Chủ Nhật, 8/9/2024
Hoạt động y tế
Thứ Ba, 15/11/2016 10:59'(GMT+7)

Cà Mau khắc phục khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS


Riêng trong năm 2015 số người mới phát hiện bị nhiễm HIV là 181 người; đến cuối năm 2015 đã có 99% số xã, phường, thị trấn và 100% huyện, thành phố trong tỉnh phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS.

Ngành chức năng tỉnh Cà Mau nhận định, hiện nay dù tỉnh đã nhiều cố gắng và có sự tài trợ của dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS nhưng độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở tỉnh vẫn ở mức độ thấp. Bên cạnh đó, cộng đồng tuy đã có sự thay đổi trong hiểu biết về căn bệnh HIV/AIDS và các con đường lây nhiễm HIV nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS. Mặt khác, chương trình can thiệp giảm tác hại trong cộng đồng dân cư thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao vẫn còn hạn chế. Theo đó, chương trình cung ứng bơm kim tiêm mới chỉ đạt từ 60-70%, chương trình cung ứng bao cao su chỉ đạt trung bình khoảng 50-60% số đối tượng…

Ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, hai mục tiêu quan trọng đối với công tác phòng chống HIV/AIDS là giảm 50% số người nhiễm HIV/AIDS mới, điều trị cho 70% người lớn và 95% trẻ nhiễm HIV/AIDS bằng thuốc ARV trong năm 2016 của tỉnh Cà Mau khó có khả năng hoàn thành.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, một trong những khó khăn hiện nay là về nguồn kinh phí dành cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tại tỉnh, ước kinh phí dành cho công tác này trong giai đoạn 2017-2020 là trên 38 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với nhu cầu thì nguồn kinh phí này là thiếu hụt. Qua các nguồn, tổng kinh phí mà tỉnh có thể huy động được là khoảng 18 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được 47% tổng kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Nguyên nhân của sự thiếu hụt kinh phí trong phòng chống HIV/AIDS là do phải mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động để ứng phó với tình hình bệnh đang ngày càng lan rộng và có tính chất phức tạp; các dự án quốc tế không còn tài trợ; ngân sách Trung ương cắt giảm; bảo hiểm y tế chưa cam kết điều trị bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS…

Việc thiếu hụt kinh phí sẽ tác động rất lớn đến các hoạt động phòng, chống HIV, chẳng hạn: không đủ kinh phí để làm công tác truyền thông, dẫn đến việc lây nhiễm HIV/AIDS khó kiểm soát; thiếu nguồn thuốc AVR sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc và bệnh nhân sẽ phải chuyển sang phác đồ điều trị đắt tiền hơn.

Giải pháp mà tỉnh Cà Mau đưa ra để bảo đảm nguồn kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV là tăng dần tỷ lệ chi tiêu cho phòng, chống HIV/AIDS từ ngân sách; 80% doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động; 100% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế được chi trả theo quy định từ năm 2017; tăng nguồn thu từ một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để tự cân đối thu chi cho các hoạt động của các dịch vụ này./.

Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất