia mà Nga không thể “coi nhẹ” bên nào.

Cuộc chiến ủy nhiệm nhằm theo đuổi các mục tiêu đầy tham vọng của các nước ở Syria đang đẩy quốc gia này xuống đáy vực của cuộc khủng hoảng không hồi kết./.

Mỹ Hạnh (Báo QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất