Thứ Bảy, 30/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 6/7/2012 17:33'(GMT+7)

Các địa phương chủ động hỗ trợ doanh nghiệp

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Tại Thái Bình, trước cuộc gặp mặt doanh nghiệp, UBND tỉnh đã phát phiếu đề xuất và đã nhận được hàng trăm ý kiến, kiến nghị. Các ý kiến tập trung vào các vấn đề như vốn, thuế, ngân hàng, cơ chế chính sách, đất đai, môi trường...

Đại diện Công ty cổ phần Sứ Tuấn Hương cho biết, doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn do nguyên liệu đầu vào tăng, giá điện tăng cao…, nên đề nghị ngân hàng khoanh nợ lãi vay năm 2011. Cũng liên quan đến vấn đề vốn, Công ty TNHH Hợp Thành kiến nghị ngân hàng cho vay tín chấp và đánh giá tài sản thế chấp sát hơn để đơn vị được vay đủ vốn, nhất là vốn ưu đãi.

Rất nhiều doanh nghiệp cho biết, gần đây, lãi suất ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm, song doanh nghiệp vẫn gặp khó khi tiếp cận vốn vay với lãi suất vay mới, nên  đề nghị Nhà nước sớm có giải pháp tháo gỡ cụ thể.

Liên quan đến vấn đề thuế, với tình hình hoạt động của doanh nghiệp  hiện nay, Công ty TNHH Toàn Thắng đề nghị cho phép doanh nghiệp được giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Một số doanh cho rằng, trong tình hình suy giảm kinh tế, mức thuế đất mới hiện nay là quá cao và đề nghị giảm 50% tiền thuê đất trong 5 năm tới. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình kiến nghị giảm tiền thuê đất đối với phần diện tích đất sau mặt đường từ 80% còn 20%.

Trước các kiến nghị của doanh nghiệp, ông Phạm Văn Ca, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, UBND tỉnh sẽ giao nhiệm vụ cho các sở, ngành chậm nhất trong tháng 7 phải có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mình quản lý.

Đặc biệt, Cục Thuế tỉnh và Ngân hàng Nhà nước tỉnh phải tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Tại buổi gặp mặt doanh nghiệp của tỉnh Nam Định, bà Vũ Thị Thanh Thủy, Chủ tịch HĐQT Công ty Len Sài Gòn cho rằng, nên tăng cường chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, như đưa ra giải pháp hỗ trợ chuyển vốn vay cũ (lãi suất cũ) sang vốn vay mới (lãi suất mới).

Trong khi đó, ông Phạm Văn Dương, Tổng giám đốc Công ty May Sông Hồng cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ngoài được vay vốn lãi suất rất thấp và thuế thu nhập doanh nghiệp cũng thấp, nên doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh nếu thuế thu nhập doanh nghiệp không giảm.

Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn cho biết những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương, tỉnh cam kết thực hiện rốt ráo, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành liên quan, như ngân hàng, thuế, kế hoạch – đầu tư, công thương, tài nguyên - môi trường để khẩn trương cùng doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc. Còn những vấn đề cần báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ, tỉnh sẽ có trách nhiệm báo cáo.

Tại buổi đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức sáng 5/7, ông Nguyễn Chiến Thắng, chủ tịch UBND tỉnh, quyết định giãn thời gian hoàn trả vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng của các cụm công nghiệp từ 4 năm lên 6 năm để giảm khó cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Chiến Thắng cũng đề nghị các ngân hàng thẩm định và tạo điều kiện cho vay đối với các doanh nghiệp đã vay, nay có những đơn hàng mới nhưng thiếu vốn; các sở ngành, địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh một cách tốt nhất để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn./.

(Theo: Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất