Chính phủ đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ đối với dự thảo báo cáo Quốc hội (QH) về việc phát triển giao thông vận tải đường sắt và sử dụng vốn ngân sách đầu tư cho ngành đường sắt. Trong đó, Chính phủ nêu ra những bất cập, khó khăn trong đầu tư các dự án đường sắt.
Theo Chính phủ, giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn đầu tư dành cho phát triển hạ tầng đường sắt quốc gia là 18.657 tỉ đồng (chiếm 8,19% tổng vốn được bố trí cho ngành giao thông). Nguồn vốn dành cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt là 13.267 tỉ đồng nhưng chỉ đạt khoảng 40% so với nhu cầu thực tế.
Riêng năm 2021, Bộ GTVT bố trí nguồn vốn cho phát triển hạ tầng đường sắt là 4.121 tỉ đồng. Nguồn vốn sự nghiệp kinh tế dành cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt là hơn 2.821 tỉ đồng, cũng chỉ đạt khoảng 40% so với nhu cầu.
Trên cơ sở nguồn vốn được bố trí theo các giai đoạn của kế hoạch trung hạn, Chính phủ chỉ đạo tập trung ưu tiên cải tạo, nâng cấp để khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có. Đồng thời triển khai nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư các tuyến đường mới trên hành lang trọng yếu, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Dự án này đã trình QH năm 2010, tuy nhiên tại thời điểm này, do còn nhiều ý kiến băn khoăn về sự cần thiết đầu tư, khả năng huy động nguồn lực, tác động của dự án đến nợ công… nên chưa được QH thông qua.
Năm 2019, sau khi cập nhật và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ GTVT tiếp tục trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án này. Trong đó, đề xuất chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với thủ đô Hà Nội và TP.HCM như các đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang.
“Theo đó, Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Hiện nay, Hội đồng thẩm định nhà nước đang lựa chọn tư vấn thẩm tra phục vụ công tác thẩm định…” - dự thảo Chính phủ nêu rõ.
Nhiều dự án đường sắt quốc gia quy hoạch rồi… để đó
Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận đến nay cơ bản các nội dung quy hoạch tổng thể xây dựng đường sắt chưa đạt. Cụ thể, đối với các tuyến đường sắt xây mới như Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (dài 129 km), chỉ hoàn thành xây dựng mới đoạn Hạ Long - Cái Lân dài 5,67/41 km (đạt 14%), đoạn Yên Viên - Lim - Phả Lại - Hạ Long đang dở dang.
Cạnh đó, Bộ GTVT cũng chỉ mới dừng ở bước nghiên cứu, chưa thực hiện đầu tư đối với dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt nối cảng biển Hải Phòng - Lạch Huyện, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, TP.HCM - Cần Thơ, Vũng Áng - Cha Lo (Mụ Giạ) để kết nối với đường sắt Lào tại Mụ Giạ. Riêng tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Đắk Nông - Chơn Thành chưa được nghiên cứu.
Vì vậy, Chính phủ kiến nghị QH xem xét ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực đường sắt trong từng giai đoạn của kế hoạch trung hạn.
“Đặc biệt, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư riêng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Nguồn lực này có thể sử dụng dư địa trần nợ công còn lại để có hình thức vay phù hợp, đảm bảo không tác động đến việc phân bổ ngân sách cho các địa phương, vùng miền. Đồng thời, huy động nguồn lực của các địa phương có dự án đi qua để tham gia đầu tư dự án…” - dự thảo Chính phủ nêu rõ.
Nhiều dự án đường sắt đô thị chậm, đội vốn
Đối với hệ thống đường sắt đô thị, Chính phủ cho biết từ năm 1998 đã định hướng đầu tư, phát triển mạng lưới này tại TP Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, tại Hà Nội, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện đầu tư hai tuyến đường sắt gồm tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (giai đoạn 1) và tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông.
Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội thực hiện đầu tư hai tuyến đường sắt gồm tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội và tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Trong đó, tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành công tác nghiệm thu công trình xây dựng, hiện nay Bộ GTVT đang tập trung, giải quyết dứt điểm các vướng mắc để bàn giao cho TP Hà Nội đưa vào vận hành, khai thác thương mại.
Với tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, giai đoạn 1 do Hà Nội thực hiện đã triển khai thiết kế kỹ thuật từ nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, do một số vướng mắc liên quan đến kế hoạch thực hiện và xử lý thủ tục điều chỉnh nên dự án đang tạm dừng triển khai.
“Tuyến Nhổn - ga Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng đoạn Nhổn - Cầu Giấy, đang triển khai thi công đoạn ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội. Tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang triển khai các thủ tục điều chỉnh dự án để triển khai…” - Chính phủ thông tin.
Tại TP.HCM, Chính phủ đang chỉ đạo UBND TP.HCM thực hiện đầu tư hai tuyến gồm tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương. Hiện nay, tuyến Bến Thành - Suối Tiên cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng, tuyến Bến Thành - Tham Lương đang triển khai các thủ tục để di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công.
“Tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đều chậm so với dự kiến, tăng tổng mức đầu tư và đến nay chưa có dự án nào đưa vào khai thác...” - Chính phủ thừa nhận.
Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo UBND TP Hà Nội và TP.HCM đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị nhằm sớm hình thành mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch, góp phần giảm ùn tắc giao thông đô thị.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, để đẩy nhanh tiến độ các dự án, khắc phục việc đội vốn, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện đồng thời các giải pháp; trong đó, có việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, quản lý đất đai, môi trường... đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung nâng cao chất lượng khảo sát, thiết kế, chuẩn bị dự án đầu tư. Đồng thời, thực hiện chặt chẽ khâu tuyển chọn các đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu để chuẩn bị dự án. Đặc biệt, Bộ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, đảm bảo đáp ứng tiến độ thi công các dự án..../.
V.Long