Thứ Bảy, 5/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 3/12/2015 9:28'(GMT+7)

Các địa phương thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Thành Chung

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Thành Chung

Năm 2016, Hải Dương phấn đấu đạt một số chỉ tiêu chủ yếu như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 8,5% trở lên; thu ngân sách nội địa đạt trên 8.000 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 130 triệu đồng; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến cuối năm đạt 35%; tỷ lệ giường bệnh/1 vạn dân đạt 24,4 giường; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5% so với năm 2015; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến cuối năm 2016 đạt 78,7%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 88%...

Để thực hiên mục tiêu trên, tỉnh tập trung thực hiện nhiều giải pháp như: đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; kiểm soát tốt thị trường, đảm bảo cân đối ngân sách, tăng trưởng tín dụng; tập trung dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng; đẩy mạnh cơ giới hóa, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, tiến độ xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển các ngành dịch vụ; đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư; kiểm tra, xử lý mạnh, kiên quyết đối với các dự án đầu tư chậm triển khai, để đất hoang hóa; xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường...

Năm 2016, tỉnh Hải Dương tập trung cải cách hành chính, cải tiến tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đơn giản hóa, minh bạch, công khai các thủ tục hành chính; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí...

Năm 2015, kinh tế Hải Dương tiếp tục phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá; tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 8,5 so với năm 2014; thu ngân sách nội địa ước đạt 7.300 tỷ đồng, đạt 118,2% dự toán năm, tăng 7,1% so với năm 2014; thu hút được 319 triệu USD đầu tư trực tiếp nước ngoài. Giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2014...


* Tiếp tục ổn định và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, tạo chuyển biến rõ rệt trong đời sống xã hội là mục tiêu trọng tâm được Tỉnh ủy Hưng Yên đề ra tại hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 18, diễn ra ngày 2/12 nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2015, mục tiêu giải pháp năm 2016.

Năm 2015 các chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hưng Yên đều đạt và vượt mục tiêu đề ra: kinh tế tăng trưởng đạt hơn 7,8%, thu ngân sách đạt hơn 7.600 tỷ đồng, xuất khẩu đạt trên 2,4 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 40 triệu đồng, tạo thêm việc làm mới cho 2 vạn lao động. Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hàng hóa gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất; toàn tỉnh có 32 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh hoàn thành đề án quy hoạch chung xây dựng dọc 2 bên đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình, hoàn thành đề án đề nghị công nhận thị xã Mỹ Hào, Khu di tích Phố Hiến được cấp bằng công nhận di tích cấp quốc gia...

Hội nghị cũng đã thảo luận, chỉ ra các tồn tại và yếu kém như: hoạt động của các loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao chưa nhiều; tiến độ triển khai một số dự án đầu tư sản xuất kinh doanh còn chậm, việc đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tại các huyện Mỹ Hào, Văn Lâm, Yên Mỹ, Kim Động, thành phố Hưng Yên... chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được khắc phục kịp thời; chất lượng đào tạo dạy nghề còn hình thức chưa đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực. Tình hình tai nạn giao thông, vi phạm các công trình giao thông, thủy lợi và đê điều vẫn còn phổ biến và diễn biến phức tạp. Công tác thanh kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo còn một số vụ việc kéo dài.

Năm 2016, tỉnh Hưng Yên phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 8 %, thu ngân sách đạt gần 8,6 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD, 35% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh xây dựng, triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chương trình đề án, góp phần hoàn thành mực tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra.


* Ngày 2/12, tại thị xã Đồng Xoài, Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức Hội nghị triển khai các văn kiện Hội nghị lần thứ 12, Ban chấp hành Trung Đảng khóa XI và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X bằng hình thức truyền hình trực tiếp qua sóng phát thanh, truyền hình để nhân dân trong tỉnh kịp thời theo dõi.

Tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương đã truyền đạt các văn kiện Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; khái quát tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, ngân sách Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021…

Giai đoạn năm 2016-2020, Bình Phước chú trọng xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy nguồn lực, tiềm năng thế mạnh, tạo động lực cho tỉnh Bình Phước phát triển bền vững. Bình Phước phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 7,5%/năm; cơ cấu kinh tế nông - lâm - thủy sản là 32,4%, công nghiệp-xây dựng là 30%, thương mại-dịch vụ là 37,6%; tổng thu ngân sách đến năm 2020 là 4.850 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 2 tỷ USD; phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%…

* Trong 2 ngày 1-2/12, HĐND tỉnh Hà Nam đã tổ chức kỳ họp thứ 14 để đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 và thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng khác.

Năm 2016, Hà Nam đề ra một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu như: tổng sản phẩm trong tỉnh tăng trên 11,5%; GDP bình quân đầu người đạt 48,3 triệu đồng; giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 16%; thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 4.200 tỷ đồng; giải quyết việc làm mới cho 16.000 người; giảm tai nạn giao thông trên 5%; có 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Để hoàn thành các mục tiêu trên, tỉnh Hà Nam xây dựng các đề án, kế hoạch triển khai 5 Nghị quyết chuyên đề trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19. Tỉnh tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế chính sách trong thu hút đầu tư, đặc biệt là cơ chế đặc thù thu hút các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, các bệnh viện, doanh nghiệp lớn về đầu tư tại tỉnh; đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm. Tỉnh chú trọng giải quyết những vấn đề nảy sinh trong công tác giải phóng mặt bằng; rà soát để phân loại, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư, thu hồi đất dự án vi phạm Luật đầu tư, Luật đất đai; quản lý chặt chẽ, tránh nợ đọng ngân sách.

Hà Nam tập trung thực hiện quy hoạch, tích tụ ruộng đất, đầu tư xây dựng hạ tầng khu nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn, bò thịt, bò sữa; huy động, lồng ghép các nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Tỉnh ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản xuất khẩu, dược phẩm và không tiếp nhận các dự án có hiệu quả thấp, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...

HĐND tỉnh Hà Nam cũng thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng thuộc thẩm quyền như: Nghị quyết về giao biên chế công chức và tổng biên chế sự nghiệp năm 2016; Nghị quyết phê chuẩn dự toán ngân sách tỉnh Hà Nam và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2016; Nghị quyết về quy định chính sách ưu đãi và danh mục, vị trí các dự án xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Hà Nam... /.

TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất