Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ diễn ra sáng nay (3/6), các nhà đầu tư ghi nhận Chính phủ đã lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp và kiến nghị nhiều nội dung để giúp họ tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất.
Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm cả các nhà đầu tư trong nước
và quốc tế, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam cho biết, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối năm 2012,
cộng đồng doanh nghiệp đã kiến nghị với Chính phủ một số giải pháp thúc đẩy cải
cách và trợ giúp doanh nghiệp. Đến nay, sau 6 tháng, nhiều kiến nghị của doanh
nghiệp đã được Chính phủ giải quyết, tháo gỡ.
Kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được lắng nghe
Cụ thể, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi Luật
Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Doanh
nghiệp với những ưu đãi thuận lợi cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, Chính
phủ cũng đã có nhiều giải pháp ưu đãi đầu tư cho các dự án mở rộng đầu tư
cũng như các dự án đầu tư mới cho khu vực FDI.
Tại VBF diễn ra cuối năm 2012, cộng đồng doanh nghiệp đã
đề nghị các giải pháp giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho
doanh nghiệp, giải quyết hàng tồn kho, làm ấm thị trường bất động sản. Ngân hàng
Nhà nước đã có những biện pháp tích cực để giảm mạnh lãi suất, Chính phủ đã bố
trí 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo có thể mua nhà ở xã hội và hỗ trợ thị
trường bất động sản.
Đáp ứng kiến nghị tăng cường các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng
cho nền kinh tế như nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1, xây dựng cảng quốc tế cửa ngõ
Lạch Huyện, có kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống cảng biển phía Nam (Thị Vải),
cảng hàng không quốc tế Nội Bài…, đến nay, tuy còn gặp nhiều khó khăn về
nguồn lực, nhưng Chính phủ đã rất tích cực để triển khai các dự án, công
trình đặc biệt quan trọng này.
“Các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn đã được
Chính phủ lắng nghe, triển khai thực hiện, góp phần cải thiện môi trường kinh
doanh, trợ giúp cho doanh nghiệp trụ vững trước khó khăn. Chúng tôi đặc biệt
đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát
cũng như đã triển khai nhiều biện pháp trợ giúp doanh nghiệp, nhất là các nhóm
giải pháp khá đồng bộ đã được nêu trong Nghị quyết 02 của Chính phủ”, ông Lộc
nhấn mạnh.
Thay mặt các nhà đầu tư Hoa kỳ, ông Mark Gillin, Chủ tịch
Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) khẳng định nhiều vấn đề
được thảo luận hôm nay không phải chỉ riêng của Việt Nam. Việt Nam không phải là
quốc gia đầu tiên gặp phải những vấn đề về ngân hàng và nợ xấu. Việt Nam không
phải là quốc gia đầu tiên bị vấn nạn tham nhũng và quản lý kém ảnh hướng đến nền
tảng của nền kinh tế. Việt Nam cũng không phải là quốc gia đầu tiên phải đối mặt
với những quyết định khó khăn trong việc giải thể những doanh nghiệp Nhà nước
hoạt động kém hiệu quả.
“Một số người cho rằng những thách thức trên rất khó giải quyết
và tình hình đặc thù ở Việt Nam không cho phép thực hiện những giải pháp khả
thi. Chúng tôi không tin điều đó là sự thật và chúng tôi nhận thấy rằng chúng ta
có thể học tập rất nhiều từ những kinh nghiệm tích cực cũng như chưa tích cực
khác trong thực hiện các cải cách”, ông Mark Gillin nói.
Trước đó, trong phát biểu đề dẫn của mình, Bộ trưởng
Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn
sẵn sàng lắng nghe và giải quyết các kiến nghị, đề xuất chính đáng
của cộng đồng doanh nghiệp, với mục tiêu tạo lập môi trường kinh doanh
thực sự bền vững, hấp dẫn.
Một số kiến nghị mới
Tuy vậy, thực tế trong nửa đầu năm 2013, các doanh nghiệp
vẫn tiếp tục khó khăn, số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, ngừng hoạt động hoặc
giải thể vẫn tăng lên. Một trong những nguyên nhân là việc các biện pháp
chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy tác dụng còn chậm và chưa đủ mạnh. Bên
cạnh đó, chương trình tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc doanh
nghiệp nhà nước diễn ra còn chậm.
Đây cũng là lý do VBF giữa kỳ lần này lấy chủ đề “Giai
đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế - Từ chương trình tới hành động”.
Phát biểu tại Diễn đàn, các nhà đầu tư tiếp tục đề
xuất với Chính phủ nhiều nội dung nhằm ổn định môi trường đầu tư, hỗ
trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển bền vững hơn trong
thời gian tới.
Cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Chính phủ kiên định đối với
các mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý, tỉnh
táo trước những sức ép về tăng trưởng nhanh trước mắt song không bền vững. Điều
này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành, tồn tại và phát triển
của doanh nghiệp về mặt dài hạn.
Chính phủ cần ưu tiên cải cách thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu nền
kinh tế. Các biện pháp trợ giúp doanh nghiệp trong ngắn hạn cũng phải khuyến
khích đẩy mạnh tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn.
“Theo hướng đó, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Nhà nước đẩy
mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Trong đó, yêu cầu quan trọng nhất là xây
dựng được một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tăng
tính minh bạch và áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại vào các doanh nghiệp
Nhà nước. Khẩn trương thoái vốn Nhà nước ra khỏi lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước
không cần nắm giữ, để chuyển một phần nguồn lực sang đáp ứng các nhu cầu khác
cấp bách và cần thiết hơn như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ các mục
tiêu xã hội”, ông Vũ Tiến Lộc nêu trong bản kiến nghị tổng hợp chung
của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ.
Đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cần có
sự đột phá hơn nữa, trong đó trước mắt là nhanh chóng đưa những sửa
đổi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… vào cuộc
sống.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ tích cực
đàm phán, triển khai ký kết và thực hiện sớm các hiệp định thương mại tự do với
các nước và khu vực như: Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình
Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU và các hiệp định thương mại
tự do khác.
“Việc Việt Nam hoàn tất thành công Hiệp định TPP là rất quan
trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam và sẽ giúp thúc đẩy
niềm tin của các nhà đầu tư và tăng cường cơ hội cho tất cả mọi người”, bản
kiến nghị của Amcham viết./.
Xuân Tuyến (VGP)