Thứ Bảy, 5/10/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 30/9/2016 11:31'(GMT+7)

Bước tiến mới trong quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cu-ba

Ông Giép-phrây Đơ Lau-ren-tít (bên trái) trong cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Cu-ba Mác-xê-li-nô Mê-đi-na (Marcelino Medina) tại La Ha-ba-na.

Ông Giép-phrây Đơ Lau-ren-tít (bên trái) trong cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Cu-ba Mác-xê-li-nô Mê-đi-na (Marcelino Medina) tại La Ha-ba-na.

Phát biểu trong buổi lễ công bố quyết định, Tổng thống Ô-ba-ma nêu rõ, ông vô cùng vinh dự khi chỉ định ông Giép-phrây Đơ Lau-ren-tít làm Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Cu-ba sau hơn nửa thế kỷ. Ông Đơ Lau-ren-tít từng là trưởng phái đoàn ngoại giao của Mỹ tại La Ha-ba-na từ tháng 8/2014. Trước đó ông cũng từng đảm nhiệm một số vị trí tại Đại sứ quán Mỹ ở Bô-gô-ta (Cô-lôm-bi-a) và Liên hợp quốc. Theo Tổng thống Ô-ba-ma, trên cương vị của mình, hơn một năm qua ông Đơ Lau-ren-tít đã phối hợp với Cu-ba trong các vấn đề giúp tăng cường quan hệ song phương và các lợi ích quốc gia của Mỹ như thực thi pháp luật, chống ma túy, bảo vệ môi trường, chống buôn người, mở rộng hợp tác thương mại và nông nghiệp, cũng như hợp tác trong lĩnh vực khoa học-y tế.

Đánh giá cao năng lực lãnh đạo của ông Đơ Lau-ren-tít, ông Ô-ba-ma cho rằng, Đại sứ Đơ Lau-ren-tít đã đóng vai trò quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cu-ba. Đề cử đại sứ là “bước tiến có ý nghĩa tất yếu hướng tới một mối quan hệ bình thường và mang tính xây dựng hơn giữa hai quốc gia”, CNN dẫn lời Tổng thống Ô-ba-ma cho biết trong một tuyên bố đưa ra ngày 27/9.

Tổng thống Ô-ba-ma từng cho rằng, nửa thế kỷ thù địch với Cu-ba đã không mang lại kết quả tốt đẹp gì cho cả người dân Mỹ lẫn người dân Cu-ba và một cách tiếp cận mới sẽ tốt hơn cho cả hai phía. Đương nhiên, để có được kết quả như hiện tại, hai bên đã trải qua một quá trình dài trao đổi và đàm phán. Từ tháng 12/2014, khi Tổng thống Ô-ba-ma và Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô (Raul Castro) tuyên bố hai nước bình thường hóa quan hệ, Oa-sinh-tơn cùng La Ha-ba-na đã thực hiện nhiều biện pháp để hàn gắn mối quan hệ sau hơn nửa thế kỷ thù địch như chính thức khôi phục ngoại giao đầy đủ vào tháng 7/2015, nhất trí nối các chuyến bay thẳng giữa Mỹ và Cu-ba, cùng hàng loạt bước tiến trong nhiều lĩnh vực như: Bảo vệ môi trường, an ninh hàng hải, sức khỏe, nông nghiệp, trao đổi giáo dục và văn hóa cũng như các vấn đề về pháp lý. Đặc biệt, sự kiện đánh dấu mốc khởi sắc trong quan hệ giữa Mỹ và Cu-ba là việc ông Ô-ba-ma trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm chính thức Cu-ba sau gần 90 năm.

Nhận định về chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa hai nước, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rốt-đơ (Ben Rhodes) cho rằng, nay là thời điểm thích hợp để triển khai bước đi tiếp theo nhằm chính thức hóa việc chỉ định ông Giép-phrây Đơ Lau-ren-tít làm Đại sứ Mỹ tại Cu-ba. Ông Ben Rốt-đơ cho biết thêm, song song với quyết định đề cử đại sứ, Chính quyền Tổng thống Ô-ba-ma cũng có kế hoạch sử dụng quyền hành pháp theo hiến định để thúc đẩy các hoạt động trao đổi thương mại và văn hóa với Cu-ba, đồng thời gây sức ép để Quốc hội Mỹ do phe Cộng hòa kiểm soát nới lỏng các hạn chế đối với hoạt động đi lại của người Mỹ đến Cu-ba.

Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, việc bổ nhiệm Đại sứ Mỹ tại Cu-ba cần phải nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ tại Thượng viện trước khi có hiệu lực. Hiện tại, Thượng viện Mỹ chưa có kế hoạch tiến hành bỏ phiếu về đề cử này. Nếu có tiến hành bỏ phiếu, việc bổ nhiệm này cũng khó có thể qua ải Quốc hội, khi phải đối mặt với sự phản đối gay gắt của các nghị sĩ Đảng Cộng hòa, đặc biệt là các nghị sĩ Mỹ gốc Cu-ba luôn muốn ngăn cản mọi quyết định bổ nhiệm đại sứ Mỹ tại La Ha-ba-na./.

Hùng Hà (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất