Chiều 12/6, với 88,19% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Quản lý ngoại thương. Luật gồm 8 chương, 113 điều.
Trước khi biểu quyết thông qua dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý ngoại thương.
Báo cáo nêu rõ, về trách nhiệm quản lý Nhà nước về ngoại thương (Điều 6), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc cải cách thủ tục hành chính, áp dụng khoa học, công nghệ thông tin trong cấp giấy phép quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nội dung này đã được thể hiện khái quát trong khoản 2 Điều 4 của dự thảo Luật, quy định đơn giản hóa thủ tục hành chính trong nguyên tắc quản lý nhà nước về ngoại thương.
Trên thực tế, Chính phủ đã có Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, trong đó đã giao trách nhiệm cụ thể trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các loại thủ tục hành chính.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội giữ như quy định tại dự thảo Luật.
Theo đó, Luật quy định: Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về ngoại thương và chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước về ngoại thương, bao gồm: trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành chiến lược, kế hoạch, chính sách quản lý, phát triển hoạt động ngoại thương, phát triển thị trường khu vực và thế giới, hội nhập kinh tế trong từng thời kỳ; quyết định việc thực hiện một số biện pháp quản lý theo quy định của Luật này.
Ngoài ra, Bộ Công Thương phối hợp cùng các bộ ban hành hoặc trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ngoại thương; hướng dẫn, phổ biến, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật và các biện pháp quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật.
Bộ cũng có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động ngoại thương và quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin; quản lý hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam; chỉ đạo về nghiệp vụ đối với đại diện thương mại thuộc cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ Công Thương giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tham gia đàm phán, ký kết, điều phối việc thực hiện điều ước quốc tế trong lĩnh vực ngoại thương; đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, xử lý các rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu trong phạm vi thẩm quyền và giám sát chung việc thực hiện điều ước quốc tế của các đối tác.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Cao Đình Thưởng phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh tham mưu giúp Chính phủ trong việc giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý ngoại thương theo thẩm quyền; thực hiện các biện pháp kỹ thuật thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Đối với đề nghị rà soát khoản 3 Điều 7 về trách nhiệm, quyền hạn chung của các bộ, cơ quan ngang bộ trong quản lý nhà nước về ngoại thương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung quy định theo hướng các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện quản lý ngoại thương và phát triển hoạt động ngoại thương theo quy định của pháp luật tại điểm a khoản 3 Điều 6 dự thảo Luật.
Về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý ngoại thương (Điều 7), có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “xuất xứ hàng hóa,” “vi phạm quyền sở hữu trí tuệ” vào sau cụm từ “chủng loại hàng hóa.”
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung hành vi bị cấm khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa gian lận xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục hải quan tại khoản 4 Điều 7 của dự thảo Luật.
Cụ thể, khoản 4 Điều 7 dự thảo Luật quy định: xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 và khoản 1 Điều 14 của Luật này; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện mà không có giấy phép, không đáp ứng đủ điều kiện; hàng hóa không đi qua đúng cửa khẩu quy định; hàng hóa không làm thủ tục hải quan hoặc có gian lận về số lượng, khối lượng, chủng loại, xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; hàng hóa theo quy định của pháp luật phải có tem nhưng không dán tem.
Cũng trong chiều nay, với 86,97% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc sửa đổi, bổ sung chương trình Kỳ họp thứ ba của Quốc hội.
Trước khi biểu quyết thông qua, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo dự kiến điều chỉnh chương trình làm việc của Quốc hội từ ngày 16/6 tới đến bế mạc Kỳ họp.
Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và căn cứ vào tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh chương trình làm việc của Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV từ ngày 16/6/2017 như sau: Bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định việc phê chuẩn đề nghị, bổ nhiệm hai thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao để đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ./.
(TTXVN)