Thứ Ba, 24/9/2024
Pháp luật
Thứ Tư, 16/2/2011 15:58'(GMT+7)

Xây dựng luật và pháp lệnh năm 2012: Hàng chục dự án luật sẽ được triển khai

 

Theo Bộ Tư pháp, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ trong năm 2010 đã có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2009, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về số lượng dự án và nâng cao chất lượng soạn thảo các dự án được trình. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã chủ động hơn trong quy trình làm luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Do đó, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh đã được nâng lên đáng kể, nhất là trong 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, việc xem xét đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được tiến hành thận trọng hơn. Điển hình việc xin lùi thời hạn trình một số dự án như Bộ luật Lao động (sửa đổi) Luật Thủ đô do còn có ý kiến khác nhau về mặt chính sách pháp luật...
 
Theo dự thảo tờ trình Chính phủ, tại kỳ họp tháng 5-2012, Quốc hội sẽ thông qua 10 luật, gồm Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý giá, Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Quảng cáo, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng... và cho ý về 8 luật: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tiếp cận thông tin...
 
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp  Đinh Trung Tụng tính đến ngày 9-2-2011, Bộ Tư pháp đã nhận được đề xuất của 11 Bộ, cơ quan ngang bộ, đề nghị đưa 27 dự án (24 dự án luật và 3 dự án pháp lệnh) vào Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2012, trong đó có 22 dự án được đề nghị đưa vào Chương trình chính thức và 5 dự án được đề nghị đưa vào chương trình chuẩn bị.
 
Chương trình chuẩn bị năm 2012 dự kiến gồm 11 dự án luật. Về dự án Luật Đô thị, Bộ Tư pháp đề nghị cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh để tránh trùng lặp với phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Đối với đề nghị của Bộ Nội vụ về việc đưa dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi) vào Chương trình chính thức năm 2012, Bộ Tư pháp cũng đề nghị trước mắt chỉ nên đưa các dự án vào Chương trình chuẩn bị năm 2012 để có thêm thời gian nghiên cứu, trước khi có kết quả sửa đổi Hiến pháp.
 
Theo đề xuất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, có 7 dự án được đề nghị bổ sung vào Chương trình luật, pháp lệnh năm 2011 gồm Luật Phòng, chống rửa tiền; Nghị quyết của UBTVQH về việc ban hành biểu mức thuế bảo vệ môi trường; Luật Sửa đổi các luật về thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung các pháp lệnh nhằm thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
 
Bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, Luật Công chứng sửa đổi lần này cần tập trung vào các vấn đề như tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, người được miễn đào tạo nghề công chứng, người được miễn tập sự hành nghề công chứng; sửa đổi, bổ sung điều quy định về văn phòng công chứng như số lượng công chứng tối thiểu cho việc thành lập văn phòng, việc chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất...
 
Để Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 được triển khai tốt, Bộ Tư pháp đã đưa ra một số giải pháp như sau khi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 được thông qua, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng luật, pháp lệnh của các Bộ, ngành để  bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ trình các dự án luật, pháp lênh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Đối với các cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục bám sát thực hiện tốt các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
 

Theo L.H/ Đại đoàn kết.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất