Đồng bào các tôn giáo tỉnh Thanh Hóa sẵn sàng cho ngày bầu cử
Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đang đến gần. Cùng với nhân dân trong toàn tỉnh, đồng bào các tôn giáo trên địa bàn cũng đang tích cực hướng về ngày bầu cử. Thanh Hóa có 3 tôn giáo gồm đạo công giáo, phật giáo, tin lành, chiếm hơn 7% dân số toàn tỉnh. Tỉnh cũng có 60 nhà thờ xứ, 150 nhà chùa và hơn 100 chức sắc hoạt động tại các giáo xứ, giáo họ và các cơ sở thờ tự của đạo phật. Hầu hết đồng bào theo các tôn giáo đều sống xen kẽ, hài hòa giữa các tôn giáo, rải rác ở 19 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung đông nhất ở các huyện Nga Sơn, Tĩnh Gia, Thọ Xuân, Nông Cống, Hà Trung, Vĩnh Lộc… Những ngày này, các tổ chức tôn giáo trong tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, nhắc nhở các tín đồ thực hiện nội dung của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Tại các giáo xứ của đạo Công giáo trên địa bàn, trong các buổi lễ, linh mục cũng đã động viên, nhắc nhở bà con giáo dân thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ công dân trong ngày bầu cử. Các chức sắc cũng hướng dẫn, vận động giáo dân tìm hiểu và sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú nhất vào bộ máy chính quyền các cấp để phục vụ nhân dân, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu mạnh. Thông qua các cuộc họp thôn cũng như các buổi tuyên truyền sau thánh lễ tại nhà thờ, bà con luôn đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới công tác bầu cử và đã được chính quyền địa phương, các vị chức sắc giải đáp cặn kẽ. Theo đó, người dân đã nắm được thời gian cũng như địa điểm bầu cử và xác định việc lựa chọn ai, bầu ai trong ngày bầu cử sắp tới. Người dân trong thôn đang rất mong chờ đến ngày tự tay mình cầm lá phiếu để chọn ra những đại biểu thực sự xứng đáng nhất. Bác Nguyễn Duy Thành, Trưởng thôn Tân Đạo, xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, cho biết: Thôn Tân Đạo có 30 hộ, bà con đều theo đạo công giáo. Bà con giáo dân rất phấn khởi, háo hức đón chờ ngày bầu cử sắp đến. Thôn có 2 nữ công giáo cũng tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Về xã Hà Vinh, chúng tôi cảm nhận không khí sông động, náo nức của người dân khi ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 đang đến gần. Ông Mai Hồng Cường, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, cho biết: Xã Hà Vinh có đồng bào công giáo, chiếm 48% dân số toàn xã. Ủy ban bầu cử xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thường xuyên cập nhật, cung cấp cho nhân dân những thông tin mới nhất trên hệ thống loa phát thanh của xã, thôn về danh sách, lý lịch các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Hiện tại, danh sách cử tri cũng đã được Ủy ban bầu cử xã niêm yết tại trụ sở UBND xã để người dân tiện theo dõi, kiểm tra.
Tại chùa Thanh Hà (thành phố Thanh Hóa) Đại đức Thích Tâm Đức, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011- 2016 cho biết, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã giới thiệu, hướng dẫn các phật tử thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ công dân trong ngày bầu cử thông qua các buổi lễ, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tại chùa Thanh Hà. Thông qua các hoạt động của Ban Trị sự, hầu hết bà con phật tử trên địa bàn tỉnh đều phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, hiểu rõ hơn về ý nghĩa của cuộc bầu cử và quyền, nghĩa vụ của mỗi công dân trong ngày toàn dân đi bầu cử.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 2 vị là chức sắc, tín đồ các tôn giáo tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Các đại biểu tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh lần này đều là những vị chức sắc, tín đồ uy tín trước quần chúng nhân dân và tín đồ tôn giáo, có ý thức trách nhiệm cao về quyền và nghĩa vụ khi tham gia ứng cử, do đó được sự đồng thuận cao giữa chính quyền, giáo hội và sự ủng hộ trong quần chúng nhân dân, các tín đồ tôn giáo.
Ông Đặng Chí Công, Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa cho biết: Ban Dân tộc - Tôn giáo cũng đã tích cực vận động, tuyên truyền công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 đến với đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh, góp phần để cuộc bầu cử diễn ra thành công, thực sự là ngày hội toàn dân và thông qua cuộc bầu cử cũng tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Đồng bào có đạo tỉnh Đắk Nông sẵn sàng cho ngày bầu cử
Chỉ còn một tuần nữa là tới ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Tại Đắk Nông, công tác chuẩn bị cho ngày hội lớn của cả nước đang được các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương gấp rút thực hiện, đặc biệt là việc tuyên truyền cũng như vận động đồng bào có đạo tham gia bầu cử tiến hành hết sức khẩn trương.
X ã Đức Minh, huyện Đắk Mil được xem là xã "thuần đạo" của tỉnh Đắk Nông. Toàn xã có gần 17.000 nhân khẩu thì hơn 96% đồng bào theo đạo Công giáo và Tin lành. Ông Bùi Đức Hiển, Chủ tịch UBND xã Đức Minh cho biết, b ên cạnh các phương thức tuyên truyền truyền thống, công tác tuyên truyền bầu cử tại Đức Minh còn có sự tham gia nhiệt tình của các chức sắc, chức việc Thiên chúa giáo và Tin lành . Nhờ vậy, đến nay, hầu hết cử tri xã Đức Minh đã hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm đối với ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vào 22/5 tới đây, đồng thời tin tưởng các ứng cử viên sẽ trở thành những người đại biểu, đại diện cho quyền lợi chính đáng của đông đảo bà con cử tri.
Vừa tham dự buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu hội đồng nhân dân huyện Đắk Mil được tổ chức tại xã Đức Minh, ôn g Hà Thanh Long, một cử tri ngụ tại thôn Kẻ Đọng, xã Đức Minh và cũng là một giáo dân chia sẻ ông rất vui mừng khi nghe tất cả các đại biểu phát biểu rằng sẽ luôn đứng sau, đi sâu đi sát tâm tư và nguyện vọng của nhân dân để phản ánh tới các cơ quan chức năng, và chung tay giải quyết những vấn đề bức xúc của bà con cử tri. Còn ông Phạm Đình Cam, ở thôn Thanh Hà, xã Đức Minh thì mong muốn các đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp được trúng cử tới đây sẽ chung tay giải quyết đến nơi đến chốn những bức xúc của bà con. Như chất lượng đường sá nhiều nơi xuống cấp nhưng chậm được sửa chữa, khắc phục; tình trạng phân bón giả , thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng hoành hành gây thiệt hại nặng nề cho nông dân; một số của hàng kinh doanh dịch vụ internet mở quá thời gian quy định ảnh hưởng tới việc học tập của con em bà con trong xã ...
Ông Ngô Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban bầu cử huyện Đắk Mil cho biết toàn huyện có gần 50% dân số theo đạo Thiên chúa. Đợt bầu cử tới đây, huyện có gần 65.000 cử tri thì có gần một nửa là đồng bào có đạo. Chính vì vậy, bên cạnh các phương thức thông tin tuyên truyền bằng panô, áp phích phổ biến các quy định về bầu cử… Ủy ban bầu cử huyện phối hợp với các địa phương mời các chức sắc, chức việc, các linh mục, các vị trong hội đồng giáo xứ hỗ trợ, giúp đỡ công tác tuyên truyền cho bà con về mục đích, ý nghĩa ngày bầu cử, thời gian, địa điểm, tìm hiểu tiểu sử ứng cử viên, vận động bà con tham gia bầu cử với tỷ lệ cao nhất, đảm bảo chọn được những người có tài, có đức, giúp cho địa phương, đặc biệt là đồng bào vùng có đạo phát triển.
Linh mục Trần Xuân Cương, Linh mục Quản xứ giáo xứ Vinh An, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết công giáo tỉnh Đắk Nông cho rằng việc tham gia tuyên truyền bầu cử nói riêng và các nhiệm vụ chung của chính quyền từ lâu đã trở thành một nội dung được Ủy ban đoàn kết công giáo tỉnh khuyến khích. Cũng theo Linh mục Trần Xuân Cương, các nhiệm vụ quan trọng như vận động công dân đến tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự, vận động dân số kế hoạch hóa gia đình đều được các chức sắc, chức việc, các vị trong hội đồng giáo xứ thực hiện vì lợi ích chung.
Linh mục Trần Xuân Cương nhấn mạnh khẩu hiệu “người Công giáo tốt là người công dân tốt” và chỉ ra rằng giáo dân phải ý thức rõ trách nhiệm, quyền lợi của một cử tri, một công dân để chọn ra những người đủ đức, đủ tài, để bảo vệ quyền lợi của người dân và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn. Với các phương thức tuyên truyền đa dạng, linh hoạt và có kế hoạch cụ thể, cử tri là đồng bào có đạo ở Đắk Nông đã sẵn sàng cho ngày bầu cử của cả nước.
Đà Nẵng bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng pháp luật
Theo Ủy ban Bầu cử thành phố Đà Nẵng, các bước chuẩn bị cho Ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trên địa bàn thành phố đang được thực hiện theo đúng tiến độ, bảo đảm dân chủ, đúng pháp luật. Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử, chú trọng tới cử tri là ngư dân, công nhân, các đơn vị quân đội; có phương án bố trí thùng phiếu di động để bảo đảm bầu đủ, bầu một lần. Công tác vận động bầu cử bảo đảm đúng luật, trong đó, việc tổ chức mạn đàm tiểu sử ứng cử viên phải thật sự khách quan, công bằng. Bên cạnh đó, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống cháy nổ và cháy rừng trong thời điểm nắng nóng.
Với đặc điểm trên địa bàn quận có hơn 4.500 ngư dân, Quận Sơn Trà chú trọng công tác tuyên truyền. Tuyên truyền trực quan như dùng pa-nô, khẩu hiệu, áp phích…; tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của quận, qua hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Cùng với quận Sơn Trà, Thanh Khê và Liên Chiểu là hai địa phương có đông ngư dân chuyên đánh bắt dài ngày trên biển, vì vậy, công tác tuyên truyền cho ngư dân về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp đang được đẩy mạnh. Ông Lê Minh Trung, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban bầu cử quận Thanh Khê cho biết: Là địa phương có số lượng lao động nghề biển khá nhiều nên Ủy ban bầu cử quận chỉ đạo các địa phương dành thời gian để tập trung tuyên truyền sớm trong lực lượng lao động biển, giúp ngư dân nắm bắt thông tin cuộc bầu cử và không làm ảnh hưởng đến lịch trình đi biển.
Đà Nẵng đã lập danh sách 8 ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV cùng 2 ứng cử viên do Trung ương phân công về ứng cử; 85 người ứng cử đại biểu HĐND thành phố; 417 người ứng cử đại biểu HĐND quận, huyện và 2.613 người ứng cử đại biểu HĐND phường, xã. Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đã được công bố theo đúng quy định. Theo đó, danh sách 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội tại thành phố Đà Nẵng được lập theo 2 đơn vị bầu cử; 85 người ứng cử đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX được lập danh sách theo 15 đơn vị bầu cử. Ở cấp quận, huyện, có 84 đơn vị bầu cử, trong đó 15 đơn vị bầu cử bầu 2 đại biểu, 60 đơn vị bầu 3 đại biểu, 4 đơn vị bầu 4 đại biểu và 5 đơn vị bầu 5 đại biểu. Ở cấp phường, xã có 493 đơn vị bầu cử, trong đó 13 đơn vị bầu cử bầu 2 đại biểu, 402 đơn vị bầu 3 đại biểu, 61 đơn vị bầu 4 đại biểu và 17 đơn vị bầu 5 đại biểu. Các phường, xã đã lập và niêm yết danh sách 682.339 cử tri; trong đó, 643.294 cử tri bầu 4 cấp, 38.145 cử tri bầu 3 cấp và 900 cử tri bầu 2 cấp.
Ninh Bình tập trung toàn lực chuẩn bị đón ngày hội lớn
Những ngày này, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử đang diễn ra hết sức khẩn trương. Người dân náo nức đón chờ ngày hội lớn của đất nước trong tâm thế vui mừng, phấn khởi và gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng vào lá phiếu. Xác định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng và là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả nước trong năm 2016, ngay từ những ngày đầu năm, công tác chuẩn bị bầu cử đã được tỉnh Ninh Bình quan tâm, triển khai sớm để ngày hội bầu cử diễn ra thành công. Trong công tác tuyên truyền bầu cử, hoạt động tuyên truyền trực quan được tổ chức tập trung cao ở khu trung tâm tỉnh, trung tâm các huyện, thành phố; cửa ngõ ra, vào tỉnh, huyện; ngã ba, ngã tư các đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và ở các khu vực bỏ phiếu. Đến cuối tháng 4/2016, toàn tỉnh đã làm mới, củng cố, nâng cấp được 113 cụm pa nô lớn, 6.869 pa nô nhỏ; căng treo 4.528 băng zôn, khẩu hiệu, 69.402 cờ Đảng, cờ Tổ quốc…
Tại thành phố Ninh Bình những ngày này, nhiều cụm pa nô được làm mới như ở ngã tư Trung tâm thương mại Big C, cầu Trà Là, đầu đường Tràng An…; băng zôn, cờ các loại được căng treo với mật độ dày, đồng bộ trên các tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Đinh Tất Miễn, Trịnh Tú, Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Tôn Đức Thắng, Tràng An… tạo nên không khí hết sức sôi nổi. Ông Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết từ đầu tháng 4, UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố đã lập và niêm yết xong danh sách cử tri theo quy định. Đến ngày 10/5, tổng số cử tri trên địa bàn thành phố là 88.199 người, trong đó có 5.641 cử tri bỏ phiếu lần đầu. Để tạo thuận lợi cho cử tri trong việc tìm hiểu tiểu sử ứng cử viên đại biểu quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, MTTQ và các đoàn thể thành phố, xã, phường đã hướng dẫn các thôn, tổ dân phố tổ chức các buổi trao đổi, mạn đàm tiểu sử người ứng cử tại các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố vào các buổi tối hàng tuần và các ngày nghỉ. Kết quả ghi nhận cử tri đến các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố để trao đổi mạn đàm rất đông, cho thấy sự quan tâm của cử tri thành phố đối với những người ứng cử.
Tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử cũng diễn ra hết sức khẩn trương. Để phục vụ cho ngày hội lớn của toàn dân, huyện Gia Viễn đã thay mới 7 cụm pa nô lớn, chăng cheo 1.000 cờ hồng, 115 băng zôn, cờ dây trên các trục đường chính. Toàn huyện Gia Viễn được chia thành 146 khu vực bỏ phiếu thuộc 7 đơn vị bỏ phiếu. Tại nhiều điểm bầu cử trên địa bàn huyện, việc treo băng zôn tuyên truyền về bầu cử, niêm yết danh sách cử tri chuẩn bị hòm phiếu, in danh sách trích ngang những người ứng cử và danh sách cử tri, phiếu bầu... đã được các đơn vị chuẩn bị chu đáo, đúng quy định. Tính đến hết tháng 4, số cử tri toàn huyện là 93.391 người. Ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh Ninh Bình về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, đến nay trên địa bàn huyện đã triển khai lịch trình theo đúng quy định của pháp luật. Ủy ban bầu cử huyện và xã đã rà soát các danh sách cử tri, lập và cấp phát thẻ cử tri, chuẩn bị các điều kiện tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử tại địa phương, bảo đảm ngày bầu cử là ngày hội của non sông đất nước.
Cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, huyện Kim Sơn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phục vụ bầu cử, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền miệng. Toàn huyện đã tổ chức 379 chuyên đề về tuyên truyền bầu cử với 22.299 lượt người nghe; 416 hội nghị lồng ghép với 30.778 người tham dự, thực hiện 1.260 buổi tuyên truyền về bầu cử trên hệ thống truyền thanh toàn huyện. Đến nay, huyện Kim Sơn có tổng số 128.892 cử tri. Ban chỉ đạo bầu cử huyện vẫn tiếp tục rà soát điều chỉnh bổ sung kịp thời danh sách cử tri, quan tâm rà soát những người đang làm việc ở các cơ sở tôn giáo, lực lượng vũ trang nhân dân, sinh viên, người đi làm ăn xa… Ông Đỗ Hùng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Hiện nay công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử trên địa bàn huyện đang được đẩy mạnh triển khai. Bên cạnh việc chuẩn bị thật tốt về cơ sở vật chất chúng tôi cũng tập trung chỉ đạo về công tác đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau ngày bầu cử.
Ông Trần Hồng Quảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình cho biết, sau khi hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ 3, tỉnh Ninh Bình đã lập danh sách 10 ứng cử viên đại biểu Quốc hội, 85 ứng cử viên đại biểu HĐND cấp tỉnh, 450 ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện và 6.432 ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2016-2021. Đến thời điểm hiện tại, việc tổ chức các hội nghị để các ứng cử viên tiếp xúc cử tri ở các địa bàn dân cư đều diễn ra rất tốt. Cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thực sự phấn khởi để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Khẳng định đến thời điểm này không khí bầu cử tại các khu trung tâm, khu dân cư trên toàn tỉnh đang diễn ra sôi nổi, đậm nét, được cử tri và nhân dân hưởng ứng quan tâm, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, để ngày bầu cử diễn ra tốt đẹp, trong thời gian tới các cấp, các ngành, các tổ bầu cử sẽ tập trung cao độ cho công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu biết sâu hơn, nắm kỹ hơn về tiểu sử các ứng cử viên, về tiêu chuẩn của ứng cử viên, đặc biệt là các chương trình hành động của các ứng cử viên để cử tri có đầy đủ thông tin, sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu nhất, bầu làm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp của tỉnh Ninh Bình.
Gửi trọn niềm tin vào lá phiếu: Trong không khí chào đón ngày hội lớn của cả nước với nhiều niềm tin và kỳ vọng, người dân Ninh Bình đang háo hức mong chờ ngày bầu cử để được thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu xứng đáng tại các cơ quan dân cử. Ngày bầu cử đang đến gần, ông Đinh Xuân Nghĩ, xóm 4, Ngọc Động, xã Gia Phong, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, bày tỏ kỳ vọng sẽ lựa chọn được những người tài, đức, gần dân, biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân. Những ứng cử viên được nhân dân tín nhiệm bầu chọn vào Quốc hội và HĐND các cấp sẽ đem hết khả năng và tâm huyết để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
Tại xã miền núi Cúc Phương của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên tranh thủ thời gian rảnh rỗi trong ngày như trưa, tối để ra nhà văn hóa của thôn đọc thông tin về những ứng cử viên trên danh sách được niêm yết. Là người dân tộc Mường, chị Nguyễn Thị Oanh, thôn Nga 2, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, chia sẻ: “Là một đại biểu trẻ được tham gia bầu cử lần này, tôi mong muốn những đại biểu trúng cử vào HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ có những chính sách để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đồng thời tạo sự gắn kết giữa các dân tộc và tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”.
Ninh Bình là một tỉnh có đông đồng bào công giáo sinh sống. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử cũng được các nhà thờ, họ, đạo xứ đẩy mạnh triển khai. Linh mục chính xứ Phát Diệm, huyện Kim Sơn Toma.Aq Nguyễn Bá Khuê cho biết: “Người dân công giáo ở huyện Kim Sơn nói riêng rất hào hứng chuẩn bị cho cuộc bầu cử lần này. Chính xứ Phát Diệm đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa và trách nhiệm của công dân để người dân đi bỏ phiếu đầy đủ, tích cực và sáng suốt bầu ra những người có tài có đức. Bản thân tôi mong muốn các ứng cử viên được bầu chọn vào Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ là những người có tư duy đổi mới, góp phần đem lại ấm no hạnh phúc cho người dân”. Tại một số thôn, xã có đông đồng bào công giáo sinh sống, các giáo dân cũng thường xuyên quan tâm lắng nghe các bản tin phát thanh để nắm bắt thông tin về cuộc bầu cử. Bày tỏ sự kỳ vọng vào các đại biểu trúng cử HĐND các cấp lần này, giáo dân Nguyễn Mạnh Đạt, thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, mong muốn đồng bào công giáo nói riêng sẽ tiếp tục được quan tâm hơn nữa trong các chính sách phát triển. Đồng thời ông cũng kỳ vọng các đại biểu trúng cử sẽ đóng góp công sức giúp đất nước ngày càng phồn thịnh, đời sống của nhân dân được nâng lên. Không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử đã lan tỏa đến từng thôn, xóm trên địa bàn tỉnh. Người dân nô nức, phấn khởi thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân với nhiều kỳ vọng vào những người xứng đáng được lựa chọn, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân trong nhiệm kỳ mới./.
TG tổng hợp