Theo dự thảo này, giá bán lẻ điện là giá bán điện được đưa ra theo các
cấp điện áp (110kV, từ 22kV đến dưới 110kV, từ 6kV đến dưới 22kV và
dưới 6kV) áp dụng cho các nhóm khách hàng gồm sản xuất, kinh doanh,
hành chính sự nghiệp và sinh hoạt.
Về giá
điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đề xuất gồm 6 bậc thang thay cho 7 bậc
thang hiện nay và giá được tăng dần theo thứ tự bậc thang. Cụ thể, từ
0-50 kWh có mức giá không lớn hơn 80% mức giá bán lẻ điện bình quân và
từ 0-100 kWh có mức giá không lớn hơn mức giá bán lẻ điện bình quân.
Nếu sử dụng từ 101 kWh đến 200 kWh, mức điều chỉnh
giá là 108% giá điện bình quân. Hiện nay, khoảng này được chia thành hai
nấc, từ 101 kWh đến 150 kWh, mức giá bán bằng 106% giá điện bình quân,
từ 151 kWh đến 200 kWh, mức điều chỉnh lên đến 134% giá điện bình quân.
Khi khách hàng sử dụng từ 201-300 kWh, mức tính sẽ
chỉ bằng 138% giá điện bình quân, giảm với so tỷ lệ 145% áp dụng như
hiện nay và mức giá cho kWh thứ 301-400 sẽ là 154% giá điện bình quân,
giảm nhẹ so với tỷ lệ 155% hiện nay. Từ kWh 401 trở lên, tỷ lệ điều
chỉnh là 165% giá điện bình quân, tăng 6% so với tỷ lệ 159% hiện nay.
Dự thảo quy định rõ bậc thang đầu tiên trong biểu
giá điện sinh hoạt từ 0-50 kWh áp dụng cho các hộ thu nhập thấp. Hộ thu
nhập thấp phải đăng ký mua điện theo hướng dẫn của bên bán điện. Tuy
nhiên, nếu trong 3 tháng liên tiếp, tổng lượng điện sử dụng của hộ đã
đăng ký vượt quá 150 kWh thì tự động chuyển sang bậc thang thứ 2 và các
bậc tiếp theo.
Các hộ sử dụng điện sinh hoạt khác
áp dụng biểu giá từ bậc thang thứ 2 và các bậc tiếp theo. Các hộ nghèo,
hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được
hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt 30.000 đồng/hộ/tháng. Kinh phí
hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được trích từ
nguồn ngân sách Nhà nước.
Trong khi đó, giá điện cho sản xuất tùy
thời điểm sử dụng sẽ tăng từ 2-7%; với giá bán lẻ điện cho kinh doanh
được đề xuất giảm 5% trong giờ bình thường, giảm 3% vào giờ thấp điểm và
8% vào giờ cao điểm cho các cấp điện áp.
Điểm
đáng chú ý trong dự thảo này là Bộ Công Thương đã đề xuất áp giá điện
riêng cho ngành sản xuất sắt thép, ximăng chứ không cho hưởng giá chung
với các ngành sản xuất khác.
Tính trên giá điện
bình quân hiện nay, giá điện cho sản xuất sẽ tăng thêm 2%-7%, tùy mức
điện áp và thời điểm sử dụng. Riêng giá điện cho sản xuất sắt thép,
ximăng sẽ cao hơn từ 2%-16%. Cụ thể, giá điện cho hai ngành này vào giờ
bình thường và thấp điểm sẽ thấp hơn giá điện bình quân nhưng vào giờ
cao điểm được tính bằng 160%-187% giá điện bình quân, tùy theo cấp
điện áp.
Bộ Công Thương cho biết việc tách riêng giá điện cho sản xuất
sắt thép, ximăng là do hiện nay, các hộ kinh doanh đang phải trả giá
điện rất cao so với ngành sản xuất này.
Từ
trước đến giờ, nhiều chuyên gia trong ngành vẫn khẳng định tăng giá điện
đối với ngành thép và ximăng là cần thiết bởi vì, các ngành này phần
lớn đang sử dụng công nghệ, thiết bị sản xuất rất lạc hậu, tiêu tốn
nhiều điện năng. Vì vậy, tăng giá điện không những thúc đẩy những ngành
này đổi mới và sử dụng công nghệ tiên tiến tiết kiệm điện năng, nâng cao
khả năng cạnh tranh trên thị trường mà còn góp phần giảm bớt tình trạng
nhà nước cứ bù lỗ giá điện như lâu nay.
Trong bối
cảnh đó, từ nhiều năm nay, Bộ Công Thương đã cân nhắc vấn đề áp giá điện
riêng cho ngành thép và ximăng. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thép và Hiệp
hội ximăng Việt Nam, đây là hai ngành công nghiệp quan trọng, không thể
“phân biệt đối xử” như các ngành sản xuất khác, đặc biệt trong bối cảnh
kinh tế khó khăn, sản xuất cầm chừng, tồn kho sản phẩm lớn nếu áp giá
điện riêng cho hai ngành này sẽ tăng thêm chi phí đầu vào khiến doanh
nghiệp đã khó khăn lại càng thêm nhiều khó khăn. Do đó, Chính phủ cần
cân nhắc thời điểm tăng giá cho hợp lý hơn./.
TTXVN