Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 144/255 ca mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh; các bệnh nhân nặng đã có tiển triển tốt, nhiều bệnh nhân xét nghiệm đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1 đến 2 lần.
Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế cho biết, tính đến 9h ngày 10/4, dịch bệnh COVID-19 đã lan rộng ra 210 quốc gia/ vùng lãnh thổ,với 1.603.163 người mắc; 95.693 người tử vong. Tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á đều có người mắc bệnh, với tổng số ca mắc là 16.479, số ca tử vong là 593.
Tại Việt Nam, cả nước ghi nhận 255 ca mắc COVID-19 (trong đó có 158 người từ ngước ngoài, 97 người lây nhiễm thứ phát), không có người tử vong.
Việt Nam đứng thứ 106/210 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc COVID-19 trên thế giới; đứng thứ 6/11 quốc gia có ca mắc COVID-19 trong khu vực ASEAN.
Cả nước đã có 16 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số trường hợp được điều trị khỏi tại Việt Nam lên 144/255 trường hợp (chiếm 56,4%).
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị, Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 cho biết, hiện Trung tâm đang hằng ngày nỗ lực cùng với sự hỗ trợ của các giáo sư đầu ngành hội chẩn với các bệnh viện đang điều trị người bệnh, đặc biệt là với các trường hợp nặng để cập nhật tình hình và có sự hỗ trợ kịp thời.
Tin vui là các bệnh nhân nặng đã có tiển triển tốt, nhiều bệnh nhân xét nghiệm đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1 đến 2 lần.
WHO đánh giá cao công tác phòng chống dịch của Việt Nam
Theo PGS.TS Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc các Chương trình kiểm soát bệnh tật kiêm quyền Giám đốc Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương WHO đánh giá cao các nỗ lực trong công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ y tế từ trung ương đến địa phương.
Đặc biệt WHO đánh giá cao việc Việt Nam đã lên kế hoạch và xây dựng các kịch bản cụ thể cho các tình huống khác nhau của dịch bệnh, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế, phân tuyến kỹ thuật phù hợp (tuyến huyện có thể điều trị những trường hợp nhẹ), tránh việc chuyển tuyến nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm và dồn bệnh nhân lên hết tuyến trên.
Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên đã thành công trong việc nuôi cấy và phân lập virus SAR-CoV-2. Với các giải pháp đồng bộ và quyết liệt, Việt Nam đã bước đầu thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan ra cộng đồng.
Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, WHO khuyến cáo Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác cao độ và tập trung chuẩn bị ứng phó với các tình huống mới, đẩy mạnh kiểm dịch y tế biên giới, đảm bảo phân tuyến điều trị phù hợp, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, huy động được hợp tác quốc tế và hỗ trợ kỹ thuật trong công tác phòng chống dịch.
Xử phạt nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định giãn cách xã hội
Theo Bộ Y tế, những ngày qua, Việt Nam có ít ca nhiễm mới hơn, số ca khỏi bệnh ngày càng nhiều, một số bệnh nhân nặng tiến triển tích cực, nhiều người ca ngợi trình độ của y tế Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định nguy cơ lây nhiễm còn lớn, không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khiến dịch bùng phát. Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, người dân phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, ai không thực hiện thì xử phạt nghiêm, phê phán cá nhân, tập thể vi phạm. Không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch COVID-19 như tình trạng một số nước vấp phải.
Kiên định nguyên tắc từ đầu là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả, trong từng thời điểm, có thể thay đổi chiến thuật, ứng phó theo giai đoạn.
Để ngăn chặn nguồn lây bệnh từ bên ngoài cần thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 16, tiếp tục giữ chặt biên giới, hạn chế người từ nước ngoài vào Việt Nam trừ một số trường hợp theo quy định. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay, tạm dừng các chuyến bay quốc tế trừ chở hàng và công tác bảo hộ công dân được sự cho phép của Thủ tướng. Hạn chế tối đa các chuyến bay nội địa. Tiếp tục khuyến cáo công dân ở các nước không về nước trước ngày 15/4 trừ một số trường hợp đặc biệt. Với tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam, đều thực hiện cách ly từng đối tượng cụ thể.
Thủ tướng Chính phủ giao Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế có nhận định, đánh giá tình hình sát đúng để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc có hay không tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 sau thời hạn 15/4.
Đồng thời, cần chú trọng phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 cho các nhân viên y tế. Tập trung phát triển trang thiết bị y tế. Bộ Y tế mở các kênh tư vấn bảo vệ sức khỏe cho người dân đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài qua hệ thống khám chữa bệnh trực tuyến....
10 biện pháp phòng chống COVID-19
Bộ Y tế khuyến cáo 10 biện pháp đơn giản phòng, chống dịch COVID-19:
1. Không đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng.
2. Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc; luôn đứng cách xa người khác 2 m.
3. Luôn rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn, nhất là sau khi sờ tay vào bất cứ vật dụng nào và sau khi gặp, nói chuyện với người khác và khi về nhà.
4. Không bắt tay khi gặp người khác, không đưa tay lên mắt, mũi miệng.
5. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm vùng ngực cổ, uống nước ấm. Thay quần áo khi về nhà và quần áo thay ra cần được ngâm với xà phòng.
6. Ăn uống đủ chất, ăn chín, uống chín, tập luyện thể thao phù hợp, sinh hoạt lành mạnh. Thường xuyên vệ sinh, giữ thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
7. Nếu phải cách ly thì phải ở nhà, hạn chế gặp người trong nhà, thực hiện theo các hướng dẫn cách ly của cơ quan y tế.
8. Không nên đến cơ sở y tế nếu không phải cấp cứu. Hãy hỏi cán bộ y tế bằng điện thoại hoặc qua mạng trước khi muốn đi khám bệnh.
9. Khai báo y tế qua ứng dụng (https://ncovi.vn) cho mình và cho người thân trong nhà; theo dõi sức khỏe hàng ngày và báo ngay cho cơ quan y tế hoặc trên ứng dụng NCOVI.
10. Không mời khách đến nhà và cũng không nên đến nhà người khác. Cuộc sống sẽ còn nhiều dịp để gặp nhau./.
Theo chinhphu.vn