Thứ Ba, 15/10/2024
Thế giới
Thứ Ba, 10/5/2011 14:39'(GMT+7)

Cái chết của Bin La-đen và tương quan lực lượng trong cuộc chiến chống khủng bố

Từ sau sự kiện ngày 11-9-2001, với Mỹ và phương Tây, Ô-xa-ma Bin La-đen đồng nghĩa với tâm điểm của cái ác và chủ nghĩa khủng bố. Truyền thông đã làm y nổi danh hơn cả các ngôi sao ca nhạc và điện ảnh. Tuy nhiên, “trùm khủng bố số một” này đã phải lui vào bóng tối, ảnh hưởng bị giới hạn đến tối đa sau khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố và lật đổ chế độ Ta-li-ban ở Ap-ga-ni-xtan. Tổ chức An Kê-đa bị xé lẻ thành nhiều mảnh nhỏ và hầu như không còn liên hệ trực tiếp được với nhau. Thế nhưng, Bin La-đen vẫn tiếp tục là lãnh tụ tinh thần tối cao của tổ chức và thỉnh thoảng lại tung ra những lời đe dọa, đặc biệt là nhằm vào Mỹ.

Với người Mỹ, nỗi đau bị mất 3.000 đồng bào trong vụ 11-9 khiến việc truy nã và tiêu diệt Bin La-đen trở thành vấn đề danh dự quốc gia. Thành thử tin Bin La-đen bị tiêu diệt đã làm tinh thần yêu nước của dân Mỹ dâng trào và uy tín của Tổng thống B.Ô-ba-ma lên cao trông thấy. Điều thú vị ở đây là vinh dự tiêu diệt Bin La-đen đã không thuộc về cựu Tổng thống G.Bush, người vốn được coi như “con diều hâu”, người đã phát lệnh tấn công Ap-ga-ni-xtan sau sự kiện 11-9, mà lại thuộc về “con bồ câu” B.Ô-ba-ma, người nhận giải Nobel Hoà bình và chìa bàn tay thân thiện ra với thế giới Hồi giáo.

Thế giới sẽ ra sao sau cái chết của Bin La-đen? Nhiều người đã lên tiếng mạnh mẽ kêu gọi Mỹ và phương Tây rút quân khỏi Ap-ga-ni-xtan và I-răc, bởi cái chết của Bin La-đen đã xóa đi nguyên nhân cơ bản nhất biện minh cho sự hiện diện quân sự của Mỹ và phương Tây ở khu vực này. Trái lại, không ít nguời tin rằng cái chết sẽ tạo thương cảm với Bin La-đen, biến y thành thánh nhân, khơi nguồn cảm hứng cho những kẻ cực đoan khác tiến hành những cuộc khủng bố mới.

Các vụ khủng bố trả thù cho Bin La-đen đã diễn ra chỉ vài giờ sau khi thông tin về cái chết của Bin La-đen được truyền tải và sẽ còn tiếp tục trong tương lai. Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu các công dân của mình thận trọng và người ta bắt đầu nhắc lại lời đe dọa cho nổ quả bom nhiệt hạch nếu thủ lĩnh An Kê-đa bị tiêu diệt. Tất nhiên, khó có khả năng An Kê-đa thực sự có một quả bom như vậy, nhưng lời đe dọa của họ không thể không khiến người Mỹ phải đề phòng.

Không chỉ có thế, khoảng trống quyền lực mang tên “Trùm khủng bố số một” sẽ không thể bỏ trống quá lâu. Theo một số nguồn tin, Ay-man az - Za-wa-hi-ri, người lãnh đạo thực tế của tổ chức An Kê-đa trong suốt những năm gần đây, đang ráo riết thâu tóm bộ máy An Kê-đa vào tay mình. Không lọai trừ khả năng báo chí phương Tây sẽ lại thổi phồng y trong những tội ác mà y coi là chiến công như đã từng làm với Bin La-đen trước kia.

Bin La-đen đã chết, nhưng điều đó không có nghĩa là An Kê-đa sẽ hết, là bạo lực khủng bố sẽ không xảy ra, thậm chí, tương quan lực lượng trong cuộc chiến chống khủng bố chưa mấy thay đổi...

Và đây cũng chính là những vấn đề được đặt ra sau cái chết của Bin La-đen./.

Theo Nguyễn Sơn/ TCCS

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất