Thứ Năm, 19/9/2024
Xã hội
Thứ Ba, 16/10/2018 15:13'(GMT+7)

Bùng phát bệnh bạch hầu ở Kon Tum

Các trường hợp nghi ngờ bị bệnh bạch hầu đang được cách ly điều trị.

Các trường hợp nghi ngờ bị bệnh bạch hầu đang được cách ly điều trị.

 

Khi mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân thường sốt nhẹ, đau đầu, viêm họng giống như viêm amidan, dẫn tới khó thở, đau họng dẫn tới chán ăn. Ho, giọng nói khàn, sổ mũi, hơi thở hôi. Da trở nên sạm đen, hay hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực. Sau khi xuất hiện triệu chứng khoảng 2-3 ngày, ở trong họng, thanh quản, mũi xuất hiện màng giả có màu trắng ngà. Màng giả bạch hầu này dai, dính và khi bóc màng giả sẽ gây chảy máu. Khi đó, màng giả có thể có màu xám hoặc đen. Tuỳ từng vị trí vi khuẩn phát sinh mà bệnh có những biểu hiện lâm sàng khác nhau:

Bạch hầu mũi: Như là một trường hợp viêm đường hô hấp, đặc biệt có chảy mũi nước và triệu chứng toàn thân nghèo nàn, dần dần chất dịch mũi trở nên nhầy quánh và đôi khi có máu và làm tổn thương bờ môi trên, hơi thở hôi. Thăm khám sẽ thấy một màng trắng trong hốc mũi. Bệnh thường gặp ở trẻ còn đang bú mẹ.

Bạch hầu họng - Amiđan: Thường gặp hơn cả, chiếm khoảng 1/2 đến 2/3 trường hợp. Người bệnh chán ăn, bất an, sốt nhẹ, viêm họng. Trong vòng 1- 2 ngày màng giả xuất hiện. Hạch bạch huyết vùng cổ phản ứng có khi phù nề vùng mô mềm của cổ rất trầm trọng tạo thành triệu chứng được gọi là dấu cổ bò “Bull neck”. Đây là biểu hiện nặng, có khi gây xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hoá và tiểu ra máu. Nếu tình trạng này kéo dài trong vài ngày sẽ nhanh chóng chuyển sang nhiễm độc nặng và bệnh nhân tử vong.

Bạch hầu thanh quản: Bệnh nhân thở dữ dội, tiếng rít thanh quản, khàn giọng. Phản xạ co kéo trên xương ức, thượng đòn và khoảng gian sườn rất dữ dội. Thỉnh thoảng xuất hiện khó thở đột ngột do tắc nghẽn vì một phần màng giả bóc ra bít đường thở gây tử vong.

Các huyện có bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu là: Đăk Hà, Đăk Tô và Tu Mơ Rông, ngành y tế tỉnh Kon Tum đã xử lý môi trường ổ dịch bằng CloraminB.

Ngành tăng cường giám sát chủ động bệnh bạch hầu, lấy mẫu xét nghiệm tiếp xúc gần 70 ca gửi Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, kết quả đều âm tính với bệnh bạch hầu.

Kon Tum cũng cấp trên 5.200 viên kháng sinh Erythromycin điều trị dự phòng những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Kon Tum cho biết: "Ngành y tế chỉ đạo rất quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh. Giám sát chặt chẽ ca bệnh hàng ngày. Giám sát những người tiếp xúc và lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng xử lý ổ dịch cũng như kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống. Chỉ đạo Trạm y tế xã phải rà soát toàn bộ đối tượng trong diện tiêm chủng để tiêm vét. Tuyên truyền cho người dân biết về các triệu chứng mà nghi mắc bệnh bạch hầu cũng như cách phòng bệnh để cho người dân chủ động phòng chống bệnh bạch hầu”.

Hiện tại đối với 1 ca mắc bệnh bạch hầu và 3 trường hợp nghi ngờ bị bệnh bạch hầu đang tiếp tục được cách ly điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.

Ngành y tế địa phương cũng đang tích cực liên hệ với Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đề nghị hỗ trợ tìm nguồn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu để điều trị cho bệnh nhân./.

Tuấn Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất