Thứ Ba, 26/11/2024
Pháp luật
Chủ Nhật, 20/2/2011 16:30'(GMT+7)

Buôn người, đau đớn lắm thay!

Chị em Giàng Thị Thò và Giàng Thị Cò ở xã Phố Cáo, Đồng Văn (Hà Giang) được công an Trung Quốc trao trả về Việt Nam.

Chị em Giàng Thị Thò và Giàng Thị Cò ở xã Phố Cáo, Đồng Văn (Hà Giang) được công an Trung Quốc trao trả về Việt Nam.

Có tới 429 vụ với 671 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em đã bị lừa bán qua biên giới hoặc bán cho các ổ chứa mại dâm trong nước trong năm 2010, tăng 34 vụ so với năm 2009. Cũng theo Báo cáo của Ban chỉ đạo 130/CP, năm 2011, diễn biến của tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường…

Con đẻ, em gái cũng không tha

Theo Ban Chỉ đạo 130/CP, lợi dụng hoạt động giao lưu kinh tế ngày càng phát triển giữa các vùng, khu vực, quốc gia, những năm qua, hoạt động buôn bán phụ nữ, trẻ em diễn ra ngày càng phức tạp. Với các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ xuyên quốc gia và quốc tế, tội phạm hoạt động mua bán người đã thực sự trở thành vấn đề nhức nhối. Bọn tội phạm không chỉ lừa đảo, bắt cóc người ngoài mà còn bắt cả con đẻ, người thân ngay trong gia đình.

Để thực hiện trót lọt các vụ buôn bán người, bọn tội phạm đã sử dụng một số thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Đáng lo nhất là thủ đoạn lợi dụng công nghệ thông tin phát triển để hoạt động phạm tội như thông qua mạng internet, mạng điện thoại di động để lừa những học sinh, sinh viên, nhất là những thanh niên “nghiện game” ở các thành phố, thị xã bán ra nước ngoài hoặc đưa vào các nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở massage trong nội địa để ép phục vụ mại dâm hoặc lao động cưỡng bức.

Điển hình, tại Hà Nội, ngày 21/6/2010, Công an quận Đống Đa đã điều tra, triệt phá đường dây tội phạm mua bán người, với quy mô lớn, liên quan đến nhiều địa phương. Bước đầu, đã bắt 29 đối tượng, giải cứu được 15 nạn nhân. Bọn chúng khai nhận thông qua mạng internet để làm quen, rồi lừa phụ nữ, trẻ em bán ra nước ngoài (2 vụ) hoặc bán vào các ổ chứa mại dâm tại Hải Phòng (14 vụ).

Tại khu vực đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc, hoạt động mua bán người diễn ra ngày càng phức tạp. Thống kê “phần nổi của tảng băng chìm” cho thấy, năm 2010: Hà Giang 9 vụ, Lai Châu 2 vụ, Lào Cai 2 vụ, Quảng Ninh 1 vụ…

Đáng thương tâm, do khó khăn về kinh tế và kém hiểu biết về pháp luật, đã xảy ra hiện tượng cha mẹ bán con đẻ. Điển hình là ngày 27/8/2010, Pờ Xá To người dân tộc Hà Nhì, trú tại Mường Tè, tỉnh Lai Châu bán con gái Pò Lò Xó sang Trung Quốc; rồi Nguyễn Thị Út ở Kiên Giang, Nguyễn Thị Khen ở An Giang bán con gái sang Campuchia; Hoàng Thị Hải ở Thái Bình bán em gái ruột và bạn của em gái sang Trung Quốc…

Đặc biệt, tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, môi giới hôn nhân trái phép cho người nước ngoài làm vợ vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp. Xin nêu một vụ điển hình: Nguyễn Thị Ngọc Hiền, sinh năm 1970, trú tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cùng 6 đối tượng khác từ tháng 6/2007 đến tháng 10/2009, đã mua 25 trẻ sơ sinh, với giá từ 5 triệu - 15 triệu đồng/trẻ em bán sang Trung Quốc và các địa phương trong nội địa.

Tại thành phố Đà Nẵng, qua kết quả điều tra, xác minh ban đầu, trên địa bàn thành phố có 7 trung tâm có chức năng tiếp nhận nuôi dưỡng và cho người nước ngoài nhận làm con nuôi. Từ năm 2008 đến nay, có trên 200 trẻ em cho người nước ngoài nhận làm con nuôi nghi có dấu hiệu mua bán người.

Bức tường thép chặn đứng tệ nạn buôn người

Trước diễn biến phức tạp của hoạt động mua bán người, Bộ Công an thường xuyên chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm phối hợp với Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng chỉ đạo lực lượng công an, biên phòng các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 61/BCA(2008) của Ban chỉ đạo 130/CP về điều tra, khảo sát tội phạm và các đối tượng khác có liên quan đến mua bán người, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm. Kịp thời tổ chức xác minh các đường dây, đầu mối có dấu hiệu mua bán người để xác lập chuyên án và tổ chức đấu tranh triệt xóa. Mở đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, tập trung vào 2 tuyến biên giới trọng điểm: Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Campuchia.
 

Kết quả, năm 2010 đã điều tra, khám phá 383 vụ, bắt 602 đối tượng, trong đó: Lực lượng Công an khám phá 177 vụ, bắt 372 đối tượng; lực lượng Biên phòng xác lập, đấu tranh 38 chuyên án, triệt phá 54 đường dây; phát hiện, khám phá 206 vụ, bắt 230 đối tượng mua bán người qua biên giới. Viện Kiểm sát các cấp đã truy tố 112 vụ, với 203 bị can về tội mua bán người; 57 vụ, 93 đối tượng về tội mua bán trẻ em. Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý 172 vụ, với 312 bị cáo phạm tội về mua bán người; đã xét xử 153 vụ, với 274 bị cáo, đạt tỷ lệ 89%. Trong đó, 20 bị cáo phạt tù từ 15 - 20 năm, 83 bị cáo phạt tù từ 7 đến dưới 15 năm, 209 bị cáo phạt tù dưới 7 năm.

Năm 2011, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em trên thế giới, khu vực và ở Việt Nam được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, xu hướng tăng và là mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội. Vì vậy, theo Lãnh đạo Ban chỉ đạo 130/CP, nhiều kế hoạch cụ thể được lập nhằm kiên quyết đấu tranh, trấn áp tội phạm.

Theo đó, chỉ đạo lực lượng công an, biên phòng các cấp thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 61/BCA(2008) về điều tra, khảo sát tội phạm và các đối tượng khác có liên quan đến mua bán người. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đối với các tuyến, địa bàn trọng điểm, phân loại và có đối sách với những đối tượng có biểu hiện hoạt động mua bán người.

Lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm hình sự, biên phòng các cấp thông qua các hoạt động nghiệp vụ và các nguồn thông tin của quần chúng nhân dân, lời khai của nạn nhân… để thu thập củng cố hồ sơ, tài liệu, xác lập chuyên án, tổ chức truy bắt những tên chủ mưu cầm đầu, những tên lẩn trốn ngoài xã hội, làm rõ các tổ chức đường dây mua bán người, phát hiện và xử lý triệt để các trung tâm môi giới trá hình, các đối tượng cò mồi dẫn dắt đưa người ra nước ngoài bán.

Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, nhất là các địa phương giáp biên giới đất liền với Trung Quốc, Campuchia, Lào để nắm chắc tình hình, bàn biện pháp phối hợp đấu tranh chống tội phạm buôn bán người qua lại biên giới. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự, Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Cục Phòng chống mua bán người và bảo vệ trẻ vị thành niên, Bộ Nội vụ Campuchia khẩn trương sơ kết biên bản ghi nhớ về phòng, chống mua bán người…

Góp phần quan trọng cùng các lực lượng chức năng đẩy lùi tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em là vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhà trường, gia đình và đặc biệt là ý thức của mỗi người dân. Chỉ có sự đồng thuận trong toàn xã hội mới có thể tạo nên bức tường thép chặn đứng tệ nạn nhức nhối này./.

(Bùi Cư/Báo TNVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất