Thứ Bảy, 16/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 1/2/2010 6:46'(GMT+7)

Các nguồn tài nguyên tại Bắc Cực hấp dẫn Trung Quốc

Sau chiến lược của Trung Quốc tại châu Phi sẽ là chiến lược tại Bắc Cực? Sự có mặt lạ thường của một quan chức Trung Quốc tại Hội nghị "các đường biên giới Bắc Cực" lần thứ 4 diễn ra vào cuối tháng 1 tại Thành phố Tromso, Na Uy được giải thích như thiện chí của Bắc Kinh tham gia vào khu vực này.

Từ năm 1999, Trung Quốc đã tiến hành 3 cuộc thám hiểm khoa học và sẽ thực hiện cuộc thám hiểm thứ 4 trong năm 2010. Theo một số đánh giá, sự có mặt của Trung Quốc tại hội nghị này cũng nhằm thu thập các số liệu khoa học cần thiết để củng cố quan điểm của mình trong các cuộc đàm phán về khí hậu thế giới đang và sắp diễn ra. Sau khi phát biểu trước toàn thể các nước tham gia hội nghị, Đại sứ Trung Quốc tại Na Uy Tang Guoquiang đã giải thích với báo LEMONDE: "Đối với Trung Quốc, hai vấn đề quan trọng nhất là biến đổi khí hậu và những đường hàng hải tương lai qua vùng biển Bắc Cực". Ông cũng xác định: "Đối với những nước không có biên giới tiếp giáp với Bắc Cực như Trung Quốc, chính hai chủ đề trên sẽ giúp chúng tôi có tiếng nói tại đây".

Ngay hôm sau, tác giả Asbjorn Jaklin-cây bút bình luận của một nhật báo Na Uy đã viết: "Diễn văn của Đại sứ Trung Quốc Tang Guoquiang cũng có thể được bất cứ một nhà lãnh đạo phương Tây nào đưa ra". Nhà phân tích trên cũng nêu rõ rằng nhà ngoại giao Trung Quốc đã nói tới biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, nghiên cứu Bắc Cực và hợp tác quốc tế. Ông Oral Young, chuyên gia nghiên cứu Bắc Cực cho biết: "Chắc chắn trước tiên người Trung Quốc bị các nguồn tài nguyên lôi cuốn".

Từ năm 2007, Trung Quốc là quan sát viên không chính thức trong các hội nghị của Hội đồng Bắc Cực, một tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại Thành phố Tromso, tập hợp 8 nước vùng Bắc Cực, trong đó có 5 nước ven biển Bắc Cực quan trọng nhất gồm Nga, Canada, Đan Mạch (đảo Groënland), Mỹ và Na Uy.

Ông Hans Corell, cựu cố vấn tư pháp của Liên Hợp Quốc nhận xét: Trung Quốc công nhận chủ quyền của 5 nước trên và đó là một điểm chính. Một yếu tố cũng quan trọng nữa là: Trung Quốc không yêu cầu thực hiện một hiệp ước hoà bình trong khu vực mà đứng về phía các nước Bắc Cực khi cho rằng Công ước quốc tế về luật biển được ký tại Montego Bay (Jamaica) năm 1982 là hoàn toàn đầy đủ. Theo tổ chức Hoà bình xanh (Greenpeace), "Công ước này không đầy đủ bởi nó không quy định cần có một sự bảo vệ nào trước các hoạt động công nghiệp mà ngày nay đang được lên kế hoạch".

Tuy nhiên, theo cách của Liên minh châu Âu, Trung Quốc yêu cầu một chức quan sát viên thường trực tại Hội đồng Bắc Cực, hiện đang có 6 nước, trong đó có Pháp. Các nước Bắc Cực cũng đồng ý với việc hợp tác quốc tế. Ông Erik Lahnstein, quan chức Bộ Ngoại giao Na Uy phụ trách Biển Bắc đã nêu rõ: "Chúng tôi chào đón các nước muốn làm quan sát viên để họ thấy rằng không cần phải thiết lập một cơ chế khác". Thực tế lúc này cánh cửa vẫn đóng đối với các nước muốn làm quan sát viên. Ông Mads Christensen, Giám đốc Greenpeace tại các nước Bắc Âu nói: "5 nước ven biển Bắc Cực muốn cách ly những nước khác".

Thực dụng hơn

Tiếp đó, 5 nước Bắc Cực nhắc lại rằng họ không cần đến một hiệp ước Bắc Cực, năm 2008 bị Nghị viện châu Âu hay các tổ chức sinh thái như Greenpeace hay Quỹ thiên nhiên thế giới (WWF) yêu cầu. Mục đích của các nghị sỹ châu Âu là nhằm bảo vệ khu vực, hiện đang bị đe doạ bởi vấn đề giao thông đường biển và lợi ích gia tăng từ các nguồn tài nguyên khí đốt và dầu lửa tiềm năng. Tuy nhiên, một bản hiệp ước quốc tế sẽ gia tăng sự can dự của các nước khác vào việc quản lý các vấn đề trong khu vực, điều mà các thành viên Hội đồng Bắc Cực không mong muốn.

Bằng cách tuyên bố không cần một hiệp ước như trên, Trung Quốc đã có cách tiếp cận thực dụng hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách nước đôi trong việc bảo vệ những người dân bản địa, ngược lại với Liên minh châu Âu đang có mâu thuẫn với các nước Bắc Cực sau khi ra lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm từ hải cẩu năm 2009 làm họ mất đi một nguồn thu quan trọng.



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất