Ngày 14/2, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã cam kết gần 25 tỷ USD cho vay và đầu tư nhằm tái thiết đất nước Iraq sau 3 năm chiến tranh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Số tiền trên đã được thông báo chỉ trong vài giờ đầu tiên của ngày họp cuối cùng tại Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế, diễn ra ở thủ đô Kuwait City của Kuwait.
Cuộc họp hiện vẫn diễn ra. Các nhà tài trợ lớn hiện là Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. Anh cho biết sẽ dành cho Iraq khoản tín dụng xuất khẩu trị giá tới 1 tỷ USD/năm trong vòng 1 thập kỷ. Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ cung cấp các khoản cho vay và đầu tư trị giá 5 tỷ USD, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Trong khi đó, các nước vùng Vịnh, đứng đầu là Kuwait, cam kết 5 tỷ USD đầu tư, cho vay và tài trợ cho hoạt động xuất khẩu. Thứ trưởng Ngoại giao Iran cho biết Tehran sẽ đóng góp vào nỗ lực bình ổn Iraq thông qua lĩnh vực công, song không thông báo khoản cam kết tài chính cụ thể nào.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết nước này cần khoảng 90 tỷ USD cho tiến trình tái thiết đất nước kéo dài 10 năm, sau khi nhiều nhà cửa, trường học, bệnh viện và nhiều hạ tầng cơ sở kinh tế bị tàn phá hoàn toàn và hàng triệu người phải đi sơ tán.
Tại hội nghị, Baghdad đã đưa ra hàng trăm dự án cần đầu tư, trong các lĩnh vực từ lọc dầu đến các dự án xây dựng nhà cửa và giao thông.
Thủ tướng al-Abadi bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ sát cánh đến cùng trong cuộc chiến chống IS, bằng các hỗ trợ tài chính cụ thể để tái thiết đất nước. Ông cho biết tuần trước, Chính phủ Iraq đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư và bảo vệ đầu tư. Bên cạnh đó, ông cam kết rằng Iraq sẽ quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng, giống như đấu tranh chống khủng bố.
Về phần mình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định cộng đồng quốc tế cần trở lại Iraq trong công cuộc tái thiết và tiêu diệt các phần tử cực đoan IS. Ông nhấn mạnh: "Giờ là lúc để thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Iraq."
Nhân dịp này, ông Guterres cũng thông báo 2 sáng kiến chủ chốt của Liên hợp quốc và kêu gọi sự ủng hộ. Đó là Quỹ tạo thuận lợi và bình ổn (FFS) của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), hoạt động tại 25 tỉnh, thành phố nhằm hỗ trợ người dân trở về nhà; và Chương trình Tái thiết, dự kiến kéo dài 2 năm, nhằm ngay lập tức cải thiện đời sống hàng ngày cho người dân thay vì chờ đợi những dự án hạ tầng lớn và các cuộc cải cách kinh tế vốn cần rất nhiều thời gian để hoàn thành./.
(TTXVN)