Thứ Hai, 16/2/2015 21:27'(GMT+7)
Các bệnh viện Hà Nội hối hả lên lịch trực cấp cứu dịp Tết
Tết đến Xuân về trên khắp các nẻo đường trên cả nước nhưng có lẽ, tại các bệnh viện, không khí Tết luôn lặng lẽ hơn bởi nơi đây còn biết bao lo âu, bao nỗi buồn... hiển hiện trên gương mặt những người bệnh nặng sẽ phải ăn Tết trong bệnh viện. Và đồng hành với những người bệnh là những y bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế vẫn ngày đêm lặng lẽ làm việc để chăm sóc và điều trị các bệnh nhân
Tăng phòng khám, kíp cấp cứu
Năm nay, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nên việc chuẩn bị công tác phục vụ khám chữa bệnh cho người dân được các bệnh viện đặt lên hàng đầu. Nhiều bệnh viện đã mở thêm phòng cấp cứu, tăng thêm các kíp trực.
Để bảo đảm công tác cấp cứu, khám bệnh, điều trị, chăm sóc người bệnh, các bệnh viện đã sẵn sàng về mọi mặt, từ nhân sự đến trang thiết bị, thuốc, dịch vụ y tế… cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra trong dịp lễ.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 9 ngày nghỉ Tết năm ngoái (từ 28/1-5/2/2014) cả nước xảy ra 338 vụ tai nạn giao thông, làm chết 286 người, bị thương 324 người. Bên cạnh đó, trên toàn quốc còn rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu…
Gần đây nhất, trong 4 ngày nghỉ Tết dương lịch, tại nhiều bệnh viện các y bác sỹ vẫn liên tục “căng mình” trực cấp cứu cho các bệnh nhân. Vì vậy, các bệnh viện đã chủ động đưa ra biện pháp hợp lý.
Tiến sỹ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trong những ngày nghỉ Tết, thay vì để bệnh nhân đổ dồn hết về Khoa Cấp cứu như những năm trước, năm nay, Bệnh viện Bạch Mai sẽ tổ chức 3-4 buồng khám tại Khoa Khám bệnh để phục vụ người bệnh, tổ chức khám, thanh toán ra viện như ngày thường.
Tiến sỹ Hùng giải thích, những năm trước vào trước và trong Tết, bệnh nhân vào viện thường tăng đột biến (vào cấp cứu, tuyến dưới chuyển lên, bệnh mãn tính nặng lên thành cấp tính)... dẫn đến tình trạng quá tải, gây bức xúc cho người bệnh. Vì thế, năm nay 100% các khoa phòng của bệnh viện tổ chức khám bệnh như bình thường. Bệnh viện sẽ làm việc đến hết 29 Tết.
Công tác trực cấp cứu tại các bệnh viện luôn được đặt lên hàng đầu. (Ảnh: TTXVN)
"Khoa thận nhân tạo 100% quân số đi làm, không để bệnh nhân bị phù thận vì chờ đợi do nghỉ Tết dài. Các khoa thực hiện tái khám vẫn tái khám như bình thường. không phải cấp cứu nhưng hết thuốc, có nhu cầu khám người bệnh vẫn có thể đến khoa khám như bình thường," tiến sỹ Hùng cho hay.
Bên cạnh đó, để giảm quá tải cho cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cũng sẽ mở thêm phòng cấp cứu. Khoa Khám bệnh cũng mở thêm 3-4 kíp khám đầy đủ với 10 giường điều trị ban ngày. Cần thiết có thể kêu gọi sự hỗ trợ của khoa khám bệnh theo yêu cầu.
Lãnh đạo không tắt máy điện thoại
Để tăng cường công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các Bộ, ngành có kế hoạch đảm bảo công tác điều trị, phục vụ người bệnh và an ninh trật tự trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo đó, các đơn vị y tế trực theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, xử lý thông tin Đường dây nóng; trực hành chính-hậu cần và trực bảo vệ-tự vệ. Danh sách cán bộ trực phải được niêm yết tại các khoa phòng. Bên cạnh đó, các đơn vị cần xây dựng kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh; hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết.
Không chỉ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt-Đức - nơi luôn là “điểm nóng” thực hiện các ca cấp cứu tai nạn giao thông trong các dịp lễ cũng đã lên kế hoạch phục vụ bệnh nhân trong dịp Tết với sự chuẩn bị khá chu đáo.
Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, trong bốn ngày nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 140-150 ca cấp cứu, trong đó khoảng 60% là các ca liên quan đến tai nạn giao thông.
Giám đốc Bệnh viện Việt-Đức Nguyễn Tiến Quyết cho biết, số bệnh nhân bị tai nạn nhiều, nhập viện liên tục đợt nghỉ Tết Dương lịch vừa qua khiến các bác sỹ “quay cuồng.” Vì vậy, với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài 9 ngày, bệnh viện đã lên kế hoạch huy động 50 bác sỹ, 100 điều dưỡng ứng trực 24/24h để bảo đảm cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh viện cũng bố trí những nhân viên ứng trực thường xuyên, bệnh viện cũng có phương án dự phòng nguồn nhân lực tăng cường khi có tình huống phát sinh.
Tại hầu hết các bệnh viện hiện nay đã chuẩn bị sẵn sàng đội xe cứu thương. (Ảnh: TTXVN)
Về công tác chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhi, bác sỹ Trần Văn Học, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, dịp Tết bệnh viện vẫn đẩy mạnh công tác nhằm kiểm soát dịch bệnh tốt và quyết liệt hơn. Những năm trước, bộ phận thường trực báo cáo ca bệnh hàng ngày nghỉ từ 30 đến mùng 2 Tết, năm nay các bộ phận trên phải trực liên tục, trực tăng cường và không được nghỉ như những năm trước.
Theo bác sỹ Học, bệnh viện bố trí mỗi ca trực đêm luôn duy trì khoảng 150-200 người bao gồm cả bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế để đảm bảo các ca trực được thông suốt. Lãnh đạo bệnh viện yêu cầu lãnh đạo các khoa phòng không được tắt máy điện thoại, hằng ngày vào kiểm tra đánh giá bệnh nhân thường xuyên.
Bên cạnh đó, các bộ phận hành chính, tài chính làm các thủ tục ký giấy ra viện trong những ngày Tết vẫn hoạt động bình thường.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại hầu hết các bệnh viện hiện nay đã tiến hành dự trù đầy đủ thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, máu, chế phẩm; đội xe cứu thương, hệ thống thông tin liên lạc, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự… cho dịp Tết Nguyên đán.
Chia sẻ những nỗi lòng gì muốn gửi gắm gì trong dịp Tết, nhiều bác sỹ tâm sự, trong những ngày nghỉ, mong mọi người hãy cùng giữ trọn niềm vui, chớ để vì sự quá đà trong “ăn, chơi” dẫn đến những nỗi buồn không đáng có, cuối cùng phải nhập viện điều trị./.
Theo TTXVN