Lễ trao giải Búp Sen Vàng 2012 đã diễn ra tối 29/7. Những tác phẩm đoạt giải đều thể hiện sự mạo hiểm của các nhà làm phim trẻ khi đưa đến cuộc thi những câu chuyện thú vị.
Ấn tượng, ám ảnh là điều mà 8 tác phẩm điện ảnh được công chiếu trong lễ trao giải đem đến cho khán giả. Mỗi tác phẩm là những câu chuyện khác nhau, kể về những nhân vật khác nhau trong những bối cảnh, hoàn cảnh sống riêng biệt. Tuy vậy, mỗi nhân vật trong phim, những câu chuyện xoay quanh các nhân vật ấy đều thể hiện những ước mơ, hoài bão của các nhà làm phim trẻ được sống là chính bản thân mình, được yêu, được giận, được đi tìm hạnh phúc. Mỗi câu chuyện là những góc nhìn khác nhau của những bạn trẻ về cuộc sống, về thế giới cả thực lẫn ảo pha trộn với nhau, đầy xô bồ nhưng cũng đầy khát vọng.
Điều có thể dễ dàng nhìn thấy ở mỗi tác phẩm còn là sự vận động. Vận động từ trong nội tâm nhân vật. Vận động từ trong bối cảnh sống của nhân vật. Và vận động cả trong những suy tư, khao khát của các nhân vật... Mở đầu và kết thúc câu chuyện là những chuyến đi, những cuộc “hành trình”, Phạm Quốc Dũng – một cậu học sinh phổ thông - đã kể câu chuyện về người mẹ của mình một cách đầy cảm động. Cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc của mẹ Dũng là một chuyến đi dài và nó sẽ còn tiếp tục cho đến khi người phụ nữ ấy tìm thấy được một người đàn ông thật phù hợp, bởi hạnh phúc luôn là thứ mà mọi con người luôn kiếm tìm. “Hành trình” đã đem về cho Phạm Quốc Dũng giải Búp sen bạc thể loại phim tài liệu.
Cậu bé khiếm thị trong “Làm bạn ma” của đạo diễn Đỗ Thanh Hà lại là một cuộc vận động giản dị khác. Khi cậu còn là một người khiếm thị, cậu luôn bị những người xung quanh kỳ thị. Một người bạn ma đã giúp cậu bé ấy có thể chơi những thứ cậu thích, đi những chỗ cậu muốn. Nhưng rồi người bạn ấy cũng ra đi, cậu bé ấy sáng mắt, cái còn lại là sự cô đơn, thiếu vắng đến tột cùng khi cậu bé không còn cảm nhận được tình bạn của một người ở thế giới khác xung quanh mình nữa.
Được tự do, được sống là chính bản thân mình là điều mà những cô cậu học trò luôn thích. Ám ảnh – có lẽ chưa đủ để nói về những dư vị mà bộ phim tài liệu “Bạn là ai” của tác giả Hoàng Huyền My. Một lối sống khác của “cô bạn” mang tên Sun. Những biểu lộ tình cảm của Sun với một bạn nữ khác (ôm, hôn, cõng, bế,...) là những thước phim đầy táo bạo của tác giả. Huyền My cho biết: “Phải tốn rất nhiều thời gian thì nhân vật của mình mới tin mình và dám thể hiện mình như vậy”. Có thể ai đó sẽ phát khiếp trước lối sống “lệch lạc” của một nữ sinh nhưng lại đầy “nam tính”. Có thể bạn sẽ không đồng tình với cách sống của Sun, nhưng bạn có muốn được sống là chính mình?
Cũng thể hiện ước muốn được là chính bản thân mình, làm những gì mình thích, đạo diễn trẻ Lê Hoàng mang đến cuộc thi bộ phim “7711” hay còn có tên là “Ngược dòng”. Sự gò bó trong môi trường giáo dục khiến nhiều học sinh cảm thấy bức bí, không còn được là chính mình. Ước mơ của những cô cậu học trò ấy đơn giản là có một không gian cho riêng mình.
Với những thước phim đẹp, cảnh quay ấn tượng, diễn viên xuất sắc, âm nhạc, tiếng động hấp dẫn, tác giả Lê Hoàng và đoàn làm phim đã khắc họa được hình ảnh của hai nhân vật chính một cách rõ nét, ám ảnh. Đó thực sự là một cuộc lội ngược dòng của hai nhân vật chính. Ngược dòng để tìm được cái không gian của riêng mình trong dòng chảy xuôi đầy bon chen, áp đặt của cuộc sống. Ngược dòng cũng là để tìm thấy những rung cảm thực sự còn có thể tồn tại trong trái tim mỗi con người. Hai giải vàng cho phim ngắn “Ngược dòng” gồm giải Búp Sen Vàng phim truyện do khán giả bình chọn và Búp Sen Vàng phim truyện do ban giám khảo bình chọn. Phải chăng những ai đã xem phim này đều muốn được đi “ngược dòng”?
Tuy còn có một số hạn chế nhất định về hình ảnh, cách kể chuyện, nhưng những tác phẩm đoạt giải trong Búp Sen Vàng mùa thứ 3 đã chiếm được nhiều lời khen của các nhà làm phim chuyên nghiệp, để lại ấn tượng sâu sắc trong trái tim người xem.
(Theo VOV)