Thứ Hai, 16/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 7/10/2013 21:39'(GMT+7)

Các hoạt động của Chủ tịch nước tại Hội nghị APEC 21

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 7/10, bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có một loạt các cuộc gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo các nước.

Trao đổi với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa chúc mừng 64 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bày tỏ tin tưởng Trung Quốc sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp cải cách mở cửa, xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, hoàn thành các mục tiêu lớn mà Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra.

Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước những tiến triển tốt đẹp gần đây trong quan hệ giữa hai Đảng và hai Nhà nước, đặc biệt là việc tích cực thúc đẩy thực hiện các nhận thức chung và thỏa thuận quan trọng giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước sau chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng Sáu vừa qua.

Chủ tịch nước đánh giá cao việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sắp thăm chính thức Việt Nam, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ lời chia buồn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước và nhân dân Vệt Nam trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong cuộc gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thay mặt Chính phủ và nhân dân Nhật Bản bày tỏ lời chia buồn sâu sắc trước việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời.

Trong trao đổi về quan hệ hai nước, Chủ tịch nước chúc mừng Nhật Bản đã đạt nhiều thành tựu về phát triển kinh tế và có vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực và trên thế giới. Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước những tiến triển mạnh mẽ, toàn diện của quan hệ Đối tác chiến lược trên các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân...

Thủ tướng Shinzo Abe đánh giá cao thành công của năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản 2013, nhất trí hai bên cần nỗ lực hiện thực hóa các tiềm năng của Hiệp định đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (EPA); trao đổi các mối quan tâm chung và phối hợp chặt chẽ trong đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), phục vụ mục tiêu phát triển của mỗi nước, cũng như góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết kinh tế và phát triển năng động của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chủ tịch nước cảm ơn Chính phủ Nhật Bản đã tiếp tục duy trì viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam ở mức cao, đề nghị Nhật Bản hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ, thành lập các khu công nghiệp chuyên sâu, đào tạo nhân lực chất lượng cao...

Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề trọng tâm của các Hội nghị APEC lần này và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên nhất trí cho rằng hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải tại các vùng biển như Biển Đông, Biển Hoa Đông có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển chung của toàn khu vực; các nước liên quan cần giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và các nguyên tắc ứng xử ở khu vực.

Tại cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước với Thủ tướng New Zealand John Key, hai nhà Lãnh đạo đã trao đổi về các phương hướng đẩy mạnh quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, đặc biệt là tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, triển khai hiệu quả Chương trình hành động giai đoạn 2013-2016 về hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục đào tạo...

Thủ tướng John Key khẳng định New Zealand tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực. Chủ tịch nước đánh giá cao sự hợp tác của New Zealand với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đóng góp tích cực của New Zealand tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hai bên cũng trao đổi về một số trọng tâm hợp tác trong APEC, phối hợp trong đàm phán TPP...

Tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Papua New Guinea Peter O' Neill, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác với Papua New Guinea, sẵn sàng làm cầu nối để Papua New Guinea hợp tác với Đông Nam Á và ASEAN.

Để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và khai thác tốt các tiềm năng hợp tác, hai bên nhấn mạnh cần tăng cường trao đổi đoàn các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước, sớm thiết lập các cơ chế hợp tác liên chính phủ, hoàn thiện hành lang pháp lý với việc đàm phán, ký kết các các hiệp định, thỏa thuận nhằm tạo thuận lợi cho triển khai các chương trình, dự án hợp tác cụ thể về thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch, giáo dục, nông nghiệp, thủy sản, năng lượng... Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại APEC và Liên hợp quốc.

Trước đó, tại cuộc tọa đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với lãnh đạo gần 20 tập đoàn, công ty lớn đại diện Liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ tại APEC, đại diện doanh nghiệp Hoa Kỳ đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cùng ngày 7/10, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Ngoại trưởng các nước Liên bang Nga, Mexico và Peru. Tại các cuộc gặp, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng các nước đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong quan hệ song phương, khẳng định quyết tâm tăng cường quan hệ sẵn có và tiếp tục hợp tác tốt trên các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực.

Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, hai bên đã trao đổi một cách thực chất về các biện pháp cụ thể làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga.

Hai bên nhất trí cần nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa hai nước bao gồm Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, cơ chế Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao, triển khai Kế hoạch hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao... Hai Bộ trưởng cũng trao đổi và khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ lập trường về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Mexico Jose Antonio Meade, hai Bộ trưởng nhất trí cần thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương thông qua các biện pháp như tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, thiết lập các cơ chế hợp tác và đàm phán, ký kết các hiệp định, thoả thuận nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác, đặc biệt là về kinh tế-thương mại. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau ở các diễn đàn đa phương như APEC, Tổ chức thương mại quốc tế (WTO), Liên hợp quốc, phối hợp chặt chẽ trong đàm phán TPP.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Peru Eda Rivas Franchini thay mặt Chính phủ hai nước ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong khuôn khổ APEC. Văn kiện này sẽ tạo khuôn khổ để hai nước hợp tác chặt chẽ hơn nữa tại APEC, đặc biệt là bảo đảm thành công cho các năm APEC 2016 tại Peru và năm APEC 2017 tại Việt Nam./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất