Thứ Ba, 15/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 21/11/2015 14:26'(GMT+7)

Bước ngoặt mới trong cuộc chiến chống khủng bố

Ảnh minh họa. (Nguồn: talglobal.com)

Ảnh minh họa. (Nguồn: talglobal.com)

 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn tháng qua, chuỗi sự kiện bắt đầu bằng việc Nga tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngày 30-9-2015, và cho đến vụ khủng bố đẫm máu tại Thủ đô Paris, Pháp, ngày 13-11-2015 đã khiến cuộc chiến chống khủng bố có những thay đổi ghê gớm, thậm chí có thể khẳng định rằng, đã xuất hiện một bước ngoặt rất căn bản.

Trước hết, việc người Nga bắt đầu can dự tích cực vào cuộc chiến chống IS thực sự đã làm đảo lộn nhiều thứ không chỉ tại chiến trường Syria.

Sự thay đổi đầu tiên chính là áp lực lên IS đã gia tăng mạnh mẽ. Từ khi xuất hiện vào tháng 4-2014, IS chủ yếu phải chống trả các đợt không kích của Mỹ và một số ít đồng minh trong liên quân hơn 60 quốc gia, cùng với sự phản kháng của quân đội Iraq và Syria trên bộ. Chỉ riêng việc không bị suy yếu, ngược lại còn mở rộng thêm được lãnh thổ tới sát biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đủ minh chứng cho khả năng đứng vững của IS cũng như tính thiếu hiệu quả của liên quân do Mỹ khởi xướng. Tuy nhiên, hơn 800 đợt ném bom (tần suất trung bình hơn 20 đợt/ngày), tương đương với tổng số các đợt không kích của liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu trong hơn một năm qua, (đặc biệt, ngày 7-10-2015, Nga đã bắn 26 tên lửa hành trình Kalibr ,tương đương tên lửa Tomahawk của Mỹ, từ các hạm tàu trên biển Caspi, cách Syria hơn 1.000 km), Nga đã khiến nhiều nhóm khủng bố hoảng loạn phải chạy trốn sang Jordani.

Sự thay đổi tiếp theo là cục diện chiến sự tại Syria. Từ chỗ đang trong tình trạng thất thế (chỉ còn kiểm soát gần 20% lãnh thổ), dưới sự yểm trợ của không quân Nga quân đội chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đang bắt đầu mở các đợt tấn công nhằm chiếm lại các cứ điểm bị IS và quân nổi dậy chiếm giữ như tại thành phố Homs, Hama, Aleppo. Các đợt ném bom của Nga không chỉ làm suy yếu sức mạnh của IS, mà còn buộc các nước phương Tây phải chấp nhận vai trò không thể thiếu của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad và Iran trong cuộc chiến chống khủng bố. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến hội nghị quốc tế về Syria tại Viên (Thủ đô của Áo) ngày 30-9 và 14-11-2015.

Nhưng có lẽ sự thay đổi nổi bật nhất chính là vai trò mới của nước Nga trong cuộc chiến chống khủng bố. Một loạt những hành động theo kiểu chấp nhận "nhường toàn bộ chiến trường Syria cho Nga" của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, đơn cử như việc Washington ban hành quy định sẽ hủy các chuyến bay trong khu vực mà Mỹ đang tiến hành chiến dịch quân sự nếu thấy máy bay Nga xuất hiện, hay việc "làm ngơ" để các đồng minh như Iraq, Israel, A-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp dàn xếp lịch điều phối bay với Nga, và đỉnh điểm là việc hai Bộ Quốc phòng Mỹ và Nga ký Bản ghi nhớ (MOU) về việc thiết lập các biện pháp bay an toàn (ngày 20-10-2015), cho thấy, giờ đây nước Mỹ không còn chiếm thế "độc quyền" trong cuộc chiến chống khủng bố. Không chỉ riêng nước Mỹ thay đổi, một số đồng minh của Mỹ như Đức, Pháp, Iraq đã công khai ủng hộ sự tham chiến của Nga, đồng thời cũng khẳng định trong cuộc chiến chống IS rất cần sự hỗ trợ của người Nga.

Sự kiện khủng bố tại Paris ngày 13-11-2015 thì lại giúp làm sáng tỏ ít nhất hai điều. Thứ nhất, không chỉ có Mỹ mới là mục tiêu chú trọng hàng đầu mà là bất cứ quốc gia nào lọt vào tầm ngắm của IS, trước hết là tất cả các nước châu Âu. Việc cơ quan an ninh quốc gia Nga tuyên bố vụ máy bay hàng không dân dụng A321 rơi tại Ai Cập hôm 31-10-2015 là do bị khủng bố (trước đó IS đã nhận trách nhiệm nhưng chính phủ Nga vẫn tỏ ý nghi ngờ) càng cho thấy, ngoài các nước Tây Âu vốn dĩ bị IS coi là đồng minh của Mỹ, thì giờ đây Nga cũng là đối tượng hàng đầu. Bởi chiến dịch không kích của Nga đã là quá đủ để IS hướng hoạt động trả đũa vào nước này. Thứ hai, vụ khủng bố tại Paris giúp chỉ rõ hơn những lỗ thủng trong hệ thống an ninh của các nước tham gia cuộc chiến chống khủng bố. Đơn cử như khả năng hạn chế trong việc giám sát hoạt động của dòng người nhập cư vào châu Âu hay sự yếu kém của công tác tình báo, sự đi lại tự do của công dân Liên hiệp châu Âu (EU) theo Hiệp ước Schengen (hiện có tới 26/28 nước thành viên EU tham gia hiệp ước) hay tính thiếu hiệu quả của việc hợp tác chống khủng bố v.v., và trên hết là điều kiện lý tưởng cho các hoạt động khủng bố do sự chia cắt giữa Mỹ, EU và Nga đem lại. Các lệnh trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và phương Tây kéo dài từ tháng 3-2014 sau vụ sát nhập Crưm không chỉ cản trở hợp tác giữa họ trong cuộc chiến chống khủng bố mà tình trạng đối đầu này cũng đang bị IS lợi dụng triệt để.

Tất cả những thay đổi trên rất có thể sẽ dẫn đến một số hệ lụy trong cuộc chiến chống khủng bố.

Đầu tiên là khả năng hình thành một liên kết chống khủng bố mới - sự phối hợp giữa Nga và các nước phương Tây. Ngay sau vụ khủng bố tại Paris, ngày 15-11-2015, Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố: "Trong cuộc chiến chống IS, với người Nga, Pháp là đồng minh". Trên thực tế, các nước đang tiến hành các đợt không kích nhằm vào IS tại Syria không thể kéo dài mãi nghịch lý - tuy có chung một mục tiêu là IS nhưng mỗi nước lại hành động theo kiểu "đèn nhà ai nấy rạng". Một Bộ chỉ huy chống IS rất có thể xuất hiện trong tương lai gần.

Hơn nữa, cũng cần phải nhấn mạnh thêm về sự thay đổi của các lực lượng khủng bố kể từ sau 11-9-2001 đến nay, bởi đó cũng là một nguyên nhân quan trọng buộc các nước phải tạm gác những lợi ích riêng tư sang bên để chú trọng hơn vấn đề chống khủng bố. Những chiến dịch truy quét Al Qaeda, đặc biệt là sau khi trùm khủng bố Bin Laden bị tiêu diệt (1-5-2011), buộc Al Qaeda phải có sự thay đổi theo hướng phân tán thành các nhóm hoạt động độc lập. Một trong số đó chính là tiền thân của IS. Hoạt động của các nhóm khủng bố, điển hình như IS, Boko Haram, Al-Shebab, Jamaat Ansar al-Sunna v.v. cũng có sự điều chỉnh theo hướng tập trung củng cố quyền lực tại những vùng được coi là lãnh địa của chúng. Hiện tại, những hoạt động của IS chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ giữa Iraq và Syria. Chính sự thiện chiến cùng với nguồn tài chính dồi dào, lại được địa hình quen thuộc hỗ trợ đã giúp cho sức mạnh của IS được nâng lên gấp bội. Chỉ sau hơn một năm công khai, hoạt động của IS cũng đã có những điều chỉnh mau lẹ. Ngoài việc tiếp tục củng cố vùng lãnh thổ chiếm đóng, IS bắt đầu chú trọng đến việc kích động "những con sói đơn độc". Vụ xả súng vào tòa soạn tuần báo biếm họa Charlie Hebdo ngày 7-1-2015 chính là sản phẩm tiêu biểu của sự thay đổi này của IS. Ngoài ra, IS cũng liên tục mở rộng phạm vi hoạt động thông qua việc liên kết với các tổ chức khủng bố khác như Boko Haram, al Nusra, al Sharbab v.v. Vụ thảm sát tại Paris cho thấy, giờ đây IS bắt đầu vươn ra xa khỏi lãnh địa tại Trung Đông.

Hợp tác quốc tế trên quy mô toàn cầu là điều đã được trông đợi từ lâu những chưa thành hiện thực. Giờ đây, dưới áp lực của nhu cầu hàn gắn những lỗ hổng an ninh cũng như để đối phó với tính chất xuyên biên giới của các lực lượng khủng bố, cộng đồng quốc tế đang kỳ vọng vào việc hình thành một liên minh chống khủng bố thực chất trên quy mô toàn cầu.

Đương nhiên, bước ngoặt nào có được cũng là do những hành động của con người mà ra, và vì thế để có thể nói về sự thay đổi căn bản trong cuộc chiến chống khủng bố thì trước hết mỗi quốc gia, thậm chí là mỗi con người, phải xác định rõ hơn mức độ nguy hiểm của vấn đề khủng bố và sự cần thiết phải có sự hợp tác quốc tế sâu rộng.

 Theo TS ĐỖ SƠN HẢI/Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất