Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 26/11/2021 9:37'(GMT+7)

Cải cách hành chính, đổi mới tổ chức hoạt động Chính phủ, địa phương

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Chu Thanh Vân/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Chu Thanh Vân/TTXVN)

Ngày 25/11, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện dự thảo các chuyên đề thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.”

Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa chủ trì, với sự tham dự của các nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện một số bộ, ngành, địa phương.

Làm rõ chủ trương cải cách hành chính, đổi mới họat động Chính phủ, địa phương

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), cho biết, thực hiện Chương trình làm việc số 04-CTr/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và Quyết định số 12-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045,” ngày 20/7/2021, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã ban hành Kế hoạch số 02 về xây dựng Đề án.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ được giao giúp Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, xây dựng 3 chuyên đề gồm: “Chiến lược cải cách hành chính đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; “Đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và “Đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã chủ động tổ chức xây dựng các chuyên đề một cách khẩn trương, nghiêm túc, khoa học. Các chuyên đề đã hệ thống hóa, làm rõ những chủ trương, đường lối của Đảng trong từng thời kỳ về cải cách hành chính, về đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương. Thông qua đó, làm rõ ý nghĩa quan trọng và những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam...

Trên cơ sở quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng, phân tích, đánh giá thực trạng và từ bối cảnh thực tiễn trong nước và quốc tế; các chuyên đề đã đưa ra những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Đối với cải cách hành chính, dự thảo Báo cáo chuyên đề nêu lên mục tiêu tổng quát là tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Từ đó, báo cáo đưa ra các mục tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực, từng giai đoạn.

Về đổi mới, tổ chức hoạt động của Chính phủ, dự thảo Báo cáo chuyên đề nêu lên 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để triển khai thực hiện từ nay đến năm 2030, định hướng 2045, đó là: hoàn thiện việc xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng của Chính phủ trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đổi mới tổ chức của Chính phủ; đổi mới hoạt động của Chính phủ; kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động chấp pháp của Chính phủ; đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số; ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực và các cấp; tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của Chính phủ.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Chu Thanh Vân/TTXVN)

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Chu Thanh Vân/TTXVN)

Về đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, trong giai đoạn 2026-2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với  tiêu chuẩn và các yếu tố đặc thù ở mỗi địa phương với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính; nghiên cứu và triển khai thí điểm phân cấp cho một số chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện tự quyết định số lượng cơ quan, cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính và biên chế cán bộ, công chức trên cơ sở ngân sách địa phương tự chi trả.

Định hướng đến năm 2045, thực hiện đổi mới toàn diện, đồng bộ về mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo bảo đảm thực hiện tốt vị trí, vai trò của chính quyền địa phương các cấp; hình thành một số đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt đẳng cấp quốc tế trên cơ sở quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính.

Lấy nội hàm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa làm mục tiêu

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến làm rõ những quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước; đề xuất quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính; đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Trao đổi về chuyên đề “Chiến lược cải cách hành chính nhà nước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam,” Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng cần bổ sung quan điểm lấy nội hàm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa làm mục tiêu để tiến hành cải cách. Trong tiến trình cải cách đó, cần xác định cụ thể mốc năm bao nhiêu có thể đáp ứng được mục tiêu Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Cho rằng 3 đề án được nghiên cứu công phu, nêu được những vấn đề cơ bản, tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, chỉ ra rằng những vấn đề lý luận tạo cơ sở khoa học để tiến hành cải cách hành chính, đổi mới tổ chức hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương chưa đầy đủ. Mục tiêu cuối cùng của cải cách hành chính là để đổi mới quản lý, quản trị công việc của Nhà nước hiệu quả, tạo điều kiện cho kinh tế-xã hội phát triển, tạo năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu. (Ảnh: Chu Thanh Vân/TTXVN)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu. (Ảnh: Chu Thanh Vân/TTXVN)

Theo ông, khó nhất là đổi mới tổ chức hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Cải cách hành chính chỉ là một trong những giải pháp quan trọng để tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền.

Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nhìn nhận, 30 năm tiến hành cải cách hành chính, tư tưởng chỉ đạo vẫn là lấy cải cách thủ tục hành chính làm khâu đột phá. Giờ đây, nên thay đổi tư duy về cải cách hành chính, phải có điểm nhấn, trụ cột của cải cách hành chính. Cụ thể, ông đề xuất chuyển từ lấy thủ tục hành chính làm khâu đột phá, sang lấy con người làm trung tâm trong cải cách hành chính.

“Thể chế, tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính, sử dụng tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính đều do con người thực hiện. Mặc dù cải cách hành chính thời gian qua đạt được rất nhiều kết quả, đáp ứng sự hài lòng của người dân, nhưng thực tế trong quá trình triển khai vẫn xảy ra tình trạng một cửa có nhiều khóa, nhiều cấp, và cuối cùng vẫn là con người thực hiện. Trong 30 năm cải cách chúng ta đề cập việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là một nội dung của cải cách hành chính, nhưng nội dung này chưa trở thành điểm nhấn,” nguyên Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất