Thứ Ba, 30/7/2013 22:5'(GMT+7)
Cách tiếp cận mới trong bảo tồn biển
Mục tiêu bảo tồn biển là nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, các loài thủy
sinh vật biển có giá trị và tầm cỡ quốc gia hoặc quốc tế về khoa học,
giáo dục, du lịch và giải trí.
Định hướng bảo vệ môi trường biển và ven biển, phòng chống thiên tai được Chiến lược biển Việt Nam chỉ rõ, đó là hạn chế, ngăn chặn ô nhiễm và suy thoái môi trường biển, nhất là bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển và ven biển, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội và phục vụ phát triển bền vững đất nước. Do đó, mục tiêu bảo tồn biển là nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, các loài thủy sinh vật biển có giá trị và tầm cỡ quốc gia hoặc quốc tế về khoa học, giáo dục, du lịch và giải trí.
Biển Việt Nam bao gồm hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Các hệ sinh thái này có giá trị dịch vụ sinh thái rất lớn, là nơi cư trú, bãi đẻ, ương nuôi của nhiều loài thủy sinh vật bản địa và di cư, có mức độ đa dạng sinh học cao với nhiều giống loài cá, giáp xác, nhuyễn thể đặc trưng. Một số hệ sinh thái có năng suất sinh học cao là rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn.
Trong khoảng 1.122km2 rạn san hô (khoảng 350 loài san hô đá) ở vùng biển Việt Nam có trên 2.000 loài sinh vật đáy và cá sinh sống, trong đó có khoảng trên 400 loài cá san hô và nhiều loài đặc hữu. Rừng ngập mặn hiện nay còn lại khoảng 210.000ha với khoảng 1.600 loài sinh vật, trong đó có nhiều thủy đặc sản chỉ sống gắn bó với rừng ngập mặn; 125 loài động vật đáy và 158 loài rong biển sống trong và dưới 5.583ha thảm cỏ biển, có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như ngó sen, ngó đỏ, hến, cua, tôm, hải sâm...Sự tồn tại của các hệ sinh thái này đã cung cấp tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học biển và nguồn giống hải sản tự nhiên, cho nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản, hải sản gần như có tính chất quyết định lượng hải sản đánh bắt tại khu vực biển lân cận.
Đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển đã cung cấp nguồn lợi hải sản to lớn cho nền kinh tế, với khoảng 5 triệu tấn cá biển (khả năng khai thác bền vững 2,3 triệu tấn) và trữ lượng tôm biển, mực và các loài sinh vật đáy trong vùng triều. Đa dạng sinh học của các hệ sinh thái biển là nền tảng cho việc phát triển bền vững một số ngành kinh tế biển, dựa vào tài nguyên thiên nhiên như du lịch, thủy sản, y dược biển.
Như vậy, bảo tồn biển là hoạt động quản lý các vùng biển xác định, kể cả đảo trong vùng biển đó, hướng tới mục đích bảo vệ các loài động thực vật có giá trị. Bảo tồn biển sẽ bảo vệ các hệ sinh thái biển và duy trì sự đa dạng sinh học biển. Hệ quả là các loài động thực vật ở vùng biển được bảo vệ, cảnh quan vùng biển được duy trì, là nền tảng tạo ra sự phong phú về sản vật, sản phẩm biển như thủy hải sản, cảnh quan môi trường biển...để các doanh nghiệp, cộng đồng, các quốc gia phát triển thương hiệu biển, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy vậy, giữa bảo tồn và phát triển kinh tế biển là 2 mặt của một vấn đề. Nếu quá chú trọng đến bảo tồn thì không thể phát triển kinh tế biển nhanh. Ngược lại, nếu quá chú trọng đến phát triển kinh tế biển thì khó đạt được mục tiêu của bảo tồn biển. Chính điều này đặt các quốc gia ven biển (trong đó có Việt Nam ) phải cân nhắc, lựa chọn giữa bảo tồn biển và phát triển kinh tế biển. Song xu thế chung của thế giới hiện nay là kết hợp hài hòa giữa bảo tồn biển với phát triển kinh tế biển. Điều đó có nghĩa là cần phải có sự cân đối hài hòa giữa bảo tồn biển và phát triển kinh tế biển thông qua tổng thể các giải pháp khôn khéo nhằm phát triển bền vững, vừa đạt mục tiêu bảo tồn, vừa đạt được mục tiêu kinh tế.
Hiện nay, Việt Nam đã chú ý thực hiện các cam kết quốc tế và đẩy mạnh công tác bảo tồn biển. Ngày 26/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 742 về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, cho đến năm 2015, Việt Nam sẽ thiết lập và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển trải dài từ Bắc xuống Nam . Giai đoạn 2016 đến 2020 sẽ nghiên cứu, đề xuất quy hoạch phát triển mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển, thiết lập và đưa vào hoạt động một số khu bảo tồn biển mới.
Đây chính là cách tiếp cận mới trong công tác bảo tồn biển của nước ta, đồng thời là nỗ lực lớn của Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế trong chiến lược toàn cầu về bảo vệ đa dạng sinh học nói chung, bảo vệ hệ sinh thái biển nói riêng, tạo thuận lợi cho phát triển nghề cá bền vững, du lịch sinh thái biển ở các vùng biển, hải đảo của đất nước trong giai đoạn tới. Việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các bộ, ngành và các địa phương ven biển chủ động hơn trong kế hoạch hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ cảnh quan môi trường biển, góp phần thúc đẩy phát triển thương hiệu biển Việt Nam cũng như phát triển kinh tế biển bền vững./.
Phạm Ngọc Sơn (TTXVN)