Liên minh phần mềm BSA vừa công bố nghiên cứu Thẻ điểm điện toán đám mây
toàn cầu 2016. Trong nghiên cứu xếp hạng chính sách điện toán đám mây
của 24 nền kinh tế có ngành CNTT phát triển này, Việt Nam vẫn ở hạng
24/24.
Thông báo phát ra hôm nay, ngày 26/4/2016 của Liên minh phần mềm BSA
cho hay, trong một nghiên cứu mới có phạm vi bao quát sâu rộng được BSA
thực hiện nhằm mục đích đánh giá chính sách về điện toán đám mây của
các nước trên khắp thế giới, Việt Nam được xếp hạng 24/24 nền kinh tế có
ngành CNTT hàng đầu, tức là không thay đổi so với thứ hạng từ năm 2013.
“Kết quả này là dấu hiệu cho thấy môi trường pháp lý, thể chế về điện
toán đám mây của Việt Nam vẫn còn lạc lõng so với tốc độ đổi mới của
lĩnh vực điện toán đám mây”, Liên minh phần mềm BSA nhận định.
Tổ chức này cũng cho biết, nghiên cứu Thẻ điểm điện toán đám mấy toàn cầu 2016 của BSA tiến hành xếp hạng mức độ sẵn sàng trong lĩnh vực điện toán đám
mây của 24 quốc gia lớn, chiếm 80% thị phần CNTT của thế giới. Mỗi nước
được đánh giá theo các thế mạnh và điểm yếu của mình trong 7 lĩnh vực
chính sách chính.
Liên minh phần mềm BSA khẳng định, điện toán đám mây tạo điều kiện
cho mọi đối tượng, dù là công ty mới khởi nghiệp, người tiêu dùng cá
nhân, chính phủ hay doanh nghiệp nhỏ, nhanh chóng tiếp cận công nghệ một
cách hiệu quả, kinh tế. Đổi lại, những dịch vụ này mở ra cánh cửa dẫn
đến những khả năng kết nối, năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh chưa
từng có.
Cũng theo Liên minh phần mềm BSA, kết quả nghiên cứu năm nay cho thấy
phần lớn các nước đều đã có cải thiện về môi trường chính sách của mình
kể từ lần BSA công bố nghiên cứu Thẻ điểm trước vào năm 2013. Tuy
nhiên, khoảng cách giữa các nước có thứ hạng cao, trung bình và thứ hạng
thấp cũng đã nới rộng, trong đó các nước xếp hạng ở khoảng giữa đang
chững lại, trong khi những nước có thứ hạng cao vẫn liên tục hoàn thiện
môi trường chính sách của mình.
Ông Jared Ragland, Giám đốc cao cấp, Ban Chính sách khu vực APAC của
Liên minh phần mềm BSA khuyến nghị: “Các quốc gia trên khắp thế giới cần
nhận thức được rằng chính sách của mình có ảnh hưởng đến thị trường
điện toán đám mây toàn cầu. Báo cáo này là một lời cảnh tỉnh để tất cả
các chính phủ hợp tác với nhau nhằm bảo đảm lợi ích đem lại từ điện toán
đám mây trên toàn thế giới”.
Theo thứ hạng chung, những nước có sự cải thiện nhiều nhất là Nam Phi
(tăng 6 bậc) và Canađa (tăng 5 bậc). Năm quốc gia đứng đầu là Nhật,
Mỹ, Đức, Canađa, Pháp.
Đặc biệt, dù xếp sau nhưng ba nước Thái Lan, Brazil và Việt Nam cũng
vẫn tiếp tục đạt được những thành quả đáng kể, ổn định và đang dần thu
hẹp khoảng cách với các nước ở nhóm trung. Các thị trường CNTT lớn trên
thế giới tiếp tục ổn định, với mức tăng trưởng khiêm tốn.
Nhưng ngược lại cũng có những xu hướng tiêu cực. Chẳng hạn, một số
nước đang đẩy mạnh chính sách tự do thương mại hoặc đồng bộ hóa chính
sách về điện toán đám mây. Đặc biệt, Nga và Trung Quốc đã áp dụng những
chính sách mới theo hướng cản trở điện toán đám mây bằng cách hạn chế
khả năng di chuyển dữ liệu đầy đủ giữa biên giới các quốc gia của các
nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây./.
(TTXVN)