(TG) - Thời gian qua, tác động truyền thông của các bài báo, các phóng sự phát thanh- truyền hình về đề tài thuốc lá được duy trì đều đặn, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của mọi người về tác hại của khói thuốc lá. Từ đó, góp phần thực thi các cam kết của Việt Nam trong Công ước khung về kiểm soát thuốc lá và bảo vệ, nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Tháng 2/2013, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 229/QĐ-TTg về thực hiện “Chiến dịch quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020”, tiếp tục nhấn mạnh nỗ lực và cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các quy định của Công ước, trong đó có Điều 13 khuyến nghị các nước cấm triệt để quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá.
Cụ thể, các hành vi bị cấm bao gồm: Cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức; cấm tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của luật này; cấm sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá chỉ được tài trợ nhân đạo cho chương trình xóa đói, giảm nghèo; phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa; phòng chống buôn lậu thuốc lá và không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ đó.
Hiện nay có nhiều loại thuốc lá trên thị trường được quảng cáo rất hấp dẫn khiến nhiều người lầm tưởng rằng sử dụng an toàn và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lào Ả rập, thuốc lá nhai, thuốc lá không cháy và thuốc lá không khói đều có chứa một số chất hóa học giống với thuốc lá đốt thông thường.
Các loại thuốc lá điếu thông thường có chứa thuốc lá sợi, các chất hóa học phụ gia. Người hút thuốc có thể hít vào hàng nghìn chất hóa học trong khói thuốc. Những người xung quanh cũng hít vào lượng chất tương tự, được gọi là hút thuốc lá bị động. Một số người tin rằng thuốc lá “nhẹ” “ít hắc ín” ít gây hại cho sức khỏe hơn so với thuốc lá điếu. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ gây ra các tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe của thuốc lá nhẹ hay thuốc lá ít hắc ín không thấp hơn thuốc lá điếu thông thường.
Thuốc lá bạc hà thường “dễ” hút hơn bởi lượng menthol được thêm vào giúp tạo ra cảm giác the mát trong cổ họng khi hút thuốc. Nó làm giảm phản ứng ho và cảm giác khô cổ mà người hút thuốc hay gặp phải. Người hút thuốc lá bạc hà có thể hít sâu hơn và giữ khói thuốc lâu hơn.
Điều này giải thích tại sao những người hút thuốc lá bạc hà và mắc ung thư phổi thường có khối u tại một số vị trí nhất định ở phổi. Đây cũng có thể là một trong các nguyên nhân khiến những người hút thuốc lá bạc hà khó bỏ thuốc hơn so với thuốc lá thường.
Nhiều người xem việc hút xì gà là sành điệu và ít nguy hại hơn hút thuốc lá. Tuy nhiên, một điếu xì gà lớn có thể chứa lượng thuốc lá và lượng nicotin ngang với một bao thuốc lá thông thường. Xì gà vẫn là thuốc lá và khói xì gà có chứa các chất gây ung thư giống như khói thuốc lá. Tất cả các loại xì gà đều gây hại cho sức khỏe.
Thuốc lá điện tử chỉ mới được sử dụng gần đây nên hiện có rất ít dữ liệu về các tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử trong thời gian dài. Các nghiên cứu trên động vật thí nghiệm có ghi nhận tổn thương phổi và một số bất thường về nhiễm sắc thể - một dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư. Đã có các báo cáo về các bệnh phổi nặng ở những người hút thuốc lá điện tử.
Thuốc lào Ả rập hay còn được gọi là điếu ống, có nguồn gốc từ châu Á và Trung Đông. Lá thuốc lá được trộn sẵn với một số hương vị như mật ong, bạc hà, cam thảo, mật mía hay vị trái cây được đốt trên một ống nước, khói được hít vào thông qua một vòi dài.
Người ta thường dùng than đá để đốt nóng hỗn hợp thuốc lá hay còn được gọi là shisha. Thuốc lào Ả rập hiện được quảng cáo là một lựa chọn thay thế an toàn so với thuốc lá điếu song khói của thuốc lào Ả rập đã được chứng minh có chứa các độc tố như carbon monoxid, nicotin, hắc ín và các kim loại nặng ở nồng độ cao, thậm chí còn cao hơn khói thuốc lá điếu thông thường.
Một số loại ung thư, bao gồm ung thư phổi, có liên quan đến hút thuốc lào Ả Rập. Thuốc lào Ả Rập cũng đặt những người xung quanh vào nguy cơ hút thuốc bị động do hít phải khói thuốc và khói từ than đá - một công cụ được sử dụng để đốt nóng thuốc.
Việc thực hiện các quy định về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, một số cơ quan báo chí hiện đang vi phạm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá trong việc đăng tải hoạt động tài trợ của doanh nghiệp thuốc lá và vi phạm Công ước khung về kiểm soát thuốc lá trong việc phối hợp với doanh nghiệp thuốc lá thực hiện hoạt động tài trợ. Các cơ sở mua bán vẫn còn hiện tượng trưng bày quá 1 bao/túi thuốc của cùng một nhãn hiệu thuốc lá; dùng mô hình sản phẩm quảng bá hàng hóa thuốc lá; trưng bày giấu đi hình ảnh cảnh báo sức khỏe; dùng đội ngũ tiếp thị bán thuốc lá… Vì vậy, rất cần đội ngũ truyền thông, báo chí tự nâng cao nhận thức, đổi mới phương thức tuyên truyền, góp phần giúp chiến dịch đẩy lùi tác hại của thuốc lá đạt hiệu quả cao./.
Theo điều tra nghiên cứu, các công ty thuốc lá đã tiêu tốn hơn 900.000 USD/giờ chỉ để tiếp thị các sản phẩm của họ.
Các quảng cáo và khuyến mại thuốc lá đã lôi kéo được rất nhiều giới trẻ tập hút thuốc lá. Cụ thể là:
- Có khoảng 9/10 người bắt đầu hút thuốc lúc 18 tuổi.
- Nếu càng có nhiều giới trẻ tiếp xúc với các quảng cáo và thương mại về thuốc lá thì số lượng người hút thuốc lá trong nhóm này càng tăng lên.
- Nhiều sản phẩm thuốc lá trên thị trường nhắm đến giới trẻ. Một số loại thuốc lá chế biến có thêm chất ngọt và hương trái cây như dâu và nho.
- Có nhiều sản phẩm thuốc lá không khói mới xuất hiện khi dùng không cần phải nhả khói, một số khác lại có thể hòa tan được. Tuy nhiên các sản phẩm này có thể dẫn đến nghiện và lệ thuộc nicotine. Hầu hết giới trẻ ngoài việc dùng thuốc lá dạng này còn sử dụng thêm dạng hút.
Chúng ta biết rằng nếu một người chưa từng hút thuốc trước 26 tuổi thì người đó gần như chắc chắn sẽ không bao giờ tập hút. Và vì vậy, có nhiều phương cách để chúng ta giúp cho giới trẻ “nói không” với khói thuốc lá:
- Tạo ra một thế giới không có người hút thuốc lá và sử dụng các sản phẩm của thuốc là, ví dụ như chính sách cấm hút thuốc lá nơi công cộng;
- Từng bước làm cho giới trẻ khó tiếp cận với các sản phẩm của thuốc lá như tăng giá thuốc và có luật cấm bán sản phẩm thuốc lá cho trẻ em;
- Giảm thiểu các loại tiếp thị thuốc lá nhắm đến giới trẻ;
- Hạn chế cho giới trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá ở rạp chiếu phim và các nơi truyền thông công cộng;
- Giáo dục và giúp cho giới trẻ có một sự chọn lựa lành mạnh qua các chiến dịch truyền thông đại chúng.
Đối với gia đình, chúng ta có thể giúp cho giới trẻ đua ra các quyết định bằng các lời khuyên về thuốc lá. Chúng ta có thể:
- Nói rõ tác hại của thuốc lá;
- Không muốn bất kỳ ai – kể cả những người mà bạn đang tác động – hút thuốc lá trong nhà hay trong xe của chúng ta;
- Yêu cầu họ đừng bao giờ hút thuốc hoặc sẽ bỏ thuốc;
- Nói “không” với bất kỳ ai mời họ hút thuốc;
- Đừng bao giờ cho trẻ em và trẻ vị thành niên thuốc lá. |
TG