Để giảm ùn tắc giao thông, Hà Nội đã đưa ra các biện pháp tình thế trước
mắt như phân luồng phương tiện, nâng cao kết cấu hạ tầng... đồng thời
tính toán về lâu dài như thu phí phương tiện đi vào giờ cao điểm vào nội
đô, đổi giờ học giờ làm, tiến tới cấm xe máy hoạt động ở 1 số quận và
nâng cao chất lượng vận tải công cộng...
Thu phí xe giờ cao điểm, đổi giờ học giờ làm
Đây là một trong những nội dung quan trọng tại dự thảo Nghị quyết về
tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và
ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020
tầm nhìn 2030 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội.
Theo đó, Hà Nội lập quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn
thành phố Hà Nội đến năm 2030, lộ trình thực hiện 2017-2020.
Đối với xe hợp đồng đến 9 chỗ ngồi sử dụng phần mềm hoạt động tương tự
như xe taxi, quy định quản lý như xe taxi (quản lý về số lượng, về chất
lượng, phạm vi hoạt động), đối tượng này sẽ được đưa vào trong quy hoạch
vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố đến năm 2030.
Với xe taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi (xe
Uber, Grab...) trên địa bàn thành phố cấp hạn ngạch phù hợp với điều
kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng.
Đối với các phương tiện giao thông đường bộ, thành phố tiến hành rà
soát, thu hồi và loại bỏ các phương tiện tự hoán cải, cũ nát, quá niên
hạn sử dụng khi tham gia giao thông; riêng ôtô đến 9 chỗ ngồi đề xuất
quy định niên hạn sử dụng.
Với phương tiện xe máy, Hà Nội sẽ điều tra, rà soát, thống kê số lượng
xe đã qua sử dụng (theo năm sản xuất) không đảm bảo chất lượng an toàn
kỹ thuật và bảo vệ môi trường để đề xuất tiến hành thu hồi xử lý đồng
thời quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải nhằm kiểm soát
số lượng xe máy hoạt động trên địa bàn thành phố.
Nhằm giảm mật độ và phạm vi phương tiện tham gia giao thông trong giờ
cao điểm tại một số khu vực, thành phố Hà Nội cũng thực hiện đồng bộ các
giải pháp như cấm ôtô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến
phố; nghiên cứu quy định các tuyến phố, khu vực cấm taxi hoạt động vào
giờ cao điểm và toàn bộ thời gian trong ngày; điều chỉnh, giãn giờ học
tập, giờ làm việc và kinh doanh...
Song song đó, thành phố cũng tính toán đến phương án đánh vào “túi
tiền”của chủ sở hữu phương tiện thông qua việc sửa đổi, ban hành giá
dịch vụ trông giữ phương tiện theo hướng luỹ tiến theo giờ và tăng mạnh
vào khu vực trung tâm, lộ trình thực hiện 2017-2018; lập đề án thu phí
phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố...
Ngoài ra, tại dự thảo này, Hà Nội cũng đề ra giải pháp phát triển và
nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; ứng dụng công nghệ thông
tin trong công tác quản lý; tăng cường công tác quản lý nhà nước về
giao thông vận tải.
Cấm xe máy vào năm 2030
Theo dự thảo, Hà Nội chia lộ trình thực hiện các giải pháp quản lý phương tiện và giảm ùn tắc giao thông làm 3 giai đoạn.
Hà Nội dự tính cấm xe máy vào năm 2030 tại một số quận. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)
Cụ thể, giai đoạn 2017-2018, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp
về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản
lý nhà nước về giao thông vận tải.
Giai đoạn 2017-2020, Hà Nội tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý
số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận
tải hành khách công cộng.
Giai đoạn 2017-2030, thủ đô triển khai đồng thời, đồng bộ các nhóm giải
pháp về đầu tư, xây dựng, kết cấu hạ tầng, phát triển vận tải hành khách
công cộng, rà soát điều chỉnh quy hoạch theo hướng TOD (phát triển hệ
thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy
đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ
thống giao thông phân tán), bố trí hợp lý giao thông tĩnh phục vụ việc
kết nối...
Đặc biệt, theo lộ trình đến năm 2030, Hà Nội dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Cụ thể, từ năm 2017-2020, điều tra rà soát thống kê số lượng xe máy đã
qua sử dụng (theo năm sản xuất); nghiên cứu, xây dựng quy định về tiêu
chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát số
lượng xe máy hoạt động trên địa bàn thành phố.
Khi đảm bảo đủ điều kiện pháp lý về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí
thải, năm 2017-2030 sẽ thu hồi, tiêu hủy phương tiện xe máy cũ không đủ
tiêu chuẩn; ban hành cơ chế hỗ trợ khi thu hồi phương tiện.
Thủ đô cũng thí điểm dừng hoạt động của xe máy theo giờ, theo ngày tại
một số tuyến trục chính, một số khu vực trung tâm của thành phố trong
những năm 2025-2029 và tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn
các quận vào năm 2030.
Trước đó, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã lên phương án hạn chế xe cá
nhân trong nội đô nhưng cũng vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dân
khi hàng loạt các câu hỏi được đặt ra là cấm xe máy dân đi bằng gì?,
bao giờ có tàu điện ngầm (metro) sẽ từ bỏ xe máy? vận tải công cộng đã
đáp ứng được nhu cầu của người dân dễ tiếp cận?...
Đại đa số cơ quan chức năng và chuyên gia giao thông bày tỏ quan điểm,
muốn giảm ùn tắc, phải phát triển giao thông công cộng và hạn chế phương
tiện giao thông cá nhân. Khi nào làm được điều đó, mới giảm ùn tắc bền
vững./.
Theo TTXVN