Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 20/4 (giờ Việt
Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 142.686.485 ca nhiễm virus SARS-CoV-2
gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.042.841 ca tử vong. Số bệnh nhân được
điều trị khỏi bệnh là 121.187.563 người.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở
219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 121.321.122 bệnh
nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 18.965.690 ca
và 102.233 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 19/4, thế giới có tới 118 quốc gia
và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có
các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca
bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng
mạnh trở lại.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại
nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ, Ba Lan và Brazil, đồng thời lây lan diện
rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo
ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt
quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến
chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng
nhất vẫn là Mỹ với 581.551 ca tử vong trong tổng số 32.471.579 ca nhiễm.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở Mỹ đã ghi nhận chuyển biến tích cực
gần đây nhờ chương trình tiêm chủng vaccine được đẩy mạnh.
Ấn Độ đang trở thành điểm nóng đáng quan
ngại của dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày lên tục
tăng lên mức cao từng thấy. Ngày 19/4, quốc gia Nam Á này ghi nhận thêm
273.810 ca mắc - mức tăng trong ngày cao nhất từ trước tới nay. Đây là
ngày thứ 5 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới vượt mức 200.000
ca/ngày. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng kỷ lục 1.619 ca lên 178.769
ca. Riêng vùng thủ đô Delhi ghi nhận khoảng 25.000 ca mắc mới mỗi ngày
trong 3-4 ngày qua.
Trong bối cảnh đó, chính quyền khu vực
thủ đô Delhi đã quyết định áp đặt lệnh phong tỏa trong 6 ngày. Lệnh
phong tỏa có hiệu lực từ 22h tối 19/4 đến 5h sáng 26/4. Hiện, tổng số ca
nhiễm ở Ấn Độ đã lên tới hơn 15 triệu ca, chỉ đứng sau Mỹ.
Brazil đứng thứ 3 với 375.049 ca tử vong trong số 13.977.713 bệnh nhân.
Tính đến nay, nước Pháp đã trải qua 2
tuần đầu tiên của quá trình phong tỏa toàn quốc lần thứ 3, nhưng các chỉ
số liên quan dịch COVID-19 chưa được cải thiện rõ ràng. Theo số liệu
được Cơ quan Y tế quốc gia Pháp công bố tối 18/4, trong vòng 24 giờ,
nước này ghi nhận thêm gần 30.000 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2.
Tính trung bình trong 1 tuần trước đó,
mỗi ngày Pháp ghi nhận gần 33.000 ca nhiễm mới. Con số này có chiều
hướng giảm so với khi mới bắt đầu phong tỏa lần thứ 3. Tuy nhiên, cũng
trong thời gian này, việc xét nghiệm COVID-19 tại Pháp cũng giảm đáng
kể, khiến các cơ quan y tế khó xác định được nguyên nhân số ca nhiễm
hàng ngày giảm là do việc xét nghiệm giảm hay do tình hình dịch được cải
thiện.
Trong khi đó, Anh ghi nhận thêm 4 ca tử
vong, là số ca tử vong trong một ngày thấp nhất kể từ tháng 9/2020, nâng
tổng số ca không qua khỏi lên 127.274 ca. Số liệu chính thức được công
bố cũng cho thấy số ca mắc tại Anh tăng thêm 2.963 ca lên 4.390.783 ca.
Theo Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock,
hiện có 103 ca mắc tại Anh mang biến thể mới từ Ấn Độ với tên gọi
B.1.617. Đa số các ca nhiễm này đều liên quan tới các trường hợp nhập
cảnh từ nước ngoài. Ông Hancock thông báo Anh đã đưa Ấn Độ vào danh sách
tạm thời bị cấm nhập cảnh do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp
tại đây. Chỉ những người mang hộ chiếu Anh hoặc Ireland, hoặc những
người có quyền cư trú tại Anh được phép nhập cảnh, nhưng sẽ phải cách ly
10 ngày tại một khách sạn được chính phủ cho phép.
WHO TUYÊN BỐ CÓ CÔNG CỤ ĐỂ KIỂM SOÁT ĐẠI DỊCH
Ngày 19/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế
thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố thế giới có những
công cụ để đưa đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 toàn cầu vào tầm
kiểm soát trong những tháng tới.
Phát biểu họp báo, người đứng đầu WHO
nêu rõ: "Chúng ta có những công cụ để kiểm soát đại dịch trong vài tháng
tới, nếu chúng ta áp dụng các công cụ này một cách nhất quán và công
bằng".
Cùng ngày, Ủy ban Khẩn cấp WHO khuyến
cáo rằng không cần chứng nhận đã tiêm chủng vaccine như một điều kiện đi
lại quốc tế, qua đó duy trì lập trường của WHO về vấn đề đang ngày càng
gây tranh cãi này.
Trước đó, trong một tuyên bố đưa ra sau
cuộc họp hôm 15/4, để củng cố lập trường của mình, các chuyên gia độc
lập viện dẫn rằng có ít bằng chứng về việc liệu tiêm vaccine phòng
COVID-19 có làm giảm khả năng lây nhiễm virus của con người hay không,
cũng như "tình trạng bất bình đẳng dai dẳng trong hoạt động phân phối
vaccine toàn cầu".
Các nước nên thừa nhận rằng việc yêu cầu chứng nhận tiêm chủng làm sâu sắc thêm sự bất công và bất bình đẳng trong tự do đi lại./.
(VGP)