Thứ Hai, 23/9/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 30/8/2014 10:24'(GMT+7)

Cách giải thích về tai biến y khoa gần đây dưới cách nhìn về y đức và y nghiệp

Bác sĩ luôn gắn với câu "Sinh nghề, tử nghiệp"

Bác sĩ luôn gắn với câu "Sinh nghề, tử nghiệp"

Nhưng cũng cần rút thêm một kinh nghiệm về sự giải thích nguyên nhân cái chết của bệnh nhân trong trường hợp này. Nó không chỉ ít nhiều liên quan đến trình độ chuyên môn của thầy thuốc mà còn liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp của ngành y và tính chuyên nghiệp y học.

1.Sốc và sốc phản vệ.

Sốc là một trạng thái suy tuần hoàn và hô hấp (những chức năng quan trọng vào bậc nhất của cơ thể) được biểu hiện bằng mạch yếu, nhanh và bắt mạch khó khăn (y học gọi là trụy mạch), huyết áp tối đa và tối thiểu đều giảm, thiếu oxy nên thở nhanh hay thở gấp.... Ban đầu người bệnh hốt hoảng, có thể dẫy dụa; nhưng cứ lịm dần. Sốc có thể hồi phục nếu phát hiện sớm để điều trị, nhưng cũng có thể dẫn đến tử vong. Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng này: nhiễm trùng (gọi là sốc nhiễm trùng), nhiễm độc (gọi là sốc nhiếm độc), mất máu nhiều (gọi là sốc mất máu, ví dụ như chảy máu sau đẻ), chấn thương (gọi là sốc chấn thương, bao gồm cả việc điện giật, bỏng, tai nạn xe cộ làm gẫy xương, tổn thương các tạng...) và cũng có thể do nguyên nhân miễn dịch (gọi là sốc phản vệ).

Sốc phản vệ chỉ là một nguyên nhân gây ra sốc

Sốc phản vệ là gì?  Đó là tình trạng sốc xảy ra khi các thành phần bảo vệ đặc hiệu của cơ thể chống các chất lạ tương tác với các chất lạ này khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Chúng ta đều biết rằng cơ thể có những cơ chế bảo vệ trước sự xâm lấn từ bên nghoài của các tác nhân lạ khác nhau. Đối với các tác nhân lạ có bản chất là protein (như các vi sinh vật, các chất protein lạ và một số chất không phải protein nhưng khi vào cơ thể có thể kết hợp với protein của cơ thể để hình thành một hợp chất có khả năng kích thích sinh miễn dịch), cơ thể sẽ sinh ra các thành phần đặc hiệu chống lại chúng. Đó là cơ chế miễn dịch của cơ thể. Đội quân bảo vệ của cơ thể bao gồm nhiều thành phần, nhưng trong đó thành phần thường được nói đến nhất là các tế bào lympho và kháng thể. Như vậy cơ chế bảo vệ của cơ thể cũng giống hệt như hoạt động của bộ Quốc phòng và bộ Công an trong một quốc gia; và các tác nhân xâm nhập vào cơ thể trong trường hợp này có thể xem như là “địch” hay “quân xâm lược”. Cơ chế bảo vệ (hay còn gọi là cơ chế miễn dịch) của cơ thể mạnh hay yếu có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân di truyền. Về mặt di truyền, có cơ thể thuộc loại sinh ra đáp ứng mạnh, có cơ thể thuộc loại đáp ứng yếu. Người ta gọi đó là cơ địa miễn dịch.

Vậy tại sao sự tương tác giữa các thành phần bảo vệ cơ thể với các tác nhân lạ lại có thể dẫn đến sốc? Đã gọi là bảo vệ nhưng tại sao sự tương tác của các thành phần báo vệ với tác nhân lạ (có thể ví như tương tác giữa “ta” và “địch”) lại dẫn đến tổn thương cho cơ thể?. Có thể diễn giải điều này một cách đơn giản như sau:

Một là, sự tương tác ấy diễn ra ngay trong cơ thể (chứ không phải ở ngoài cơ thể).

Hai là,  kết quả của sự tương tác này (cũng giống như sự tương tác giữa “ta” và “địch” trong bất kỳ một cuộc chiến tranh vệ quốc nào) thể hiện bằng hai khía cạnh. Khía cạnh tốt là tác nhân lạ bị loại bỏ ra khỏi cơ thể (giống như kẻ địch bị tống cổ về nước của chúng). Ngoài khía cạnh tốt có khía cạnh xấu, đó là cơ thể cũng có thể bị những tổn thương trong quá trình tương tác (giống như một số quân ta bị hy sinh, mùa màng bị thất bát, nhà cửa bị hư hỏng...). Nhưng biểu hiện tổn thương cơ thể xảy ra không mong muốn trong quá trình tương tác giữa “ta” và “địch” như vậy được gọi là quá mẫn cảm hay dị ứng.Trong trường hợp những tổn thương cho cơ thể quá lớn thì dẫn đến những biểu hiện sốc và người ta gọi sốc xảy ra trong trường hợp này là sốc phản vệ. Cụm từ “Phản vệ” theo nghĩa đen là “ngược lại với sự bảo vệ” (vì lẽ ra tương tác giữa các “đội quân bảo vệ” cơ thể với “ địch” có mục đích bảo vệ cơ thể, nhưng kết quả thực tế lại dẫn đến làm tổn thương cơ thể, thậm chí gây tử vong).

Nói tóm lại cần hiểu rằng sốc có nhiều nguyên nhân và sốc phản vệ chỉ là một loại sốc xảy ra trong quá trình tương tác giữa các thành phần bảo vệ cơ thể với tác nhân lạ.

2. Vậy trước mỗi trường hợp tai biến y khoa như tai biến khi tiêm vacxin, tai biến khi gây mê thì có nên vội vã kết luận đó là sốc phản vệ hay không?

Câu trả lời là không. Vì:

Một là, sốc trong các trường hợp này còn có thể do nguyên nhân khác như tác dụng độc của thuốc tiêm vào (nếu tiêm nhầm thuốc, như trường hợp tiêm nhầm thuốc khác để lẫn với vacxin đã xảy ra ở Hướng Hóa, hoặc tiêm quá liều) hoặc do thao tác y khoa không chuẩn xác (tiêm nhầm vào mạch máu...). Nếu muốn kết luận nguyên nhân của sốc do phản vệ thì phải có những bằng chứng về miễn dịch học, mà những bằng chứng này phải được tìm hiểu rất công phu. Cho nên không nên vội vã kết luận đó là sốc phản vệ.

Hai là, nếu vội vã kết luận là sốc phản vệ thì người ta có thể suy luận rằng nguyên nhân gây ra tử vong phần lớn là “tại trời” (do di truyền mà cơ thể người bệnh đã có phản ứng đáp ứng mạnh mẽ với thuốc và sự tương tác giữa các thành phần của đáp ứng mạnh mẽ đó với thuốc đã gây ra tử vong) chứ không phải tại sai lầm nào khác trong thao tác y khoa của thầy thuốc. Việc quy kết vội vã nguyên nhân “tại trời”, dù vô tình (do kém hiểu biết về chuyên môn) hay cố ý (muốn làm nhẹ khiếm khuyết của thầy thuốc để trấn an dư luận) đều làm cho người ta thấy giải thích như vậy có tính chất làm nhẹ khiếm khuyết của thầy thuốc. Thậm chí đó là cách ngụy biện sai lầm của thầy thuốc bằng một kiến thức chuyên sâu của y học mà không phải ai cũng hiểu hoặc hiểu mập mờ. Hơn nữa dù có ý muốn đổ “tại trời” hoặc là vô tình hoặc cố ý thì khi giải thích cũng cần nhớ rằng trong thao tác y khoa thầy thuốc bao giờ cũng có trách nhiệm phát hiện cơ thể người bệnh có cơ địa miễn dịch mạnh hay không để dự phong những hiện tượng quá mẫn có thể xảy ra. Điều này bộ Y tế đã có thông tư hướng dẫn. Trong nhiều thao tác phát hiện cơ địa quá mẫn, thao tác đơn giản nhất nhưng lại có giá trị cao là khai thác tiền sử bằng cách hỏi người bệnh hay người nhà xem người bệnh trước đó đã có những biểu hiện quá mẫn (dị ứng) hay chưa. Trong thực hành y khoa hiện nay, nhiều thầy thuốc đã bỏ qua những thao tác giản đơn nhưng rất cần thiết này.

Đó là một ví dụ về việc cần thiết nâng cao tính chuyên nghiệp y học (medical professionalism) song song với giáo dục đạo đức nghề nghiệp y tế ở nước ta hiện nay.

Vài suy nghĩ về khía cạnh xã hội và y đức, y nghiệp xin bộc bạch chia sẻ cùng đồng nghiệp thầy thuốc nhân các trường hợp tai biến y khoa gần đây được giải thích là do sốc phản vệ gây ra./.

GS. TSKH. Phạm Mạnh Hùng
Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất