Ngày 22/9, hai phái đối địch của Palestine là phong trào Hồi
giáo vũ trang Hamas và phong trào Fatah đã bắt đầu các cuộc
đàm phán hòa giải tại thủ đô Cairo của Ai Cập.
Cuộc hòa đàm diễn ra chỉ một ngày trước cuộc đàm phán giữa
Palestine và Israel về việc củng cố thỏa thuận ngừng bắn ngày
26/8 chấm dứt cuộc chiến 50 ngày tại Dải Gaza.
Theo các quan chức an ninh Ai Cập giấu tên, hai phong trào Fatah
và Hamas đã tiến hành họp kín tại trụ sở cơ quan tình báo Ai
Cập ở Cairo và giới truyền thông không được tiếp cận.
Kể từ khi cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza chấm dứt hồi
cuối tháng Tám vừa qua, Fatah và Hamas đã thường xuyên cáo buộc nhau
về sự thiếu hợp tác.
Giới quan sát cho rằng dấu hiệu này cho thấy sẽ không sớm đạt
được một thỏa thuận điều hành vùng lãnh thổ ven biển hiện do
Hamas kiểm soát.
Sau khi ký thỏa thuận hòa giải có tính lịch sử hồi tháng Tư,
hai bên đã nhất trí thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc do
Tổng thống Mahmoud Abbas đứng đầu, chấm dứt nhiều năm chia rẽ
giữa Fatah ở Bờ Tây và Hamas ở Dải Gaza.
Nội các mới, có trụ sở đặt tại Ramallah, đã tuyên thệ nhậm
chức ngày 2/6 ngay sau khi chính quyền Hamas tại Dải Gaza từ chức.
Tuy nhiên, trên thực tế, Hamas vẫn là lực lượng nắm giữ quyền
lực chính tại Gaza và nhiều vấn đề lớn đến nay vẫn chưa được
thống nhất, như vấn đề việc làm của hơn 40.000 nhân viên chính
phủ dưới chính quyền Hamas và việc đảm bảo an ninh tại Gaza.
Hồi đầu tháng Chín này, Tổng thống Abbas đã cảnh báo có thể
chấm dứt thỏa thuận liên minh với Hamas nếu phong trào này không
cho phép chính phủ hoạt động một cách đầy đủ tại Gaza.
Việc không thể thành lập một chính phủ do Tổng thống Abbas đứng
đầu điều hành Gaza sẽ ảnh hưởng tới những nỗ lực tái thiết
vùng lãnh thổ này. Theo kế hoạch, vào ngày 12/10 tới Ai Cập
sẽ tổ chức một hội nghị tài trợ quốc tế kêu gọi nguồn tài
chính để xây dựng lại Gaza bị tàn phá nặng nề bởi chiến
tranh.
Tuy nhiên, nhiều khả năng các nước tài trợ sẽ từ chối đóng góp cho
Hamas, vốn bị Mỹ và phương Tây liệt vào danh sách các nhóm
khủng bố./.
(TTXVN)