Phát biểu tại Hội nghị kinh tế Montreal diễn ra ngày 10/6 tại thành phố
Montreal (Canada), nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Scotiabank, ông
Warren Jestin, nhấn mạnh kinh tế Mỹ đang phục hồi chậm chạp và đạt mức
tăng trưởng khoảng 2%, nhưng châu Âu sẽ không sớm thoát khỏi suy giảm
kinh tế.
Theo ông Jestin, châu Âu đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và triển
vọng sáng nhất là sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 1% trong vòng
năm năm tới.
Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển sẽ
cao gấp 2-3 lần so với các nước phát triển và đến năm 2020, các nền kinh
tế đang nổi sẽ trở thành động lực kinh tế toàn cầu.
Những người thắng trong tương lai sẽ là những doanh nghiệp ít tập trung vào Mỹ và châu Âu hơn.
Ông Jestin nói: "Đây sẽ là một kiểu môi trường cạnh tranh khác, nhưng
rất thú vị và sẽ có thể rất tích cực đối với Canada trong tương lai."
Trước đó, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng các nước
đang phát triển sẽ tăng gấp 3 tỷ trọng trong tổng đầu tư toàn cầu lên
60% vào năm 2030.
Báo cáo trên dự đoán 50% nguồn vốn toàn cầu sẽ ở các nước đang phát triển, so với mức không đầy 33% hiện nay.
Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 30% tổng đầu tư toàn cầu, trong
khi ba nền kinh tế khác thuộc nhóm BRICS là Brazil, Ấn Độ và Nga cũng
chiếm hơn 13% con số này.
Sự chuyển đổi trong việc phân bổ dự trữ vốn toàn cầu phù hợp với mức
tăng tương ứng về tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước
đang phát triển trong tổng GDP của thế giới.
Hiện tại, xấp xỉ 70% tổng GDP toàn cầu thuộc về các nước có thu nhập cao, và tỷ trọng này sẽ giảm xuống khoảng 50% vào năm 2030.
Cũng theo báo cáo trên, đến năm 2030, các nước đang phát triển sẽ đóng
góp phần lớn cho tăng trưởng toàn cầu và chiếm hơn 50% thương mại toàn
cầu vào năm 2030.
Báo cáo này cho thấy vai trò ngày càng tăng của các nước đang phát triển trong nền kinh tế thế giới./.
Theo TTXVN