Trong đó, có 863 phương tiện với 2.610 lao động đang hoạt động trên biển (122 phương tiện đang hoạt động xa bờ, 741 phương tiện hoạt động ven bờ); 2.160 phương tiện neo đậu tại các bến (1.752 tàu cá, 30 tàu vận tải, 378 tàu du lịch, dịch vụ); 498 lồng bè nuôi hải sản neo đậu tại Cát Bà; 95 chòi canh ngao ngoài đê... Riêng tại vùng biển Bạch Long Vĩ hiện có 305 phương tiện với 454 lao động đang neo đậu trong âu cảng và có khoảng 195 phương tiện hoạt động cách đảo từ một đến 15 hải lý và đang di chuyển vào đảo trú tránh.
Cũng trong sáng 16-7, UBND TP Hải Phòng đã ban hành Công điện số 10/CĐ-CT chỉ đạo các ngành, các địa phương, đơn vị trong toàn thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 2.
Tại Thanh Hóa, theo tổng hợp của Văn phòng thường trực chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 5.766 phương tiện với 13.308 lao động khai thác thủy sản ven biển, cập bến trong ngày và 1.128 phương tiện với 8.752 lao động đánh bắt hải sản trên vùng biển từ tỉnh Quảng Ninh đến Hà Tĩnh.
Thông qua ba đài thông tin báo bão, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa thường xuyên thông tin vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của bão Rammasun để các phương tiện đang hoạt động trên biển chủ động vòng tránh, thoát ra, không đi vào khu vực nguy hiểm.
Đến 17 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng vẫn chưa liên lạc được với 62 phương tiện, 328 lao động đánh bắt hải sản xa bờ. Ngoài nỗ lực liên lạc với các tàu hoạt động trên biển qua các kênh thông tin, Bộ đội Biên phòng tuyến biển đã đi kiểm tra, rà soát, nắm lao động ở trên các chòi trông ngao, lồng bè nuôi hải sản; vận động nhân dân khai thác hải sản, di chuyển người, tài sản vào đất liền.
Theo Nhân Dân