Thứ Tư, 2/10/2024
Môi trường
Thứ Năm, 23/10/2008 7:59'(GMT+7)

ĐBSCL: Phát triển kinh tế - xã hội phải đồng hành bảo vệ môi trường

Một cánh đồng bị ô nhiễm

Một cánh đồng bị ô nhiễm

ĐBSCL có lượng thủy sản chiếm trên 53% của cả nước và sản lượng trái cây chiếm hơn 70% sản lượng trái cây của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay ĐBSCL còn những hạn chế ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, môi trường ô nhiễm đang là vấn đề nhức nhối.
Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển nhưng hiện ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là chỉ số về giáo dục - đào tạo, dạy nghề, chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo thấp hơn so với cả nước. Nếu tính tỷ lệ người có trình độ đại học trở lên trên một vạn dân, giữa địa phương có tỷ lệ cao nhất là Hà Nội (gần 900) và thấp nhất là Sóc Trăng (khoảng 30) cho thấy chênh lệch 30 lần.

So với các địa phương khác như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế, các tỉnh ở ĐBSCL có chỉ số về giáo dục - đào tạo thấp hơn nhiều. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật của ĐBSCL chưa tương xứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Hệ thống đường bộ rất yếu kém, chất lượng đường thấp, nhiều tỉnh lộ còn là đường một làn xe.

Hệ thống giao thông đường thủy rất thuận lợi nhờ hệ thống sông, rạch nhiều, nối liền với biển nhưng chưa được quy hoạch, đầu tư đúng mức; hệ thống đường sắt có nhu cầu rất lớn nhưng chưa được đầu tư; hệ thống giao thông đường không đang có những chuyển biến tích cực, nhưng cũng cần đầu tư nhiều hơn nữa; ngành thủy lợi cần nghiên cứu giải pháp kiểm soát lũ vùng Đồng Tháp Mười.. Chính vì vậy, mức sống của đồng bào vùng ĐBSCL thấp,  GDP bình quân đầu người của vùng mới chỉ bằng khoảng 70% GDP bình quân của cả nước.

Cùng với xu hướng phát triển công nghiệp của cả nước, ở ĐBSCL cũng đã hình thành và phát triển các cụm, khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển khu, cụm công nghiệp chậm hơn, hiện có 111 khu, cụm công  nghiệp với tổng diện tích hơn 24.000 ha. Trong đó số khu, cụm công nghiệp đang trong thời kỳ xây dựng nhiều hơn. Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ có nhiều khu, cụm, điểm công nghiệp mới hình thành ở ĐBSCL như là quy luật tất yếu cho sự phát triển  kinh tế - xã hội của vùng.

Thế nhưng, việc phát triển khu, cụm công nghiệp ở ĐBSCL cần cân nhắc, bởi ĐBSCL được chọn là vùng kinh tế trọng điểm nông nghiệp lớn nhất nước, chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Do đó, việc chuyển đất nông nghiệp sang công nghiệp và các dịch vụ khác chỉ nên thực hiện ở những vùng đất cao, không màu mỡ, không phù hợp cho phát triển nông nghiệp.

Bài học của Philippines 10 năm trước đây đã chứng minh là nước xuất khẩu gạo nhưng do tập trung phát triển công nghiệp nay hàng năm là nước nhập khẩu gạo với số lượng rất lớn. Phát triển khu, cụm công nghiệp ở ĐBSCL cần xuất phát từ sử dụng sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp của vùng, trực tiếp hỗ trợ phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, nông thôn, khai thác các lợi thế của vùng, góp phần xây dựng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trải qua hơn 300 năm, ngày nay ĐBSCL là một vùng kinh tế lớn của cả nước. ĐBSCL gồm TP Cần Thơ và 12 tỉnh, dân số gần 18 triệu người, có diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu ha, 28.000km sông rạch, hơn 700km đường biên giới chung với Campuchia và ba mặt giáp biển. Ở nước ta hiện nay có khoảng 10 triệu ha đất nông nghiệp thì ĐBSCL có gần 3 triệu ha.

Mặt khác, điều đáng lo ngại hiện nay là vấn đề bảo vệ môi trường ở ĐBSCL. Ở các nước nghèo, để phát triển kinh tế cao, sớm đem lại đời sống ấm no cho dân, người ta dễ dàng chấp nhận ô nhiễm môi trường. Nhưng khi kinh tế đã ổn định, người ta lại phải dùng số tiền rất lớn để phục hồi, bảo vệ môi trường. Nhưng sựï tàn phá về sinh thái do ô nhiễm môi trường gây ra có khi phải mất một thời gian rất dài và ảnh hưởng sức khỏe con người ở vùng ô nhiễm, cần nhiều tiền để chăm sóc y tế .

ĐBSCL có vị trí đặc biệt về nông nghiệp của cả nước, chịu trách nhiệm lớn về an ninh lương thực quốc gia, lại là vùng có cao trình thấp nên rất dễ bị ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường. Vì thế ĐBSCL, tuy đang  nghèo và kém phát triển, đang rất cần vốn đầu tư và công nghệ hiện đại để phát triển, nhưng phải rất thận trọng khi lựa chọn công nghệ đầu tư, dứt khoát từ chối các doanh nghiệp không có bộ phận xử lý nước thải công nghiệp, vì phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu và lâu dài.

Theo tài liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề môi trường ở ĐBSCL đang là vấn đề nhức nhối của toàn vùng. Số liệu khảo sát ban đầu cho thấy, 111 khu, cụm công nghiệp, 119 cơ sở chế biến thủy hải sản và các đơn vị sản xuất, chế biến khác đã thải trên 600.000 tấn/năm chất thải rắn, khoảng 48 triệu m3/năm nước thải công nghiệp, cư dân sống ở các đô thị thải khoảng 102 triệu m3/năm nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý,  và nông dân hàng năm đã dùng trên 2 triệu tấn phân bón hóa học, gần 500.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật đổ ra sông Tiền, sông Hậu và các sông khác làm cho nguồn nước các sông này ngày càng xấu đi, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người dân và gây dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng.

Hơn nữa, với dự báo của các nhà khoa học về mực nước biển dâng trong thế kỷ 21, Việt Nam, đặc biệt là ĐBSCL được liệt vào địa bàn bị uy hiếp nghiêm trọng nhất. Vì vậy, ngay từ bây giờ, cần đặt vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất công, nông, ngư nghiệp, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở ĐBSCL. Phát triển kinh tế - xã hội bền vững cần đồng hành với bảo vệ môi trường. Nếu không bảo vệ môi trường một cách quyết liệt, chỉ trong một thời gian không xa nữa, chúng ta phải trả giá đắt, rất đắt cho tương lai của chính chúng ta và cho tương lai.
PGS.TS. Huỳnh Văn Hoàng
(Viện trưởng Viện KH-CN Phương Nam)- Theo SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất