Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 11/11/2008 13:41'(GMT+7)

Các địa phương cần tổ chức khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức gặp gỡ các nhà tài trợ quốc tế, nhằm kêu gọi hỗ trợ Việt Nam khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ lụt. Ðại diện nhiều nhà tài trợ rất quan tâm vấn đề này và yêu cầu Bộ sớm liệt kê danh mục các vùng, số lượng thiệt hại cụ thể cũng như khả năng hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam. Theo tính toán của Cục Trồng trọt, riêng số tiền cần để mua giống cho vụ đông là 280 tỷ đồng (ngô 180 tỷ, rau 100 tỷ) và khoảng 200 tỷ đồng khác để chuẩn bị giống cho vụ đông xuân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự tính sẽ hỗ trợ nông dân khôi phục nhanh sản xuất vụ đông với mức một triệu đồng/ha để mua các loại giống rau xanh, khoai tây và phân bón. Ðến nay, các tỉnh phía bắc đã thống kê thiệt hại cụ thể về sản xuất nông nghiệp, trước mắt đề nghị Nhà nước hỗ trợ tổng cộng gần tỷ đồng để mua 800 tấn lúa giống, 30 tấn ngô giống, 40 tấn rau giống giúp bà con nông dân phục hồi sản xuất.

Theo Tổng công ty Thương mại Hà Nội, sau hai ngày khảo sát tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm của huyện Thanh Oai, Chương Mỹ và xã Tả Thanh Oai thuộc huyện Thanh Trì đang bị ngập lụt, Tổng công ty đã triển khai thu mua gia súc, gia cầm để tránh thiệt hại cho nhân dân do mưa lụt gây ra. Dự kiến, Tổng công ty sẽ thu mua hết số gia súc, gia cầm có nhu cầu bán tại các địa phương trên trong một tuần.

Quỹ phòng, chống thiên tai của Hà Nội vừa nhận được 1 tỷ 350 triệu đồng của các đơn vị và cá nhân ủng hộ nhân dân Thủ đô khắc phục hậu quả mưa lụt. Trong đó Tập đoàn Nam Cường, Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Tây mỗi đơn vị ủng hộ 500 triệu đồng, Tập đoàn Mai Linh 300 triệu đồng và Tập đoàn Bảo Sơn 30 triệu đồng... UBND TP Hà Nội đã có công văn kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia đóng góp, ủng hộ Quỹ phòng chống thiên tai để chia sẻ khó khăn, giúp nhân dân thành phố tiếp tục khắc phục những hậu quả của cơn mưa lớn vừa qua, ổn định sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân; trước hết là công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 10-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Ðể bảo đảm lượng rau xanh cung cấp cho thị trường, Công ty Ðầu tư phát triển nông nghiệp Hà Nội và Tổng công ty rau quả T.Ư vừa cung ứng 10 tấn hạt giống rau để khôi phục sản xuất ngay ở những chân ruộng cao, nước đã rút. Thành phố cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 40 tỷ đồng để khôi phục sản xuất, trong đó tập trung chủ yếu vào việc cung cấp các giống rau, giống thủy sản để bù vào diện tích rau màu, cây vụ đông và thủy sản đã bị thiệt hại do mưa úng. Huyện Ðan Phượng cũng kịp thời hỗ trợ 100.000 đồng/sào cho các hộ trồng rau để khôi phục sản xuất.

Ngày 10-11, Sở Y tế Hà Nội đã tới thôn Ðan Nhiễm (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín) kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sau lũ. Sở Y tế đã quyết định cấp cho huyện Thường Tín khoảng 20 nghìn liều vắc-xin tả để triển khai cho người dân ở ba xã Nguyễn Trãi, Nghiêm Xuyên và Khánh Hà dọc theo sông Tô Lịch uống. Ðồng thời, Sở Y tế Hà Nội cũng đã bổ sung cho huyện Thường Tín 300 kg Cloramin B, 400 túi thuốc tổng hợp và 100 gói đẻ sạch.

Ðan Nhiễm là nơi có tới 700/750 hộ gia đình bị ngập trong lũ, nhiều nhất của huyện Thường Tín. Trung tâm Y tế huyện Thường Tín cho biết đã ghi nhận ít nhất 25 trường hợp đau mắt đỏ và 75 ca bị bệnh ngoài da ở chân. Ðan Nhiễm cũng là địa bàn ghi nhận phần lớn ca tiêu chảy cấp nguy hiểm ở huyện Thường Tín trong ba tháng vừa qua. Trước đó phẩy khuẩn tả đã từng được phát hiện trong nguồn nước sông Tô Lịch chảy qua khu vực này.

Các cơ sở sản xuất cá giống của Vĩnh Phúc vẫn bảo đảm an toàn cho hơn 38 tấn cá giống bố mẹ trong đợt mưa, lũ vừa qua. UBND tỉnh đã có kế hoạch hỗ trợ 10 triệu đồng/ha bị thiệt hại, giúp người dân khôi phục sản xuất. Chi cục Thủy sản tỉnh nhập hàng chục nghìn con cá giống bố mẹ từ nơi khác về để bù những đàn cá giống bị mất trong đợt mưa ngập vừa qua.

Tại Hải Dương, đến nay đã cơ bản tiêu úng cho diện tích cây vụ đông, tuy nhiên, thời vụ gieo trồng để khôi phục sản xuất và tiếp tục mở rộng diện tích cây vụ đông không còn nhiều. UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục gieo trồng khoai tây và các loại rau vụ đông như: cải ăn lá, cải củ, bắp cải, xu hào, súp-lơ... để bù đắp sản lượng rau, quả thiếu hụt, phục vụ Tết Nguyên đán.

Theo bản tin dự báo thủy triều năm ngày của Ðài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước thực đo ngày 10-11 tại trạm Phú An là 1,30 m (lúc 2 giờ) và trạm Nhà Bè là 1,26 m (lúc 1 giờ). Dự báo trong 5 ngày tới, đỉnh thủy triều cao nhất trong ngày xuất hiện vào rạng sáng và chiếu tối của các ngày, trong đó đỉnh triều cao nhất vào ngày 14-11. Cụ thể tại trạm Phú An lúc 18 giờ đạt 1,46 m, tại trạm Nhà Bè lúc 17 giờ đạt 1,43 m.

Cùng ngày 10-11, từ 7 giờ hồ Dầu Tiếng đang xả lũ với lưu lượng 200 m3/giây. Trước đó, từ 12 giờ ngày 9-11, hồ đã bắt đầu xả lũ với lưu lượng 100 m3/giây, sau khi mực nước hồ đạt 24,56 m, vượt báo động 3 là 16 cm vào lúc

5 giờ ngày 9-11. Ðể hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do triều cường, xả lũ của hồ Dầu Tiếng có thể kết hợp mưa to và kéo dài, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão thành phố chỉ đạo các quận, huyện thường xuyên bị ngập úng (huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, các quận Thủ Ðức, 12...) triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó; huy động và bố trí lực lượng xung kích túc trực tại các vị trí xung yếu, tập kết vật tư và các dụng cụ, phương tiện cần thiết để gia cố ngay khi phát hiện ra sự cố bờ bao, công trình có dấu hiệu sạt lở.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Ðồng Tháp Mười (ÐTM) và Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) đang lên theo kỳ triều cường, riêng sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa đang xuống. Ngày 9-11, sông Tiền tại Tân Châu ở mức 3,08 m (trên báo động 1 là 0,08 m); sông Hậu tại Châu Ðốc 2,66 m (trên báo động 1 là 0,16 m), tại Long Xuyên 1,92 m (dưới báo động 2 là 0,08 m); trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa là 1,62 m (dưới báo động 3 là 0,18 m). Dự báo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng ÐTM và TGLX tiếp tục lên. Ðến ngày 13-11, mực nước cao nhất trong ngày tại Tân Châu lên mức 3,15 m; tại Châu Ðốc lên mức 2,75 m; tại Mộc Hóa ở mức 1,55 m, tại các trạm chính vùng ÐTM và TGLX lên mức BÐ 3, có nơi trên BÐ 3 từ 0,1- 0,2 m. Từ ngày 16 đến  20-11, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng ÐTM và TGLX sẽ xuống theo triều./.
Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất