Ngày 19/6, đa số các nước đã hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia, còn gọi là Hiệp định về Biển cả và thể hiện ý định sớm ký và phê chuẩn để hiệp định sớm có hiệu lực, được thực thi đầy đủ và hiệu quả.
Cuba đại diện Nhóm các nước đang phát triển đánh giá kết quả này là
sự thắng lợi của ngoại giao và chủ nghĩa đa phương, thắng lợi của các
nước đang phát triển nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi và đoàn kết chặt chẽ
của các nước trong nhóm.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn
thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Trưởng đoàn đàm phán, khẳng định
kết quả thành công ngày hôm nay thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ
của Hội nghị trong việc đạt được một văn kiện nhằm bảo tồn và sử dụng
bền vững các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia.
Đại sứ đánh giá hiệp định này sẽ củng cố hơn nữa Công ước Liên hợp
quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) - bản Hiến pháp của đại dương, khuôn khổ
pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển; tăng cường chủ nghĩa đa phương,
là một dấu mốc mới trong sự phát triển của luật pháp quốc tế và góp
phần thực hiện Thập kỷ Liên hợp quốc về khoa học biển phục vụ phát triển
bền vững, thực hiện Mục tiêu phát triển thứ 14 về bảo tồn và sử dụng
bền vững đại dương, biển và nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển bền
vững.
Nhằm đảm bảo tôn trọng sự toàn vẹn của UNCLOS, trong quá trình thực
hiện hiệp định sau này, liên quan đến quy định về việc Hội nghị các
thành viên ký kết hiệp định xem xét, đề nghị phân vùng để áp dụng biện
pháp bảo tồn, đại diện Việt Nam cùng một số nước nhấn mạnh cách giải
thích một số điều khoản mà Hội nghị liên Chính phủ đã nhất trí, như thể
hiện trong Báo cáo của Hội nghị liên Chính phủ.
Việc Liên hợp quốc thông qua Hiệp định đem lại nhiều cảm xúc, đặc
biệt là đối với những người trực tiếp tham gia thương lượng, trong đó có
đoàn liên ngành Việt Nam do Bộ Ngoại giao chủ trì cùng đại diện Bộ Tài
nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn, Bộ Công an, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam..., phối hợp
với Phái đoàn Việt Nam tại New York, bởi đây là kết quả của một quá
trình lâu dài và phức tạp, nhiều lúc cực kỳ gay gắt.
Bà Rena Lee, Chủ tịch Hội nghị liên Chính phủ, mô tả việc xây dựng
hiệp định là “một công cuộc to lớn và có ý nghĩa sống còn." Nếu tính cả
các hoạt động trù bị cho Hội nghị liên Chính phủ và hoạt động vận động
trong Đại hội đồng Liên hợp quốc, quá trình này kéo dài gần 20 năm.
UNCLOS quy định quyền tự do hàng hải, tự do đánh cá trên biển cả
ngoài vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời quy định khoáng sản trong vùng
đáy biển trên thềm lục địa của các nước, là di sản chung của nhân loại;
thành lập cơ chế cấp phép, phân bổ lợi ích từ khai mỏ dưới đáy biển
khơi, song chưa có cơ chế tương tự đối với nguồn gene biển.
Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học vùng ngoài
quyền tài phán quốc gia cụ thể hóa và phát triển UNCLOS trên khía cạnh
này. Đây là hiệp định thứ 3 thực thi UNCLOS, sau văn kiện về đàn cá di
cư và văn kiện nhằm thực thi Phần XI của Công ước.
Hiệp định gồm 17 chương, 76 điều, 2 phụ lục với nội dung chính xoay
quanh một số vấn đề gồm: (i) Chia sẻ lợi ích nguồn gene biển; (ii) Thiết
lập vùng bảo tồn biển; (iii) Đánh giá tác động môi trường; (iv) Xây
dựng năng lực và chuyển giao công nghệ và (v) Vấn đề chung như cơ chế ra
quyết định của Hội nghị các quốc gia thành viên, thành lập, vận hành
các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, cơ
chế tài chính.../.
TTXVN