Thứ Năm, 19/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 24/4/2009 15:9'(GMT+7)

Các sở lúng túng, doanh nghiệp không vay được vốn

Theo quy định của Chính phủ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ cho vay với lãi suất 0% đối với các DN hoạt động tại Việt Nam gặp khó khăn chưa có khả năng thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc hoặc thôi việc cho người lao động bị mất việc trong năm 2009, có số lao động bị giảm từ 30% hoặc từ 100 lao động trở lên.

Ngân hàng sẵn sàng, ngành lao động lúng túng

Đây là chính sách có nhiều ưu đãi nhưng đến nay, số DN được vay và số vốn cho vay vẫn còn rất ít, hoàn toàn không tương xứng với thực tế hàng chục ngàn lao động bị thất nghiệp và hàng ngàn DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không còn lo nổi cho người lao động.

Số vốn giải ngân quá ít so với thực trạng lao động mất việc và DN khó khăn hiện nay.

Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, đến nay, qua kiểm tra hồ sơ mới chỉ có 37 DN đúng đối tượng cho vay theo đúng quy định, trong đó 4 DN có được xác nhận của các sở tài chính và lao động thương binh xã hội. Số vốn được chấp thuận cho vay chỉ mới đạt 526 triệu đồng.

Thậm chí, theo ông Nguyễn Quang Dũng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam, tới nay mới giải ngân một khoản đầu tiên rất nhỏ cho một DN ở Hải Phòng để hỗ trợ cho 33 công nhân.

Theo ông Dũng, về cơ bản, sau khi có quyết định của Thủ tướng, các thủ tục để vay vốn hỗ trợ này đã được hoàn tất và không có gì khó khăn.

Chỉ cần xác nhận của các sở tài chính, lao động thương binh xã hội là DN được vay tiền. Tiền sẽ được chi trả trực tiếp cho người lao động và bảo hiểm xã hội đảm bảo chi trả đúng đối tượng.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay lại nằm ở việc xác nhận. Các sở tài chính và nhất là sở lao động thương binh xã hội đang rất lúng túng trong việc xác nhận. Thậm chí, các sở yêu cầu DN phải lập kế hoạch cho cả năm 2009 là rất khó cho DN, nhất là trong điều kiện kinh tế biến động như hiện nay. ông Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, sở dĩ việc cho vay chưa được nhiều là do đối tượng áp dụng chỉ là lao động mất việc trong năm 2009 mà chính sách mới áp dụng được gần 3 tháng nên hiện rất ít đối tượng thuộc diện này.

Thông thường, DN sẽ lập phương án sắp xếp lao động cho đến cuối năm 2009 nên chưa thể hoàn thành ngay được. Trong khi đó, một số DN cho lao động tạm ngừng việc, nghỉ việc luân phiên hay lao động làm việc nhưng chỉ hưởng lương cơ bản nên không được hỗ trợ.

Doanh nghiệp có tâm lý ngại vay

Một nguyên nhân khác khiến nguồn vốn này giải ngân không được như dự kiến là do DN ngại vay vốn.

Khảo sát thực tế cho thấy rất nhiều DN có tâm lý e dè, ngại ngần khi tiếp cận nguồn vốn vay này. Tâm lý chung của DN là khi phải vay vốn tức là thừa nhận mình không còn đủ sức lo cho người lao động, nên sợ ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu, nhất là những DN lớn, có thương hiệu trên thị trường.

Khó khăn nhưng DN vẫn có tâm lý ngại vay vốn.

Thừa nhận về vấn đề này, đại diện Hiệp hội dệt may cho biết, thực ra nói DN được vay hay phải đi vay nguồn vốn này tức là đã rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn rồi, nên dù được vay với lãi suất 0% vẫn là một gánh nặng nợ nần, vì vay thì vẫn phải trả nên nhiều DN chưa muốn vay.

Hiệp hội Dệt may đề xuất, nên cho vay cả với lao động mất việc cho năm 2008, vì từ cuối 2008 DN đã rất khó khăn rồi, lao động mất việc đã xác định lên đến hàng chục ngàn người.

Tuy nhiên, theo Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, thực tế hiện nay DN dù khó khăn không có việc làm và kinh phí chi trả cho người lao động, nhưng về dài hạn lao động có tay nghề thì DN nào cũng cần. Vì thế, hiện có những DN cho công nhân nghỉ việc thì không dám nhưng giữ lại thì không có tiền chi trả.

Vấn đề của các DN hiện nay, là phải tính toán làm sao để khi kinh tế phục hồi không vấp vào tình trạng lại thiếu, không có lao động để sản xuất. Vì thế, DN cần nhìn nhận trong khó khăn lại là cơ hội để tái cơ cấu lại lao động, tìm hướng phát triển cho tương lai. Nguồn vốn vay hỗ trợ giải quyết quyền lợi cho người lao động là một nguồn hỗ trợ rất tốt.

(Theo VietNamNet)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất