Thứ Sáu, 6/12/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 5/9/2022 8:16'(GMT+7)

Yêu cầu phát triển giáo dục mầm non trong tình hình mới

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam. Giáo dục mầm non nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp 1. Chính vì vậy, giáo dục mầm non cho trẻ em giai đoạn 0 đến 6 tuổi giữ vai trò đặc biệt quan trọng, có tính chất quyết định tạo nên thể lực, nhân cách, năng lực phát triển trí tuệ trong tương lai và được coi là “Giai đoạn vàng”, “Thời kỳ vàng” đối với phát triển của con người, tạo nền móng cho sự phát triển của trẻ em trong tương lai. Trẻ em được tiếp cận với giáo dục mầm non càng sớm, càng thúc đẩy quá trình học tập và phát triển của trẻ ở các cấp học tiếp theo.

Nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục mầm non đối với phát triển kinh tế-xã hội, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và triển khai thực hiện chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, ngày 28/12/2000 Bộ Chính trị khóa VIII ban hành Chỉ thị số 61-CT/TW về phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 61-CT/TW, năm 2010 cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, công tác phổ cập giáo dục tiểu học thu được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học chưa vững chắc, nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa chưa đạt chuẩn, giáo dục mầm non chất lượng còn thấp và chưa được đầu tư thỏa đáng.

Quán triệt quan điểm phổ cập giáo dục là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công một trong ba khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, với mục tiêu nâng cao trình độ dân trí một cách toàn diện, mở rộng giáo dục mầm non, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phấn đấu cả nước hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, tạo điều kiện phát triển giáo dục mầm non, ngày 09/02/2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 xác định rõ quan điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong giáo dục mầm non nhằm chuẩn bị tốt cho trẻ em vào lớp 1 đối với tất cả các vùng miền trong cả nước; việc chăm lo để mọi trẻ em năm tuổi được đến trường, lớp mầm non là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mỗi gia đình và toàn xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa với trách nhiệm hơn của Nhà nước, của xã hội và gia đình để phát triển giáo dục mầm non; đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục mầm non theo nguyên tắc bảo đảm đồng bộ, phù hợp tiên tiến, gắn với đổi mối giáo dục phổ thông, góp phần tích cực cho việc nâng cao chất lượng giáo dục; bảo đảm hầu hết trẻ em năm tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1.

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI, Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giáo dục mầm non đã có bước phát triển vượt bậc, tạo niềm tin trong nhân dân, phụ huỵnh yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Mạng lưới trường, lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư xã, phường, thôn, bản đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường, trong đó bao gồm cả các nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số. Các cấp ủy, chính quyền  địa phương quan tâm bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng kiên cố, chuẩn hóa; thực hiện khá tốt công tác quản lý, sử dụng, tuyển dụng đội ngũ giáo viên góp phần bổ sung giáo viên mầm non, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Toàn quốc hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2017. Đến nay, năm học 2020-2021 cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, 713/713 (100%) đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, 99,3% số đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; năm học 2021-2022, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 713/713 đơn vị cấp huyện (100%) duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 99,94% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi. Hằng năm việc huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi vào học mẫu giáo đều tăng. Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ 2 buổi/ngày từng bước được nâng dần về số lượng và chất lượng, trẻ được chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng vào học lớp 1. Tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi của cả nước đạt 99,78%, tỷ lệ trẻ em được học 2 buổi/ngày đạt 99,9% và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non là 99,7%.

Các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, lấy trẻ em là trung tâm của quá trình giáo dục, bảo đảm an toàn và phòng chống bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đồng thời quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non để từng bước nâng cao năng lực cho đội ngũ. Bên cạnh đó, trong thời gian trẻ không thể đến trường do dịch Covid-19, ngành giáo dục đã chỉ đạo xây dựng cẩm nang hướng dẫn phụ huynh về nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non ở nhà.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục mầm non ở nước ta vẫn còn những hạn chế, một số mặt chưa được như mong đợi. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non các độ tuổi được học mẫu giáo có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 3 đến 4 tuổi cả nước thấp (mới đạt 90,4%); tỷ lệ trẻ em độ tuổi nhà trẻ được tiếp cận giáo dục mầm non còn thấp (đạt 28%) đã ảnh hưởng đến sự bền vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Mặc dù, cả nước hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, nhưng vẫn còn 7 xã chưa đạt chuẩn.

Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ có nơi chưa bảo đảm theo yêu cầu, hoạt động giáo dục thể chất ít được chú ý, trẻ em 5 tuổi các vùng khó khăn chưa được chuẩn bị tốt các điều kiện (tiếng Việt, kỹ năng, thể lực, tâm lý…) sẵn sàng vào học lớp 1. Mạng lưới trường, lớp mầm non ở một số địa phương còn bất cập, nhất là vùng núi cao, vùng kinh tế - xã hội khó khăn thiếu nhiều trường, lớp, thiếu công trình vệ sinh và trang thiết bị. Ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa giành đủ quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở nhiều địa phương tỷ lệ còn thấp. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non ở nhiều địa phương vẫn chưa được khắc phục. Đặc biệt, tỷ lệ giáo viên/lớp ở vùng núi cao, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung rất thấp. Năng lực, kỹ năng tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, phát triển chương trình giáo dục mầm non của giáo viên chưa tương thích với trình độ đào tạo. Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên mầm non chậm đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Chế độ lương và các thu nhập khác của giáo viên mầm non chưa tương xứng với công sức và áp lực nghề nghiệp, thời gian làm việc trên lớp thường kéo dài từ 09 đến 10 giờ/ngày. Ở một số địa phương vùng cao, cô giáo kiêm luôn việc đưa đón trẻ, nấu ăn và tắm cho trẻ. Giáo viên cắm bản tại các điểm trường còn thiếu nhà công vụ. Công tác quản lý giáo dục mầm non khu vực ngoài công lập còn hạn chế, nhất là đối với lớp, nhóm trẻ độc lập tư thục ở gần khu công nghiệp, khu chế xuất. Vấn đề bạo hành trẻ cá biệt vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, cơ sở giáo dục mầm non gây tâm lý lo lắng cho phụ huynh và bức xúc trong dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát nhiều lần đã tác động nghiêm trọng đến giáo dục mầm non, trong đó trẻ nhà trẻ, mẫu giáo là những đối tượng chịu thiệt thòi, phần lớn thời gian trẻ không được đến trường, không có điều kiện giao tiếp, vận động, sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi, chưa đủ điều kiện về thể chất để được tiêm phòng vắc xin đã ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non và việc chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1. Một số trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ dân tộc thiểu số (không được ăn trưa tại trường), trẻ khuyết tật học hòa nhập, trẻ em là con công nhân mất việc làm…có nguy cơ chậm phát triển. Cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trong thời gian dài không có doanh thu, đời sống giáo viên hết sức khó khăn, nhiều giáo viên mầm non sau một thời gian nghỉ dịch đã bỏ nghề, chuyển sang các công việc khác. Nhiều trường mầm non ngoài công lập giải thể, đóng cửa trường, đối mặt với nguy cơ vỡ nợ về tài chính. Theo báo cáo của địa phương, từ đợt dịch tháng 5/2021, có trên 28.500 cơ sở giáo dục mầm non phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch, trong đó hơn 20.000 cơ sở đã phải dừng hoạt động từ 3- 6 tháng (khoảng 7.900 trường và hơn 12.000 cơ sở giáo dục mầm non độc lập). Có trên 100.000 cán bộ giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không có thu nhập từ 3 tháng trở lên, trong số đó, hầu hết không có thu nhập trong hơn 6 tháng qua; 101.845 cán bộ giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ do chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Những hạn chế này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng giáo dục mầm non chưa đạt yêu cầu của các cấp học tiếp theo.

2. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ chăm lo phát triển giáo dục mầm non “Tăng cường giáo dục, kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em. Tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em. Giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 18,5%, dưới 1 tuổi xuống còn 12,5%. Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm xuống 20%”; trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, hợp tác với những diễn biến khó lường, yêu cầu đặt ra là cần tập trung nâng cao chất lượng, trọng tâm hiện đại hóa giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phát triển giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo là vấn đề đặt ra thu hút sự quan tâm của xã hội, là nhu cầu, nguyện vọng của mỗi gia đình, cộng đồng và địa phương. Giáo dục mầm non thời gian tới cần có bước phát triển mới, chuyển biến lớn, đáp ứng yêu cầu mới phù hợp với xu thế phát triển giáo dục mầm non của thế giới, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mỹ, mở rộng khả năng tiếp cận, cải thiện chất lượng chăm sóc, giáo dục, hình thành nhân cách, kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi và chuẩn bị tốt nhất cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào tiểu học ở mọi vùng miền, đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, góp phần tích cực cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, liên thông với giáo dục phổ thông. Để thực hiện sứ mạng kỳ vọng của giáo dục, hoàn thành nhiệm vụ đặt nền móng phát triển toàn diện của con người Việt Namgiáo dục mầm non cần được quan tâm những vấn đề sau:

Một là, nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục mầm non. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về phát triển giáo dục mầm trong tình hình mới. Đa dạng, linh hoạt, lồng ghép bằng nhiều hình thức thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, huy động sự tham gia, phối hợp của hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các bậc cha mẹ và toàn xã hội vào công tác phát triển giáo dục mầm non.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định hoạt động và quản lý chất lượng giáo dục mầm non. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non cho phù hợp với thực tiễn. Có cơ chế chính sách phát triển giáo dục mầm non ở các địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất và vùng đặc biệt khó khăn. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách chuyển đổi một số cơ sở giáo dục mầm non công lập thành ngoài công lập ở những nơi có điều kiện thực hiện tốt xã hội hóa.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo, nhu cầu gửi trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ở mọi vùng miền được đến lớp và chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày. Củng cố kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, từng bước triển khai thực hiện phổ cập giáo dục trẻ em mẫu giáo từ 3 - 4 tuổi, ưu tiên trẻ em người dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo, trẻ em khuyết tật, trẻ em yếu thế. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động chăm sóc, giáo dục mầm non; ưu tiên ngân sách để thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi và ngân sách để duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Quan tâm bảo đảm ngân sách chi thường xuyên và bố trí đội ngũ để tổ chức các loại hình trường, lớp mầm non phù hợp, tạo cơ hội cho trẻ em mẫu giáo được đến trường đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non, khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đầu tư phát triển trường, lớp mầm non ngoài công lập theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/06/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025, coi đây là giải pháp quan trọng trong công tác phổ cập giáo dục mầm non. Nâng cao hiệu quả, tính thiết thực đối với công tác phát triển giáo dục mầm non gắn với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước; Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục mầm non phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và hội nhập quốc tế góp phần nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tăng cường dạy học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số cho trẻ em trên cơ sở tiếng mẹ đẻ nhằm gìn giữ và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc thiểu số. Đổi mới hoạt động chuyên môn, hình thức tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ và đánh giá sự phát triển của trẻ theo hướng coi trọng chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phát triển toàn diện theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của trẻ em, chuẩn bị cho trẻ vào học lớp 1, bảo đảm liên thông, gắn kết với giáo dục phổ thông. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng cơ bản chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Ðẩy mạnh hợp tác quốc tế, ng dụng môi trường số, công nghệ số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non và nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục mầm non.

Năm là, ng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thực hiện hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới căn bản mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên gắn với quy hoạch nhân lực giáo dục địa phương, vùng, miền theo hướng hình thành các đại học sư phạm trung tâm, đào tạo nhân lực chất lượng cao; hình thành các trường sư phạm vệ tinh. Nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các trường sư phạm. Đổi mới chương trình, đa dạng các phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non và phát triển giáo dục mầm non. Phát triển năng lực nghề nghiệp, thực hành nghề nghiệp chú trọng rèn luyện đạo đức, nhân cách nghề nghiệp, lòng yêu ngành, yêu nghề cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non. Thực hiện tốt việc liên kết giữa trường sư phạm với địa phương trong xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, trong đó có giáo viên mầm non bảo đảm đủ số lượng, cân đối về cơ cấu, khắc phục triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên và phù hợp với thực tiễn địa phương, vùng, miền.

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non nhằm cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non người dân tộc thiểu số, giáo viên mầm non khu vực dân lập, tư thục được hưởng đầy đủ chế độ cho giáo viên mầm non theo quy định hiện hành; quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên mầm non người dân tộc thiểu số có trình độ về sư phạm, kiến thức chuyên môn phù hợp từng vùng, từng dân tộc, địa bàn khó khăn; chú trọng bồi dưỡng dạy tiếng dân tộc cho giáo viên mầm non công tác tại các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, giúp giáo viên yên tâm công tác và cống hiến. Khuyến khích giáo viên mầm non phát huy tính độc lập, sáng tạo, tự nghiên cứu, tự học tập suốt đời nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

3. Để thực hiện thành công các đột phá chiến lược xác định trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, việc nghiên cứu đề xuất Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Chỉ thị mới về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ cập, phân luồng trong giáo dục, xóa mù chữ đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” thay thế Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị khóa XI “về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn” trong tình hình mới là rất cấp thiết. Một Chỉ thị mới đánh giá lại các kết quả đạt được, nhận diện những khó khăn, thách thức, hạn chế và các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp trong bối cảnh mới sẽ tạo tiền đề vững chắc cho giáo dục mầm non phát triển, hội nhập với xu thế quốc tế, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục mầm non cho trẻ em được đến trường chăm sóc, giáo dục, phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành nhân cách sẵn sàng vào học lớp 1.

TS. Lê Thị Mai Hoa
Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề,
Ban Tuyên giáo Trung ương

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất