Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 6/6/2013 22:42'(GMT+7)

Cà Mau: Nỗ lực thực hiện NQTW 7 khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”


Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngay sau khi tiếp thu Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP, ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 28-CTr/TU, ngày 10 tháng 11 năm 2008 và ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 05/KH-UBND, ngày 09 tháng 3 năm 2009 để triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân với mục tiêu tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng nông thôn, nâng cao trình độ dân trí của nông dân đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng bền vững, hiệu quả và có cạnh tranh cao, xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ…


Ba năm qua, cùng với sự phát triển đi lên của cả nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Cà Mau cũng đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ “nông – ngư - lâm nghiệp” sang “ngư – nông – lâm nghiệp” một cách có hiệu quả, phù hợp với tiềm năng, điều kiện tự nhiên, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Tốc độ tăng trưởng khu vực sản xuất ngư – nông – lâm nghiệp có bước phát triển nhanh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với nhu cầu của thị trường. Tất cả các lĩnh vực sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trường và khai thác thủy sản có bước phát triển khá qua từng năm. Đến nay, sản lượng lúa đạt 540.370 tấn, tăng 8,07%; diện tích mía đạt 1.974 ha, tăng 30,73%; tổng đàn heo đạt 225.330 con, tăng 14%; tổng đàn gia cầm 1.654.390 con, tăng 44,9%; tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 408.530 tấn, tăng 30,47%, trong đó tôm 13.513 tấn, tăng 24,1% (09 tháng đầu năm 2012, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 329.240 tấn, bằng 78,40/0 kế hoạch, tăng 6,3%).

Thực hiện Nghị quyết số 09/CP ngày 15/6/2000 của Chính phủ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh đã chuyển một diện tích lớn đất trồng lúa và cây trồng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và cũng là ngành có tốc độ tăng trưởng nhất khu vực I, chiếm 30% GDP của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 296.300 ha diện tích đất nuôi trồng thủy hải sản, với sản lượng thủy sản nuôi trồng hàng năm ước đạt 248,4 nghìn tấn. Tỉnh đã triển khai Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả tôm – lúa Cà Mau năm 2009-2012 và định hướng đến năm 2015, góp phần nâng cao sản lượng lúa và cải tạo môi trường thủy sản. Nhờ đó, diện tích gieo trồng lúa được khôi phục đáng kể. Đến nay, diện tích gieo trồng lúa của tỉnh trên 128 nghìn ha, mặc dù diện tích trồng lúa giảm so với trước đây, nhưng nhờ đẩy mạnh thâm canh và gieo trồng giống lúa mới nên năng suất đạt khá, năm 2011, năng suất lúa ước đạt 41,6 tạ/ha, tăng bình quân 3,74%/năm; sản lượng lúa ước đạt 532 nghìn tấn, với sản lượng này đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu lương thực trong tỉnh, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực, ổn định thị trường để phát triển.

Các quy hoạch, chương trình, đề án trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được phê duyệt và triển khai thực hiện như: Quy hoạch sản xuất nông nghiệp tỉnh Cà Mau đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Cà Mau đến năm 2020; Quy hoạch phát triển làng nghề nông thôn tỉnh Cà Mau đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; Đề án tổ chức lại sản xuất và bố trí lại dân cư khu vực rừng tràm; Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm, lúa tỉnh Cà Mau giai đoạn 2009 - 2012 và định hướng đến năm 2015; Chương trình đầu tư xây dựng đường ô tô về trung tâm xã; Chương trình 1.588 cầu giao thông nông thôn; Chương trình kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2; Chương trình điện khí hóa nông thôn; Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo…

Công tác trồng, quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng được triển khai thực hiện tích cực và đạt kết quả khá tốt; tổng diện tích rừng tập trung năm 2011 là 102.490 ha, tỷ lệ độ che phủ rừng và cây phân tán đạt 20,7% tăng 12,5% so với năm 2008 (09 tháng đầu năm 2012, trồng rừng mới được 473 ha, bằng 67,6% kế hoạch; trồng rừng sau khai thác được 1.092 ha). Việc giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng và kinh doanh tổng hợp dưới tán rừng được thực hiện đúng quy định của Nhà nước.

Việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển các đô thị, liên tục được phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhất là về giao thông, thuỷ lợi, điện, hạ tầng đô thị, vệ sinh môi trường...Hệ thống giao thông đường bộ phát triển nhanh. Đến nay, tỉnh đã vận động và xây dựng, nâng cấp nhiều tiến lộ giao thông đường bộ nối với quốc lộ, đường ô tô đến trung tâm các huyện, các cụm kinh tế ven biển, trung tâm các xã; xây dựng hàng nghìn mét mộ giao thông nông thôn và cầu giao thông nông thôn nối liền từ xã đến ấp, ấp liên ấp; hoàn thành và đưa vào sử dụng đề án 1.588 cây cầu giao thông nông thôn; hệ thống lưới điện nông thôn phát triển mạnh, 100% số xã, ấp đã sử dụng lưới điện quốc gia, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt tên 95%; Công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới đang được đẩy nhanh tiến độ, qua sà soát tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã có 22 xã đạt 19/19 tiêu chí và có ít nhất 30 xã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Kết cấu hạ tầng văn hóa – xã hội được quan, nhiều công trình quan trọng được đầu tư như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hệ thống trạm y tế...đến nay, 100% xã trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế (mức độ 1); các trường học được xây dựng mới, quy mô các bậc học, lớp học đều tăng, chất lượng giáo dục được nâng lên…kết cấu hạ tầng đô thị và các cụm dân cư được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cụ thể, thành phố Cà Mau được nâng cấp lên đô thị loại II, đang chuẩn bị nâng cấp đô thị Năm Căn và Sông Đốc lên đô thị loại IV…

Có thể nói, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, nông nghiệp, nông thôn phát triển liên tục, khá toàn diện, trình độ dân trí, đời sống của nhân dân nông thôn ngày càng nâng cao đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần xây dựng quê hương Cà Mau ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

Công Thắng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất