Việt Nam hiện đã có hơn 6 triệu thuê bao cáp quang FTTH
Theo số liệu tính đến tháng 10/2016 của Cục Viễn thông, hiện
Việt Nam đã có hơn 6 triệu thuê bao cáp quang FTTH và hơn 2 triệu thuê
bao cáp đồng xDSL. So với cùng kỳ tháng 10/2015, số thuê bao cáp quang
FTTH đã tăng 1,8 lần và số thuê bao cáp đồng xDSL giảm khoảng 1,8 lần.
Thông tin từ Viettel cho biết, tính đến hết tháng 10/2016,
doanh nghiệp này đã cán mốc 2 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ
Internet cáp quang FTTH. Từ đầu năm 2016, trung bình mỗi tháng, 90.000
khách hàng lựa chọn lắp đặt dịch vụ FTTH của Viettel. Đặc biệt, từ tháng
4/2016 đến nay, Viettel liên tục giữ vững tăng trưởng dịch vụ này từ 3
- 6% mỗi tháng.
Bên cạnh dịch vụ FTTH, Viettel đồng thời cung cấp nhiều dịch
vụ khác trên cùng một đường dây Internet mà điển hình nhất là truyền
hình cáp. Theo thống kê của Viettel, những khách hàng sử dụng đồng thời 2
dịch vụ trên cùng 1 dây cáp quang năm 2016 đã tăng thêm 20-30% so với
cùng kỳ năm 2015. Trong năm nay, thời gian triển khai dịch vụ FTTH cho
khách hàng rút lại còn 2-3 ngày (thay vì 5 ngày trước đây). Thời gian xử
lý sự cố chỉ còn 3 giờ (hoàn thành 45%) và trong vòng 24 giờ (hoàn
thành 95%).
Dự kiến, năm 2017, Viettel sẽ tăng trưởng 20-25% về thuê bao
FTTH so với năm 2016 và nâng tỷ lệ xã phủ hạ tầng FTTH trên toàn quốc
lên 70%. Hiện Viettel đã có hạ tầng với 500.000 km cáp quang phủ đến
5.170 xã (tương đương 46% số xã trên toàn quốc).
Còn theo báo cáo tổng kết của Bộ TT&TT năm 2016, tổng số
thuê bao Internet băng rộng của Tập đoàn VNPT đến cuối năm 2016 đạt 3,8
triệu thuê bao, tăng 700 ngàn thuê bao so với cuối năm 2015, trong đó
thuê bao cáp quang FTTH đạt 1,6 triệu thuê bao, gấp hơn 2 lần so với
thực hiện 2015.
Dù giá cước cáp quang FTTH đã ở mức thấp từ năm 2015 nhưng
phải đến năm 2016, cuộc chiến mạng cáp quang FTTH mới thực sự bùng nổ.
Dẫn chứng là nếu thời điểm đầu năm 2016, số thuê bao cáp quang còn gần
tương đương với cáp đồng thì đến cuối năm, số thuê bao cáp quang đã gấp
gần 3 lần so với thuê bao cáp đồng.
Bên cạnh đó, trong năm 2016, FPT Telecom có động thái “điều
chỉnh” giá cước mạng cáp quang nhưng giá cước FTTH hiện nay vẫn ở mức
thấp và tương đương với giá cước cáp đồng ADSL. Theo ông Vũ Thế Bình,
Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, giá cước FTTH sẽ khó có thể giảm
thêm được nữa, thậm chí khi thị trường ổn định, các chương trình khuyến
mãi sẽ giảm đi nên giá cước có thể sẽ cao hơn hiện nay, thay vào đó các
nhà mạng sẽ tập trung vào chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng…
Cũng theo ông Bình, giá cước rẻ khiến số thuê bao cáp quang
tăng trưởng mạnh nhưng cũng sẽ để lại không ít hệ quả về hạ tầng đô thị.
Cụ thể, nếu như trước đây, các doanh nghiệp thường treo các tuyến cáp
trên cột điện, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị thì hiện nay các cơ quan
quản lý đều yêu cầu hạ ngầm. Trên cơ sở đó, bài toán dùng chung hạ tầng
kỹ thuật đô thị như hệ thống cống bể giữa các doanh nghiệp sẽ phải tính
đến trong thời gian tới. Nếu không giải quyết được thì quản lý đô thị sẽ
rất khó khi mà “mạnh doanh nghiệp nào thì doanh nghiệp đó đào cống bể”.
“Nhiều doanh nghiệp mong muốn dùng chung hạ tầng kỹ thuật đô thị của
nhau nhưng nếu tự thực hiện sẽ rất khó nên cần sự cầm trịch của cơ quan
quản lý”, ông Bình cho biết thêm.
Bên cạnh đó, việc tuyến cáp quang biển APG được đưa
vào hoạt động trong tháng 1/2017 sẽ đem lại sự chủ động về kênh đấu nối
quốc tế cho các nhà mạng ở Việt Nam. Điều này gây sức ép cho các tuyến
cáp quang biển khác cũng như tuyến cáp đất liền qua Trung Quốc và khiến
cước kết nối quốc tế tiếp tục giảm. “Tốc độ Internet Việt Nam sẽ ổn định
hơn thay vì phập phù mỗi khi cáp biển AAG gặp sự cố như hiện nay”, ông
Bình nhấn mạnh.
|
Các dịch vụ trên nền băng rộng như truyền hình IPTV hay ứng dụng OTT sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2017.
|
Việc phát triển băng rộng sẽ làm bùng nổ nội dung trên Internet và ứng dụng smartphone
Theo ông Bình, với việc mạng 4G sẽ đưa vào sử dụng năm tới,
cộng thêm sự phát triển của mạng cáp quang FTTH thì nội dung trên nền
băng rộng sẽ sự bùng nổ trong năm 2017 khi có thêm nhiều ứng dụng, nội
dung video hơn. Đó là chưa kể đến, với smartphone trên tay, các cá nhân
sẽ tham gia vào quá trình sản xuất nội dung, sẽ có thêm nhiều ngôi sao
YouTube hơn. “Nhất là khi, với người trẻ hiện nay, Internet chính là
mobile, Internet chính là Facebook, YouTube, Zalo…”, ông Bình nói.
Cũng chính sự phát triển về nội dung trên Internet và ứng
dụng smartphone sẽ gia tăng áp lực cho các cơ quan chức năng trong việc
quản lý thúc đẩy nội dung, ứng dụng trên môi trường Internet, tránh tính
trạng lúng túng như khi Uber, Grap Taxi phát triển ở Việt Nam thì các
cơ quan không biết quản lý theo công nghệ hay theo ngành kinh doanh vận
tải.
Ông Bình cho rằng, để giải quyết được vấn đề này, cơ quan
chức năng phải thay đổi tư duy quản lý, đặt góc nhìn quản lý ngành trên
cơ sở phân lớp giữa quản lý truyền thống ngành dọc và công nghệ. Bởi vì,
các ngành dọc như vận tải, y tế... đều sẽ ứng dụng công nghệ thông tin,
smartphone vào kinh doanh, vận hành. Chưa kể đến, với sự hỗ trợ của các
quỹ đầu tư và cơ quan nhà nước, trong thời gian tới, các startup sẽ
tham gia mạnh mẽ và áp dụng tư duy Internet, công nghệ vào các mọi ngành
nghề của đời sống xã hội như cách mà Giaohangnhanh, Ahamove, Edoctor…
đang thực hiện./.
Theo ICTnews