Thứ Năm, 7/11/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 25/5/2018 10:17'(GMT+7)

Cách tân hay sáng tạo nửa vời, phản cảm?



Mới chỉ được cộng đồng nghe nhạc Việt Nam biết đến trong khoảng 10 năm trở lại đây, song khó có thể phủ nhận sức hút của hai trào lưu indie (nhạc độc lập) và underground (nhạc ngầm) đối với một bộ phận khán, thính giả, nhất là giới trẻ. Minh chứng rõ rệt nhất về ảnh hưởng của chúng là việc tên tuổi của hàng loạt nghệ sĩ indie, underground đang xuất hiện trên các bảng xếp hạng, trang chia sẻ âm nhạc trực tuyến hàng đầu cả nước như Zing, Nhaccuatui hay Chiasenhac. Thậm chí, các ca khúc Đừng như thói quen, Người lạ ơi, Người âm phủ, Cô gái m52 thu hút hàng triệu lượt xem, nghe, chia sẻ và tải về máy tính cùng các thiết bị di động, lên sóng trên các kênh truyền hình và nhiều tờ báo, tạo ra những từ khóa được tìm kiếm thường xuyên trên mạng in-tơ-net. Sự thịnh hành của indie và underground tại Việt Nam hiện nay, có lẽ chính các nghệ sĩ trên quê hương của hai trào lưu âm nhạc này là Mỹ và Anh cũng phải bất ngờ. Vì, mặc dù hình thành từ những năm 50 và 60 của thế kỷ trước, là thành phần không thể thiếu khi nói đến văn hóa hippie của nhiều thế hệ thanh niên phương Tây, indie và underground chưa bao giờ chiếm lĩnh được thị phần của các tập đoàn giải trí lớn.

Dù còn có một số mặt khác biệt về định nghĩa, hai trào lưu indie, underground ở Việt Nam và trên thế giới đều có mục tiêu thay thế (alternative) các sản phẩm âm nhạc thương mại đang chiếm lĩnh thị trường. Với khẩu hiệu “do it yourself” (làm theo ý mình), hai phong trào này muốn hướng đến sự sáng tạo, phá cách trong quá trình sáng tác, ghi âm và phát hành nhạc phẩm. Khác với sự hiểu nhầm của một số người, cả indie và underground không phải là một thể loại, phong cách cố định, thời thượng trong nghệ thuật mà thường chỉ liên quan đến quá trình sản xuất âm nhạc. Thay vì làm việc với các tập đoàn, công ty giải trí chính quy, có uy tín, các nghệ sĩ theo trào lưu indie và underground có xu hướng cộng tác với các hãng ghi âm vừa và nhỏ, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông ít tên tuổi như đài phát thanh, kênh truyền hình địa phương… Ở chiều ngược lại, sau khi thành danh, một số nghệ sĩ nổi tiếng đã chọn indie, underground nhằm chống lại sự lạm dụng sức lao động của các công ty chủ quản hoặc đơn giản là thu về nhiều lợi nhuận hơn. Trong thời kỳ phát triển đỉnh cao, nhiều hãng ghi âm và nghệ sĩ indie, underground còn thành lập được các tổ chức, nghiệp đoàn có tiếng nói nhất định trong làng giải trí thế giới. Cùng với sự tiến bộ của các trang chia sẻ âm nhạc trực tuyến, ứng dụng nghe nhạc như Spotifi (dịch vụ truyền dữ liệu âm nhạc thương mại hàng đầu thế giới), Itunes (ứng dụng nghe nhạc của tập đoàn Apple) và công nghệ ghi âm, các sản phẩm indie và underground ngày một phổ biến hơn trên thị trường. Nhưng theo thống kê của Bảng xếp hạng 200 (Billboard 200 - bảng xếp hạng âm nhạc uy tín nhất của thị trường âm nhạc Mỹ), chỉ có 12 album nhạc indie từng lọt vào danh sách kể từ năm 1991 đến nay. Thực tế, chất lượng giọng hát lẫn âm nhạc của nhiều ca khúc indie, underground còn bị đánh giá dưới mức trung bình. Việc các ca khúc thuộc hai trào lưu indie và underground tại Việt Nam chiếm lĩnh các bảng xếp hạng cho thấy thị trường âm nhạc trong nước dường như đang ngược với trào lưu chung. Chưa kể, bên cạnh sự chứng tỏ còn nhiều đất diễn, tiềm năng phát triển cho các nghệ sĩ, thì với tính chất tự phát trong ghi âm và phát hành sản phẩm của mình, indie và underground tại Việt Nam lại như đang đi theo chiều hướng xô bồ với vô số ca khúc, ca từ phản cảm. Tuy mang nhãn indie và underground, nội dung và hình thức của chúng không mấy khác biệt so với những “thảm họa” trên thị trường âm nhạc trước đây.

Trái ngược với những năm 90 của thế kỷ trước, thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay rất khó tìm ra một xu hướng chủ đạo (mainstream) như các quốc gia khác. Những mỹ từ như: Diva, Ông hoàng nhạc Việt, Hoàng tử Sơn ca, Hoàng tử Mưa,… dành cho vài ba ca sĩ dường như không che giấu nổi một thực tế: sức hấp dẫn và tầm ảnh hưởng của họ đối với khán, thính giả hiện nay chưa mấy thuyết phục. Cùng với sự đi xuống về chất lượng các giải thưởng, cuộc thi âm nhạc cho đến hoạt động của một số công ty truyền thông giải trí, thì đó là hệ quả đã được dự đoán. Trước đây, nói đến âm nhạc thị trường Việt Nam là thường gắn liền với những ca khúc có nội dung, phong cách, giai điệu nhẹ nhàng, ca từ trong sáng về cuộc sống, tình yêu của những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, càng về sau, trào lưu này đã biến tướng trở nên “sến súa”, thậm chí thiên về èo uột, lâm ly, bi đát và sao chép các mô-típ của Hàn Quốc, Trung Quốc. Sự thiếu đa dạng về phong cách và nội dung như vậy đã khiến các nghệ sĩ và ca khúc thị trường không thể trụ vững trước các làn sóng âm nhạc ngoại nhập từ thị trường UK - US (Anh - Mỹ), K-pop (nhạc Hàn Quốc), C-pop (nhạc Trung Quốc). Bên cạnh đó là hiện tượng ngày càng nhiều ca sĩ tự khẳng định mình qua việc thành lập các công ty giải trí riêng như Mỹ Tâm và MT-entertaiment, Nguyễn Hải Phong với NHP- entertaiment hay Hà Anh Tuấn với Vietvision-entertaiment. Hiện nay, số lượng công ty giải trí tại Việt Nam mọc lên như nấm sau mưa song không sở hữu nhiều gương mặt xuất sắc, để lại dấu ấn và tầm ảnh hưởng trong “làng giải trí” (showbiz) như ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ. Đây có thể xem là những tiền đề để indie và underground nhanh chóng xâm nhập tại Việt Nam. Nói cách khác, hai trào lưu này manh nha hình thành tại Việt Nam trước khi những định nghĩa thật sự về chúng có mặt.

Âm nhạc indie và underground chiếm sóng từ các bảng xếp hạng đến các chương trình truyền hình, nhưng có thể thấy ảnh hưởng tích cực của chúng đến nền nghệ thuật giải trí Việt Nam và đời sống tinh thần của khán, thính giả hầu như chưa thấy, nếu không muốn nói phần nhiều vẫn là vô bổ, phản cảm và tiêu cực. Nhân danh “âm nhạc của tự do”, không ít ca sĩ đã và đang đầu độc một bộ phận người hâm mộ bằng những bài hát mang nội dung ngợi ca các tệ nạn xã hội, thói hư tật xấu, lối sống trụy lạc. Trong đó, nhiều sản phẩm âm nhạc chủ đạo làm mưa làm gió trong giới trẻ mang hơi hướng “psychedelic” (trạng thái ảo giác do sử dụng chất kích thích) vốn thịnh hành tại các quốc gia Âu Mỹ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Những thí dụ về trạng thái này không hề thiếu trong các ca khúc “đang lên” của các nghệ sĩ underground. Chẳng hạn, bài hát Yêu đương của Osad (ca sĩ đang đứng trong tốp đầu nhiều bảng xếp hạng âm nhạc) có đoạn: “Trên tay anh điếu cần (cần sa) vẫn cháy đỏ / Em ngồi cạnh anh cái đầu khẽ lắc lư / Đưa tầm mắt nhìn thành phố lúc đêm muộn / Ngắm những tòa nhà đèn sáng như sao”. Trước Yêu đương, các ca từ phản cảm như vậy cũng từng xuất hiện trong Quăng tao cái boong và Cho họ ghét em đi (Huỳnh James). Đó là chưa kể hàng tá bài hát khác mà ca sĩ xưng “tao - mày” hoặc văng tục vẫn xuất hiện đều đặn trên Youtube, dù thu hút hàng triệu lượt người xem và bình luận.

Bên cạnh nội dung xấu, độc hiện tượng ăn cắp bản quyền và trốn thuế thu nhập cá nhân là hai vấn nạn gây nhức nhối khi nói về indie hay underground tại Việt Nam và trên thế giới. Dưới danh nghĩa “mượn” beat (nhịp, phách), giai điệu, nhiều nghệ sĩ indie và underground Việt Nam đã và đang ngang nhiên đánh cắp thành quả của người khác với mục đích mà họ gọi là… giải trí. Tuy nhiên, tất cả điều này chỉ là ngụy biện khi nhiều người trong số họ lại trình diễn các bài hát đó ở các liveshow thu phí, ghi âm và bán đĩa CD công khai. Bên cạnh đó, với sự “đồng lõa” của các trang chia sẻ âm nhạc và video như Youtube, các ca sĩ indie, underground có thể kiếm được những khoản tiền lớn từ quảng cáo và tài trợ với những ca khúc vi phạm bản quyền. Nhưng giải quyết nạn vi phạm bản quyền âm nhạc trong giới indie, underground hiện nay cũng phức tạp như việc truy thu thuế thu nhập cá nhân của họ vậy. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm sự lỏng lẻo trong khâu quản lý của các cơ quan, đơn vị chức năng, những nghệ sĩ hành nghề biểu diễn tự do gần như “nói không” với việc đóng thuế. Cũng vì lý do này, hiện nay một số ca sĩ thay vì thành lập hoặc gia nhập công ty giải trí lại lựa chọn việc biểu diễn “chui” tại các quán bar, sàn nhảy, hội chợ tại các tỉnh lẻ...

Không thể phủ nhận trào lưu indie, underground đã giới thiệu một số gương mặt được đánh giá có phong cách âm nhạc độc đáo như Lê Cát Trọng Lý, ban nhạc Da Lab, Ngọt, Trang hay các gương mặt mới được phát hiện từ cuộc thi Bài hát hay nhất (Sing My Song) mới đây, như ban nhạc Lộn Xộn. Tuy nhiên, đáng buồn là những gương mặt này không đại diện cho số đông những nghệ sĩ indie, underground đang “công phá” các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước, để những gì mà người nghe nhận được phần lớn chỉ là những ca khúc có nội dung dễ dãi. Như vậy, trái với viễn cảnh mà một số tờ báo mường tượng, sự bùng nổ của indie hay underground tại Việt Nam không phải là một làn gió mới, mà dường như chỉ chứng tỏ rằng, thị hiếu thẩm mỹ của một bộ phận khán giả vẫn dậm chân tại chỗ mà thôi.

Nguồn: Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất