Trong giai đoạn 2015-2017, tỉnh Cà Mau phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng
nâng cấp tuyến đê biển Tây, có tổng nguồn vốn 1.697 tỷ đồng, do Sở Nông
Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh làm chủ dự án. Trong đó, nguồn vốn
từ Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) là 650 tỷ
đồng, vốn Trung ương hỗ trợ 782 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn đối ứng
của địa phương chủ yếu sử dụng cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng.
Ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, để dự án triển khai
hoàn thành đúng tiến độ, tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương cần kịp thời
bố trí đủ nguồn vốn đầu tư hàng năm. Theo ông Dũng, đây là dự án mang
tính cấp thiết nhằm thực hiện mục tiêu phòng, chống giảm nhẹ thiên tai,
ngăn triều cường với tần suất 5%, ứng phó với biến đổi khí hậu nước biển
dâng và gió bão cấp 9, phục hồi rừng phòng hộ; đồng thời bảo vệ cho hơn
26.000 hộ dân sống ven biển cùng với gần 130.000 ha đất sản xuất nông
nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Tỉnh Cà Mau chủ trương nâng cấp đê kết hợp với xây dựng đường giao thông
trên mặt đê, chiều dài tuyến 75,52km gồm 5 đoạn: đoạn từ Cái Đôi Vàm
đến Mỹ Bình, đoạn từ Mỹ Bình đến T25, đoạn từ T25 đến Khánh Hội, đoạn từ
Hương Mai đến Kênh Xáng tuyến 4 và đoạn từ Kênh Xáng tuyến 4 đến Tiểu
Dừa.
Dự án còn đầu tư xây dựng tuyến đê mới từ Kênh Năm đến Cái Đôi Vàm có
chiều dài 21,8km, xây dựng bốn cây cầu giao thông nông thôn nối với
tuyến đê và xây dựng khoảng 8,6km kè chống sạt lở tại những đoạn đê xung
yếu đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Tỉnh Cà Mau cũng thống nhất chọn giải pháp công nghệ kè trụ tròn bê tông
cốt thép và kè rọ đá cho xây dựng công trình, đảm bảo thích ứng với sự
biến đổi của khí hậu, khắc phục tình trạng sạt lở, ngăn chặn vỡ đê biển
trong mùa mưa bão./.
Theo TTXVN