(TG)-Khái niệm Tổ quốc hôm nay không chỉ bó hẹp trong dải đất liền cong cong hình chữ S và những vùng biển, hòn đảo gần bờ nữa. Đất nước mở ra tận đường chân trời với những địa danh rất cụ thể: Trường Sa, Hoàng Sa... Những vùng biển mênh mông, những hòn đảo hoang vu đã từng in dấu chân người Việt hàng trăm năm.
Lịch sử đã chứng minh điều đó bằng những cột mốc, văn bản, hiện vật. “Sắc chỉ của nhà Nguyễn” còn lưu lại rành rành trong những trang sử hào hùng, chói lọi của dân tộc: Bằng “lễ khao lề thế” hàng năm được tổ chức trang nghiêm tại Lý Sơn - Quảng Ngãi; bằng sự có mặt của những người lính, người dân sống trên quần đảo Trường Sa hôm nay; bằng máu xương, niềm xót xa và lòng tin không gì lay chuyển trong tâm khảm mỗi người Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa chính là một phần máu thịt của dân tộc Việt nam… Từ cơ sở xác thực cộng với tình yêu thương và niềm tin tưởng sắt son, Nguyễn Trọng Văn phác họa trong trường ca “Tổ quốc đường chân trời”: Tổ quốc căng như một cánh buồm. Thẳng hướng ra khơi. Đất nước ta là chuyến đi dài. Mấy ngàn năm không nghỉ…
“Tổ quốc đường chân trời” – thể hiện tình yêu và niềm tự hào về tâm thế, vị thế của Tổ quốc Việt Nam thế kỷ XXI - cả nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH sánh vai hội nhập cùng với bè bạn năm châu và ngày càng có vị thế to lớn trên trường quốc tế. Bằng những hình ảnh bình dị, chân thật lay động lòng người về chủ quyền của đất nước:
Đường chân trời một vệt sáng Trường Sa. Năm giờ ba mươi! Ai đó liếc đồng hồ. Ai đó khẽ lấy tay vội chùi khóe mắt. Ai đó đứng thẳng mình chỉnh trang trang phục. Ai đó cùng tôi đổ sang trái mạn tàu. Biển nghiêng mình chào những cánh hải âu.
Tổ quốc hiển hiện giữa biển Đông bao la trập trùng sóng võ, trập trùng mây và bão tố vẫn sinh tồn sức sống mãnh liệt Việt Nam. Đọc tác phẩm, ta sẽ cảm nhận thấy gần hơn:
Hình Tổ quốc tung bay không biết mệt. Lồng lộng trời, Lộng lộng gió Đại dương. Tổ quốc Việt Nam hóa thân vào ngọn Quốc kỳ tung bay giữa biển cả, trên đảo Trường Sa. Tổ quốc hóa thân vào từng người lính biển: Những người lính nguyện thân làm “Cột mốc”. Họ băng qua những ngày biển động. Gạt sương mù đón ánh mai lên. Tia nắng mặt trời. Mọc ở trái tim. Mọc ở nơi biết mình đang sống. Mặt trời mọc trên từng ngọn sóng. Mọc trên từng tấc đảo Trường Sa. Từng tấc đất của đảo Trường Sa ấy, chính là “tài sản vô cùng quý giá” mà tổ tiên lưu truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau. Chính vì vậy, các thế hệ Việt Nam kế tiếp truyền thống dựng nước và giữ nước, phát huy những bài học kinh nghiệm về nguyên lý giữ nước mộc mạc, giản dị của cho ông lên tầm cao mới, không sợ hy sinh quyết tâm chung sức đồng lòng bảo vệ chủ quyền vùng trời, vùng biển, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc:
“Rào nhà cho chặt. Đẩy rình mò ra mãi khơi xa…”.
Tôi chưa một lần được đặt chân đến Trường Sa! Nhưng phần nào biết được về quần đảo nơi “đầu sóng ngọn gió” chính là một phần máu thịt thiêng liêng của đất nước qua mỗi vần thơ, qua hình ảnh người lính ở đây ngày đêm phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy: “
Sóng rì rào thì ít. Bão tố thì nhiều”. Chính vì vậy, tôi cảm nhận được sự hy sinh, nỗi đau, sự mất mát của người lính biển qua những chương, những đoạn thơ, văn mà nhà văn Nguyễn Trọng Văn phác họa thật lớn lao: Những người lính biển bây giờ Mũ Hải quân. Treo đầu lưỡi lê làm “Cột mốc” tiếp nối ông bà ta xưa biết lượng sức mình. Muốn thắng giặc phải lo phòng giặc. Họ là con cháu hậu duệ của những “Đội hùng binh” Vượt sóng dữ lên đường. Họ để lại phía sau xóm làng, bờ bãi. Họ để lại những con cùng cái. Để lại tên mình cho mãi mai sau. Người lính thời bình nhưng nhiều gian khổ, hi sinh, vất vả lắm! Họ hi sinh vì giông bão, hi sinh vì ốm đau, hi sinh vì chiến đấu với những thế lực xâm lấn lãnh hải, chủ quyền dân tộc.
Nơi anh nằm, chân quay phía đất liền. Như anh đã một phần về với Mẹ. Lời của người lính biển hi sinh như vọng lên từ trái tim Đất nước:
Con nằm đây, giữa cát bỏng Trường Sa. Bên bờ sóng vỗ. Đã sắp Mười năm, sẽ lại Mười năm nữa,… Mười năm nữa… Tuổi Hai mươi sáu con như cánh buồm neo bến đậu, chờ buổi tốt trời, dóng hướng ra khơi. Mẹ ơi, mỗi sớm mai lên mẹ trông về phía mặt trời, Coi như mẹ, Vâng, đã thấy con của Mẹ.
Trường ca chính là cuộc sống hiện thực mà tác giả ghi nhận được trong chuyến đi thực tế Trường Sa cộng với tình yêu quê hương đất nước, con người, nhà thơ đã phác họa chân dung người lính Trường Sa thật đậm nét “Hồn nhiên, lặng lẽ Cần mẫn nép mình dưới bóng trời xanh”. Cuộc sống đời thường của người lính được chọn lọc đưa vào thơ rất dung dị và cảm động:
Uống một ngụm tí thôi, đỡ khát. Nhớ để dành chăm mấy “hộp rau”. Nhớ dành. Kẻo lúc ốm đau Sốt nóng, sẽ đòi uống nước… Họ như “Hoa muống biển thơm ngát về đêm”.
Tổ quốc nơi đường chân trời của tác giả Nguyễn Trọng Văn mang ý nghĩa rộng lớn và những dự cảm tốt đẹp, xán lạn về tương lai dân tộc. Phía đường chân trời là vùng “biển bạc” – “cơ thể” thân yêu của Tổ quốc, những hòn máu giang sơn Việt mang tên Trường Sa, Hoàng Sa hiện lên thiêng liêng! Mỗi chương trong trường ca là mỗi “lát cắt” nóng hổi về lịch sử và hiện thực cuộc sống của nhiều thế hệ người lính trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ bờ cõi thân yêu, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Dòng cảm xúc tuôn chảy ào ạt suốt dọc bản trường ca và những chi tiết cuộc sống chân thật mang lại cho người đọc sự tin cậy sâu sắc về chủ quyền dân tộc. Cuộc sống và sự hi sinh của người lính hóa thành thơ, trường ca, huyền thoại, những trang đời, trang sử chói lọi của dân tộc ta. Hãy tìm đọc Trường ca để hiểu thêm về những vất vả, hy sinh của người lính biển giữa biển khơi, ngày đêm đứng gác, bảo vệ vùng trời, vùng biển, vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc; chia sẽ, tiếp thêm nghị lực, dũng khí, cổ vũ các anh tiếp tục sự nghiệp tổ tiên để lại cho hôm nay và mai sau “Tổ quốc Đường chân trời” góp vào dòng trường ca Việt một hình tượng Đất nước mới: Tổ quốc mình ở phía Trường Sa.
Phạm Thị Nhung - Học viện Chính trị - Hà Đông - Hà Nội