Thứ Tư, 2/10/2024
Môi trường
Thứ Tư, 5/11/2008 17:16'(GMT+7)

Cách tiếp cận nào cho môi trường trong quá trình phát triển kinh tế

Trong vài chục năm gần đây, vấn đề môi trường đã trở thành trọng tâm chung của xã hội loài người. Mỗi con người, ở những vị trí khác nhau, có mức sống khác nhau cũng có cách nhìn khác nhau về môi trường. Khi đời sống còn nghèo khó, người ta nghĩ tới cách để tồn tại nhiều hơn là nghĩ tới một cuộc sống với những kế hoạch dài hơi. Đó cũng là những suy nghĩ rất thường tình. Vì vậy, vấn đề môi trường thường được các nước giầu nghĩ tới nhiều hơn, cổ vũ nhiều hơn, mặc dù cái giầu có đó là một trong những nguyên nhân làm bẩn môi trường. Các nước nghèo, các nước đang phát triển còn nhiều việc phải lo, khó nghĩ tới những chi phí quá lớn để bảo vệ môi trường. Hơn nữa, một suy nghĩ hay xẩy đến là nơi nghèo có làm tổn hại đến môi trường một chút hay làm tốt cho môi trường một chút thì cũng như muối bỏ biển, không đáng kể gì so với toàn thể.

Hơn 20 năm trước đây, nước ta vẫn còn là một nước thiếu đói, nghèo khó. Từ sau khi thực hiện chính sách đất đai giao đất cho hộ gia đình nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình sản xuất hàng hóa nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp nước ta đã phát triển vượt bậc, trở thành một trong 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Từ đó, nông sản nước ta như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, v.v. đã chiếm vị trí xuất khẩu cao trên thị trường nông sản quốc tế.

Hơn 10 năm trước đây, nước ta bắt đầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với một lộ trình để trở thành một nước công nghiệp vào khoảng năm 2020. Từ một nước nông nghiệp nghèo nàn thực hiện công nghiệp hóa đã đặt ra hàng loạt vấn đề cần giải quyết như đất đai, vốn, lao động có trình độ, công nghệ v.v. Trong lúc ban đầu phát triển công nghiệp, tỉnh nào cũng nghĩ tới ưu đãi đầu tư, tìm kiếm nhà đầu tư có hạng để mời chào, để lôi kéo về tỉnh mình. Không mấy ai nghĩ tới bảo vệ môi trường vì chưa thấy môi trường bị làm sao. Thực sự, đó cũng là khiếm khuyết của tầm nhìn nhưng cũng không đáng trách vì dù có nhìn được rất xa nhưng cái mong muốn ở xa lại cản trở cái ước muốn ở gần.

Hiện nay, hàng loạt vấn đề về môi trường đang đặt ra rất bức xúc, đó là hệ quả của quá trình phát triển. Hầu hết các dòng sông ở các đô thị lớn, ở các vùng trọng điểm công nghiệp đều đang khắc khoải. Nhiều làng mạc xem kẽ với các vùng sản xuất công nghiệp đang không có nước để dùng, không đủ không khí sạch để thở. Việc chôn các chất thải công nghiệp độc hại đang hủy hoại nước ngầm, một nguy cơ rất lớn cho đời sống ở khu vực nông thôn. Ngay trong khu vực sản xuất nông nghiệp, những loại phân bón không thân thiện với môi trường cũng đang làm hỏng đất đai, cách tưới tràn đồng ruộng cũng làm ô nhiễm sông hồ. Thực tế phát triển đang diễn ra như vậy.

Những nguy cơ về môi trường trên phạm vi toàn cầu

Bắc Cực có thể sẽ không còn băng

Tình trạng ô nhiễm môi trường trên toàn hành tinh là có thật, tình trạng khí hậu toàn cầu bị biến đổi là có thật. Trong lịch sử trái đất, đã có những kỷ băng hà làm toàn cầu lạnh lẽo, đã có niên đại mà toàn bộ loài bò sát khổng lồ đồng loạt biến mất. Vậy thì trong tương lai nào đó, những biến động dữ dội của trái đất có thể hủy hoại toàn bộ loài người. Nguyên nhân của những biến động đột biến có thể ấy đang tích tiểu thành đại từ ngay trong hoạt động của con người. Một lý thuyết về cân bằng giá trị có nói rằng sản phẩm do một đơn vị sức lao động làm ra với giá trị nguyên vật liệu như nhau thì giá trị thực tế phải bằng nhau. Trên thực tế, giá trị của sản phẩm công nghiệp thường cao hơn giá trị của sản phẩm nông nghiệp, vậy thì một phần giá trị của sản phẩm công nghiệp đang nằm trong sự tổn hại môi trường mà cái giá phải trả sẽ được tính trong tương lai. Lợi nhuận lớn từ sản xuất công nghiệp được một số người đút túi, cái giá trị chênh lệch sẽ do mọi người phải trả trong tương lai.

Hiện nay, bầu khí quyển trái đất đang phải hứng tới gần 8 tỷ tấn khí độc hại từ khí thải công nghiệp, khí thải gia đình và động cơ xe cơ giới. Những khí độc hại làm ô nhiễm môi trường không khí, làm biến đổi hệ sinh thái trái đất, đồng thời tác động làm hỏng tầng ô zôn bảo vệ khí quyển trái đất. Ở Việt Nam, mỗi năm cũng đóng góp vào phát thải khí độc hại cỡ 150 triệu tấn.

Theo thống kê, trên toàn thế giới có 1.,3 tỷ tỷ m3 nước, trong đó 96,5% là nước mặn và chỉ có 2,53% là nước ngọt. Ô nhiễm nguồn nước đang là một nguy cơ lớn tác động vào đời sống con người. Sản xuất công nghiệp hàng năm thải ra 500 tỷ tấn nước thải độc hại nặng xuống các vùng nước sạch tự nhiên. Sản xuất nông nghiệp hàng năn cũng thải khoảng 500 tỷ tấn nước thải bẩn có chứa phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc tăng trưởng cho cây cối xuống hệ thống sông hồ. Mỗi cư dân đô thị cũng thải hàng ngày từ 70 tới 700 lit nước bẩn xuống sông hồ. Hiện nay, 50% nước mặt hiện đang bị ô nhiễm, ở các nước đang phát triển tỷ số này đã lên tới 70%. Nước biển hiện nay cung đang trong nguy cơ ô nhiễm nặng, mỗi năm con người đang đổ xuống biển khoảng 650 triệu tấn rác và 50 tỷ tấn nước thải công nghiệp độc hại.

Vấn đề tài nguyên và môi trường ở Việt Nam

Việt Nam có địa hình đa dạng và bị chia cắt mạnh, mỗi dạng địa hình đều có ảnh hưởng đến chất lượng môi trường đất trong các khía cạnh khác nhau. Địa hình đồi núi chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ với độ dốc lớn nên đất dễ bị xói mòn, rửa trôi, bạc màu... Địa hình đồng bằng ở một số khu vực thấp và trũng khiến đất đai chịu ảnh hưởng của ngập úng, nhiễm mặn, nhiễm phèn. Địa hình ven biển do ảnh hưởng của biển vào sâu trong nội địa thường hình thành nên đất mặn. Lượng mưa nhiều, cường độ mưa lớn, mưa tập trung theo mùa là một trong nguyên nhân làm gia tăng hiện tượng xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất và lũ lụt. So sánh lượng mưa và khả năng bốc hơi cho thấy một số khu vực ở Việt Nam có nguy cơ khô hạn trong những tháng mùa khô, một số khu vực luôn có nguy cơ bị lũ lụt hàng năm. Nguồn nước tương đối dồi dào song phân bố không đều giữa các mùa và các vùng nên tình trạng thừa và thiếu nước cục bộ thường xuyên xảy ra, vùng thấp hay bị úng vào mùa mưa, vùng cao lại hay bị hạn vào mùa khô.

Quá trình phát triển công nghiệp và đô thị ở nước ta, trong một kỳ kế hoạch sử dụng đất 5 năm thường ph

Cảnh báo về tàn phá môi  trường

ải chuyển khoảng 30.000 - 400.000 ha đất sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Đất trồng cây hàng năm giảm khoảng hơn 150.000 ha trong 5 năm, trong đó đất lúa giảm khoảng 30.000 ha. Việc chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất là một từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp là một quy luật tất yếu trong quá trình phát triển. Vấn đề đặt ra là chuyển ở đâu? chuyển như thế nào? và chuyển sang sử dụng vào mục đích gì? Điều này phải bắt đầu từ quy hoạch sử dụng đất gắn với đánh gía môi trường chiến lược. Chuyển phải theo phân vùng lớn để sản xuất công nghiệp hiện đại và sản xuất nông nghiệp cũng hiện đại. Sau đó cần ưu tiên việc chuyển những khu vực ít có khả năng nông nghiệp hoặc ít có khả năng tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện đại sang làm công nghiệp và đô thị. Mục đích sử dụng sau khi chuyển cũng phải tính toán sao cho phù hợp với quy hoạch. Mỗi tỉnh mà có tới 10 sân gôn thì chắc không hợp lý, khu dân cư không gắn với hạ tầng xã hội thì cũng không ai đến ở. Nhiều khi ta chuyển những cánh đồng chuyên lúa với diện tích rất rộng sang làm khu công nghiệp và bù đắp lại bằng khai hoang những vùng đất nhỏ lẻ để trồng lúa, diện tích đất lúa có lẽ không giảm nhiều những đất nhỏ lẻ không thể thực hiện được công nghiệp hóa nông nghiệp. Sự thiếu quy hoạch và thiếu đánh giá môi trường cho quy hoạch đang giết chết hệ thống sông Đồng Nai, Thị Vải ở phía Nam và hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy ở phía Bắc.

Trong quá trình phát triển công nghiệp, nhiều loại dự án cũng không được chọn lựa kỹ càng. Có những lúc hàng loạt nhà máy xi măng lò đứng mọc lên ở hầu hết các tỉnh, khói cuồn cuộn bay lên rất "công nghiệp" nhưng đang giết chết môi trường. Công nghệ cũng không được lựa chọn kỹ càng. Không cẩn thận thì chúng ta có thể trở thành bãi thải công nghiệp của các nước phát triển trước ta một chút. Giá trị đất cao cũng đang góp phần làm hại tới ngay môi trường đất, nhà đầu tư muốn chạy theo giá trị đất chứ không chạy theo giá trị đầu tư trên đất. Để giữ đất, người ta có thể chấp nhận lắp đặt một nhà máy cũ, để khi loại đi thì vẫn còn đất, nhà máy bị phá bỏ làm tăng lượng rác thải công nghiệp rất lớn. Sản xuất theo công nghệ sạch, thân thiện với môi trường đòi hỏi đầu tư rất cao, nhà đầu tư thường chấp nhận công nghệ có hại cho môi trường nhưng giá thành thấp.

Làm gì cho môi trường hiện nay ở nước ta

Qua những vụ chuyển lậu chất thải công nghiệp độc hại của Hyundai-Vinashin, vụ thải lậu nước thải công nghiệp độc hại xuống sông của Vedan, và gần đây cảnh sát môi trường đang vào nhiều cuộc khác nữa, một câu hỏi lớn được đặt ra là cần làm gì cho môi trường nước ta.

Trước hết phải nói tới công cụ quy hoạch. Cần dàn dựng ổn thỏa sự phối hợp quy hoạch giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, dựa trên nền tảng của một quy hoạch phân vùng đất hợp lý có đánh

Người Hà Nội trong cơn "đại hồng thủy".

giá kỹ càng đối với môi trường chiến lược, tính toán được hệ quả của môi trường trong phân vùng sử dụng đất. Sau đó, trong khâu thực hiện quy hoạch, các dự án đầu tư phải được lựa chọn kỹ càng về công nghệ để kiên quyết loại bỏ những dự án làm tổn hại đến môi trường, trong đó khâu đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư cần được chú trọng hơn.

Một công cụ chúng ta mới sử dụng rất ít trong quản lý môi trường, đó là công cụ kinh tế. Chúng ta phải tính tới thuế môi trường, ai làm tổn hại nhiều tới môi trường (không vượt giới hạn chuẩn cho phép) thì nộp thuế nhiều, ai sản xuất mà không làm tổn hại đến môi trường thì thuế suất bằng 0. Công cụ này phù hợp với cơ chế thị trường, đồng thời có tác dụng khuyến khích phát triển các công nghệ sạch. Khi có sắc thuế, các nhà đầu tư sẽ tính toán bài toán đầu tư để lựa chọn công nghệ sau cho đạt lợi nhuận cao nhất. Chúng ta đừng hy vọng ai cũng có ý thức tốt trong bảo vệ môi trường, đa số mỗi cá nhân đều tính lợi nhuận trước khi xem xét nghĩa vụ chung của mình. Cái đó là một bi kịch của con người nhưng lại là một thực tế.

Hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường cần được đưa vào thực chất hơn. Nhận thức của người dân cần thay đổi sao cho mỗi người đều là một mắt lưới của mạng lưới giám sát về môi trường. Hệ thống thông tin môi trường cũng cần được xây dựng để tỏa đến tất cả các vùng miền, trước hết là những vùng đang có tác động xấu của môi trường.

Tăng cường bộ máy quản lý nhà nước về môi trường là một giải pháp mang tính quyết định. Từ đó, chúng ta có được tất cả những giải pháp khác phù hợp, hiệu quả. Hệ thống đo đạc môi trường để đánh giá chất lượng môi trường cần bố trí đủ trên một mạng lưới hợp lý, từ đó có thể đưa ra những cảnh báo về thảm họa môi trường, phát hiện những nguồn gây ô nhiễm nặng. Hệ thống điều tra, thanh tra, kiểm tra về môi trường cũng cần được tăng cường về số lượng và nghiệp vụ, cần được trang bị những thiết bị công nghệ cao để thực thi tốt nhiệm vụ.

Ô nhiễm môi trường đang diễn ra ở nhiều nơi, xen kẽ trong nhiều hoạt động của con người, gây ra sự thiếu bền vững ngay trong quá trình phát triển. Đưa việc giải quyết vấn đề môi trường trở thành sự nghiệp của toàn dân là đúng nhất. Vấn đề lợi ích hôm nay hay lợi ích ngày mai cần được cân nhắc kỹ lưỡng trong từng bước đi của quá trình phát triển./.



GS.TSKH Đặng Hùng Võ
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất