Thứ Bảy, 23/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Bảy, 18/8/2012 18:5'(GMT+7)

Bước đột phá để phát triển kinh tế hải đảo

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều đảo và quần đảo. (Ảnh minh hoạ)

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều đảo và quần đảo. (Ảnh minh hoạ)

Theo Điều 19 của Luật Biển Việt Nam thì “Đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. Quần đảo là một tập hợp các đảo, bao gồm cả bộ phận của các đảo, vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan chặt chẽ với nhau”.

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều đảo và quần đảo. Đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Rất nhiều đảo và quần đảo của Việt Nam chứa đựng những tiềm năng lớn phục vụ công cuộc xây dựng đất nước.

Trong những năm qua, đặc biệt từ sau Hội nghị lần thứ tư ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, kinh tế hải đảo đã được chú trọng đặc biệt. Ngày 28-4-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 568 về Phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020, trong đó đã xác định phải phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững về kinh tế của hệ thống các đảo, để có bước đột phá về phát triển kinh tế biển, đảo và ven biển nước ta, đồng thời xây dựng hệ thống các đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thông qua (năm 2011) đã nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo”.

Chúng ta đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông trên các đảo có dân sinh sống. Xây dựng đồng bộ cơ sở nghề cá ở các đảo như cảng cá, bến cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền và hạ tầng nuôi trồng hải sản... Chúng ta cũng đã đầu tư phát triển nhanh du lịch ở các đảo trong đó trọng tâm là đảo Phú Quốc (phía Nam) và Vân Đồn (phía Bắc) để sớm hình thành 2 khu du lịch sinh thái lớn ở các đảo này, có chất lượng tầm cỡ khu vực và thế giới để tạo bứt phá cho du lịch biển, đảo nói riêng và du lịch cả nước nói chung. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã đầu tư xây dựng đồng bộ các trường lớp và hoàn thiện hệ thống y tế các đảo đạt chuẩn quy định; bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, đặc biệt là lồng ghép kế hoạch bảo vệ môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các địa phương; xây dựng các trạm quan trắc môi trường, cảnh báo môi trường dọc ven biển và trên các đảo trọng điểm, để sớm cảnh báo môi trường và có biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Chúng ta cũng đã khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển cụm đảo Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) thành khu kinh tế-du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Đầu tư tôn tạo phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, kết hợp với du lịch sinh thái biển, đảo; phát triển Côn Đảo thành điểm du lịch tiêu biểu, có giá trị văn hóa-lịch sử đặc sắc. Xây dựng các tuyến du lịch liên kết với các địa phương như Côn Đảo-Vũng Tàu; Côn Đảo-Thành phố Hồ Chí Minh; Côn Đảo-Phú Quốc... nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Phát triển đảo Phú Quý (Bình Thuận) thành Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, cứu nạn, cứu hộ của khu vực Nam Trung Bộ, đồng thời là vị trí tiền đồn vững chắc bảo vệ vùng biển này, là điểm trung chuyển quan trọng giữa đất liền và quần đảo Trường Sa... Tại Vịnh Bắc Bộ, đảo Bạch Long Vĩ cũng đã được đầu tư xây dựng trở thành đảo Thanh niên và trung tâm dịch vụ nghề cá lớn của miền Bắc.

Hiện tại sóng điện thoại di động của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã bao phủ toàn bộ quần đảo Trường Sa và các đảo gần bờ. Hệ thống truy cập Internet và các trạm truy cập vệ tinh cũng đang được khẩn trương xây dựng nhằm bảo đảm thông tin thông suốt trong mọi điều kiện thời tiết.

Tuy nhiên, tiềm năng thế mạnh của nhiều đảo, quần đảo vẫn chưa được đánh thức. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có nguyên nhân do cơ sở pháp lý để khuyến khích phát triển kinh tế hải đảo chưa đầy đủ. Luật Biển Việt Nam ra đời đã đáp ứng được yêu cầu đó. Trong cả 6 ngành kinh tế biển mà Nhà nước ưu tiên tập trung phát triển theo quy định tại Điều 43 của Luật Biển Việt Nam đều gắn liền với các đảo, quần đảo. Trong đó nhấn mạnh việc ưu tiên phát triển du lịch biển và kinh tế đảo.

Điều 46 của Luật Biển Việt Nam quy định việc khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trên các đảo như sau:

"1. Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới hậu cần biển, phát triển kinh tế các huyện đảo; có chính sách ưu đãi để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư sinh sống trên các đảo.

2. Nhà nước khuyến khích, ưu đãi về thuế, vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác tiềm năng và thế mạnh phát triển trên các đảo.

3. Nhà nước khuyến khích, ưu đãi về thuế, vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tăng cường hoạt động ngư nghiệp và các hoạt động khác trên biển, đảo; bảo vệ hoạt động của nhân dân trên biển, đảo”.

Những quy định trên đây thực sự là điểm tựa pháp lý cho việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh của các đảo, quần đảo. Lẽ tất nhiên các chính sách “khuyến khích” phải được cụ thể hóa bằng các văn bản dưới luật do Chính phủ quy định cụ thể.

Luật Biển Việt Nam một lần nữa khẳng định, Nhà nước thực hiện chủ quyền trên đảo, quần đảo của Việt Nam, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trước đó, trong Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhấn mạnh: “Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản và lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.

Hiện nay, trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam là quốc gia có số đảo đang đóng giữ nhiều nhất so với các quốc gia và các bên có đòi hỏi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống. Trong những năm qua, chúng ta đã đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế-xã hội và cơ sở vật chất, kỹ thuật ở những nơi chúng ta đang đóng giữ bao gồm cả đường sá, điện, trạm xá, trường học, nước sạch v.v.. để cải thiện đời sống và tăng cường khả năng tự vệ của quân dân đảo Trường Sa. Luật Biển Việt Nam sẽ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho việc tiếp tục đầu tư cho Trường Sa và tiếp tục đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam khẳng định có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Được biết, để cụ thể hóa các định hướng phát triển kinh tế hải đảo theo quy định của Luật Biển Việt Nam, các cơ quan chức năng của Nhà nước ta đang khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, trong đó sẽ ban hành các chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đảo phát triển bền vững; chính sách ưu đãi thu hút nguồn nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ, đặc biệt là các lĩnh vực năng lượng sạch, dược liệu biển, nuôi trồng, bảo quản và chế biến hải sản trên đảo./.

(Theo: Hà Thúy/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất