Thứ Sáu, 6/12/2024
Khoa giáo
Thứ Sáu, 9/9/2022 9:39'(GMT+7)

Cải cách cơ chế tiền lương thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao

Đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cần được chú trọng.

Đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cần được chú trọng.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% trong khoảng 800.000 doanh nghiệp, thu hút khoảng 60% lao động. Hiện nay, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp đang rất lớn. Do đó, Nhà nước cần xem xét nghiên cứu để có chế độ tiền lương phù hợp với lao động tay nghề cao, tư duy đột phá để giữ chân họ. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu mô hình trả lương linh hoạt, có thể tính đến việc cho người lao động ứng trước một khoản tiền lương khi cần để tránh tình trạng vay nặng lãi, tín dụng đen.

Cùng với cải cách tiền lương là việc đào tạo tay nghề, cơ chế để doanh nghiệp tham gia đào tạo được ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần có sự ưu tiên. Cùng với việc phục hồi kinh tế, bức tranh quan hệ cung cầu lao động trên thị trường lao động cũng có thay đổi lớn. Dưới tác động kép bởi đại dịch COVID-19 và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thị trường lao động Việt Nam đang có nhiều thay đổi mạnh mẽ, trong đó nổi lên hai thách thức lớn là: Thiếu hụt lao động có kỹ năng, và các thay đổi rất nhanh về yêu cầu kỹ năng đối với người lao động dưới tác động của việc thay đổi công nghệ, đặc biệt là tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số. Các thay đổi nói trên khiến cho việc khớp nối cung cầu trên thị trường lao động ngày càng khó hơn, nhất là ở những vị trí, yêu cầu kỹ năng cao.

Dẫn báo cáo PCI năm 2021 do VCCI thực hiện, ông Phạm Tấn Công cho biết, khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động mà các doanh nghiệp có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông (62%). Tiếp đến là nhóm kế toán (42%), cán bộ kỹ thuật (25%) và quản lý, giám sát (20%). Nhóm lao động có mức độ khó nhất khi tuyển dụng là giám đốc điều hành (15%).

Thách thức trên chính là nút thắt của doanh nghiệp Việt Nam trong phục hồi và phát triển, cũng như là nguy cơ Việt Nam sẽ để mất cơ hội thu hút dòng đầu tư FDI dịch chuyển sau đại dịch COVID-19 và các biến động của chính trị quốc tế. Hiện nay Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số "vàng" nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng".

Ông Phạm Tấn Công cho rằng, tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ mới chỉ đạt 26,1%. Cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường. Việc thay đổi kỹ năng của lao động phụ thuộc vào công tác đào tạo nhưng sự thay đổi chương trình đào tạo chính quy tại các trường giáo dục nghề nghiệp luôn có độ trễ so với nhu cầu trên trị trường lao động. Vì vậy, các chương trình đào tạo ngắn hạn trực tiếp tại doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp tối ưu để có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt về kỹ năng lao động hiện tại.

Để khắc phục hạn chế trến, ông Phạm Tấn Công cho rằng, trước mắt, chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động khi gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cần linh hoạt hơn trong cơ chế phối hợp giữa đơn vị sử dụng lao động với cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm các phương án phù hợp với nhu cầu vị trí việc làm của doanh nghiệp. Vừa qua, Chính phủ có triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo lại nghề với tổng kinh phí dự kiến chi là 4.500 tỷ đồng được trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Mặc dù được triển khai từ 1/7/2021, hạn cuối để các doanh nghiệp nộp hồ sơ là 30/6/2022, nhưng qua 1 năm, rất ít doanh nghiệp đăng ký tham gia và mới chỉ 17 tỉnh, thành phố phê duyệt cho 57 đơn vị, hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 12.000 lao động. Một con số rất khiêm tốn so với mục tiêu 4.500 tỷ đồng đề ra để thực hiện chính sách.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xem xét có những quy định hướng dẫn về đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp, có cơ chế hợp tác giữa nhà trường, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong việc xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo tại doanh nghiệp cũng như ban hành cơ chế công nhận về mặt văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận cho người lao động được đào tạo tại doanh nghiệp. Điều này vừa tạo điều kiện cho phát triển thị trường lao động linh hoạt vừa khuyến khích người lao động liên tục học tập trau dồi kỹ năng để đạt được những vị trí và cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện và đầu tư thỏa đáng vào việc đào tạo kỹ năng cho người lao động một cách căn cơ, toàn diện.

Tiếp đó, đại diện VCCI cũng đề nghị Chính phủ xem xét có ưu đãi giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp thực hiện các chương trình đào tạo nội bộ tại doanh nghiệp đáp ứng đúng tiêu chuẩn về đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp. Hiện tại, Luật Giáo dục nghề nghiệp chỉ quy định các ưu đãi cho doanh nghiệp có thành lập trung tâm/trường/cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp và các cơ sở này phải hoạt động như một đơn vị đào tạo chuyên nghiệp. Điều này hạn chế và bỏ sót một hình thức đào tạo phổ biến của phần lớn các doanh nghiệp hiện nay là chương trình đào tạo nội bộ cho người lao động của doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Nguyễn Văn Thân cũng đồng quan điểm cho rằng, hiện tại, Luật Giáo dục nghề nghiệp chỉ quy định các ưu đãi cho doanh nghiệp có thành lập trung tâm/trường/cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp và các cơ sở này phải hoạt động như một đơn vị đào tạo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, để sát với thực tế, cần xem xét, nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu họ chứng minh được có đào tạo và đào tạo lại nghề cho người lao động. Thay vì chứng minh chi phí bằng hóa đơn chứng từ phức tạp như hiện nay thì nên nghiên cứu cho doanh nghiệp được giảm thuế tương tự như trường hợp doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người khuyết tật...

Còn lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc đẩy mạnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phát triển nguồn nhân lực, cơ cấu theo từng khu vực phù hợp. Thời gian tới, các Nghị quyết của Chính phủ, các chiến lược phát triển thị trường lao động cần làm rõ cơ cấu thị trường lao động theo khu vực, khu vực nào cần lao động chất lượng cao, khu vực nào cần lao động giản đơn.

Trong khi đó, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, cần phát triển thị trường lao động linh hoạt, bền vững, hiện đại, hội nhập và hiệu quả để thị trường lao động được vận hành đồng bộ với các thị trường vốn, đất đai, hàng hóa, dịch vụ, thông tin; giảm thiểu rào cản về địa lý, thủ tục để vận hành ổn định đúng với bản chất quan hệ cung - cầu, bảo đảm đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động; dần thu hẹp việc làm phi chính thức; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia và nhà quản lý vào Việt Nam làm việc.

“Trong nền kinh tế thị trường, phải chấp nhận khi sức lao động được xem là hàng hoá, thì tiền lương là hình thái biến tướng của giá trị hay giá cả sức lao động. Thông qua tiền lương, giá trị và giá cả sức lao động biểu hiện như là hình thái giá trị và giá cả của lao động. Tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo quy luật thị trường, dựa trên cung - cầu về sức lao động, chất lượng, cường độ lao động và mức độ cạnh tranh việc làm”, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất