Đó là đề nghị của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hội nghị tổng kết công
tác xây dựng, quản lý giao thông nông thôn sáng 6/7 tại Hà Nội.
Sáng 6/7, tại Hà Nội,
Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm công tác xây dựng,
quản lý giao thông nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới và
triển khai phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.
5 năm qua, hơn 47.000 km đường giao thông
nông thôn và hơn 15.000 cây cầu đã được xây mới; Cải tạo, nâng cấp, sửa
chữa hơn 103.000 km đường và hơn 11.500 cây cầu. Tính đến nay đã cứng
hóa mặt đường cho hơn 222.000 km đường giao thông nông thôn các loại.
Tổng vốn huy động cho xây dựng, bảo trì giao thông nông thôn đạt hơn
186.000 tỷ đồng, tăng hơn 84.000 tỷ đồng so với giai đoạn 10 năm trước.
Đặc biệt, nhân dân cả
nước đã đóng góp tới hơn 27.000 tỷ đồng cho phong trào xây dựng giao
thông nông thôn. Người dân cũng đã hiến 3.300 ha đất; 7,8 triệu ngày
công và rất nhiều vật liệu xây dựng…
Tại hội nghị, nhiều
tỉnh, thành cũng chia sẻ những kinh nghiệm và mô hình tốt phát triển
giao thông nông thôn thời gian qua, đặc biệt là gắn với chủ trương Nhà
nước và nhân dân cùng làm bởi họ thấy rõ được lợi ích của các công trình
trong việc phục vụ nhu cầu đi lại, học hành, chữa bệnh, phát triển kinh
tế…
Phát biểu tại hội nghị,
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu
quốc gia xây dựng nông thôn mới nhấn mạnh, để tiếp tục thực hiện xây
dựng giao thông nông thôn cho giai đoạn tiếp theo vấn đề quan trọng nhất
là phải huy động nguồn lực của Trung ương, địa phương và người dân cùng
tham gia. Do đó, các bộ tính toán vốn ODA, tài trợ từ các nguồn vốn
nước ngoài để số vốn cao hơn 2 lần giai đoạn trước; nghiên cứu để huy
động đề án xi măng để làm đường; chú ý đặc thù của từng vùng, mức ưu
tiên giữa các xã miền núi với đồng bằng.
|
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại hội nghị
|
Phó Thủ tướng Vũ Văn
Ninh cho rằng, các vùng nghèo phải huy động ngân sách chủ yếu, nghiêm
cấm huy động người nghèo đóng góp. Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, để đảm
bảo tiết kiệm trong thực hiện xây dựng đường giao thông, các địa phương
phải căn cứ vào hướng dẫn của Chính phủ về phân cấp thực hiện các công
trình nông thôn mới để triệt để phân cấp cho nhân dân xây dựng và giám
sát.
Phó Thủ tướng cũng yêu
cầu Bộ Giao thông Vận tải sớm nghiên cứu trình Quốc hội Đề án phát hành
trái phiếu xi măng để làm đường nông thôn mới, nhất là ở vùng biên giới,
vùng núi cao và sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với từng loại
đường nông thôn tương ứng với mỗi vùng miền./.
Theo VOVnews