Thứ Năm, 3/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 16/5/2012 20:54'(GMT+7)

Cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Phương khẳng định: Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới, là đạo luật cơ bản thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước ta. Sau hơn 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã gặt hái được nhiều thành công, mang ý nghĩa lịch sử trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Trong đó, hoạt động của các cơ quan, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội tại các địa phương đã “vào guồng” phát huy hiệu quả. Quá trình triển khai công tác tại địa phương lâu nay cho thấy quan hệ giữa HĐND, UBND các cấp với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể là mối quan hệ phối hợp cùng nhau để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Theo ông Phương, việc sửa đổi Hiến pháp tới đây cần làm rõ vai trò, vị trí, chức năng, quyền lực của tổ chức, đoàn thể trong việc phản biện ở các cấp chính quyền. Mặt khác, Hiến pháp sửa đổi cần phải quy định cụ thể, rõ ràng chức năng, nhiệm vụ cũng như mối quan hệ giữa các đoàn thể với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp để công tác quản lý nhà nước hiệu quả hơn. Đồng thời, cần làm rõ cơ chế giám sát giữa các cơ quan, tăng vấn đề dân chủ của nhân dân trong việc giám sát…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoa Hữu Lân (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội) cho rằng, trong Hiến pháp sửa đổi sắp tới phải phân rõ chức năng của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; trong đó cần trao quyền mạnh hơn cho các cơ quan lập pháp và tư pháp. Hiến pháp xây dựng phải tạo điều kiện dân chủ hóa thực sự thông qua các phiếu bầu, việc bầu ra các đại biểu Quốc hội, HĐND xứng đáng đại diện cho nhân dân. Cũng theo ông Hoa Hữu Lân, nếu làm tốt khâu bầu cử, chọn lựa các đại biểu xứng đáng vào Quốc hội, HĐND thì thông qua Quốc hội, HĐND các đại biểu sẽ bầu ra các chức danh trong Chính phủ, UBND các cấp đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, việc phân quyền, phân cấp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong Hiến pháp sửa đổi cần phải làm rõ hơn chức năng của các cơ quan trung ương và địa phương. Hiện nay giữa Trung ương và địa phương vẫn còn cơ chế "xin – cho". Các cơ quan Trung ương chỉ nên quy định những vấn đề trọng đại, then chốt của đất nước việc điều chỉnh mang tính định hướng chứ không phải can thiệp quá sâu vào từng địa phương nên giao quyền tự chủ hơn nữa cho địa phương. Ông Lân nhấn mạnh: “Thực tiễn cho thấy nhiều văn bản pháp luật hiện nay chưa đi sâu vào cuộc sống bởi vì các văn bản này chưa xoay quanh “trục chính” đó là Hiến pháp cho nên Hiến pháp của chúng ta cần phải được xây dựng cơ bản, đầy đủ”.

Đề cập tới công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ông Đặng Văn Hồng, Thành ủy viên, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng: Trong giai đoạn hiện nay, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế và việc thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, cùng với tình hình tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa được ngăn chặn, diễn biến phức tạp, làm cho một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa, biến chất. Từ thực tiễn đó đã đặt ra yêu cầu khách quan, mang tính cấp thiết phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện những điều đảng viên không được làm, với trọng tâm là thực hành tiết kiệm, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sẽ góp phần ngăn chặn đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Ông Đặng Văn Hồng dẫn chứng: trong 3 năm (từ 2008-2010), qua công tác kiểm tra, giám sát, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện trong toàn Đảng bộ có 1.591 trường hợp đảng viên vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, trong đó đã tiến hành xử lý kỷ luật 1.289 đảng viên. Qua công tác này đã giúp cho tổ chức đảng, cấp ủy đảng và mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao hơn nữa ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước; giữ vững đoàn kết, nâng cao ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân.

Ở một góc cạnh khác, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, cán bộ Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam đã cho rằng: Khoảng cách giữa chính sách và thực tế sử dụng cán bộ có nguy cơ nảy sinh tham nhũng, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Ông nhận định: quan điểm và chính sách cán bộ của Đảng rất đúng đắn, nhưng đã bị một số đảng viên tha hóa lũng đoạn, tạo ra khoảng cách giữa chính sách và thực tế bố trí, sử dụng cán bộ. Để khắc phục những khoảng cách này, các giải pháp nhằm chủ yếu vào đối tượng có hành vi thao túng chứ không phải nhằm vào cái bị thao túng. Tuy nhiên, chính sách cũng cần bổ sung, điều chỉnh chặt chẽ hơn để hạn chế khả năng bị thao túng. Tiến sĩ Nguyên kết luận: Chỉ có “phê bình” bằng thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng và pháp luật thì mới có thể làm giảm dần các phần tử tha hóa trong Đảng…

Quan tâm tới công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ông Phạm Văn Vững, ở Câu lạc bộ Trung Dũng (thành phố Hải Phòng) cho biết, công tác này đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, nhất là hoạt động của bộ máy nhà nước đã công khai, minh bạch hóa, thủ tục hành chính đã được cải cách đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội. Trước thực trạng này, Trung ương cần phải kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XI); nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền và người đứng đầu; phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và công luận.

Liên quan tới việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, l à người có thâm niên trong ngành tài nguyên môi trường, ông Lại Đức Long, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng) cho rằng: Hoạt động quản lý và sử dụng đất đai trên phạm vi cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng trong thời gian qua đã có những kết quả tích cực, góp phần khai thác và phát huy hiệu quả tài nguyên đất. Tuy nhiên, thực tế vẫn đang tồn tại những vướng mắc, bất cập giữa việc thực hiện các chính sách, quy định của pháp luật về đất đai với thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đó, đối với việc ban hành chính sách quản lý sử dụng đất đai, đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai cần xác định rõ quyền của người sử dụng đất trong các quyền sử dụng như hiện nay và nghĩa vụ buộc người sử dụng đất phải thực hiện khi Nhà nước áp dụng các chính sách pháp luật khi thu hồi đất.

Về thời hạn sử dụng đối với từng loại đất, hiện nay, Luật Đất đai quy định về thời hạn sử dụng từng loại đất trong các nhóm đất là chưa cụ thể. Ví dụ: Nhóm đất nông nghiệp thống kê có khoảng 10 loại đất; nhóm đất phi nông nghiệp thống kê có khoảng 37 loại đất…Do đó, trong sửa đổi Luật Đất đai cũng nên quy định cụ thể về thời hạn sử dụng đối với từng loại đất trong từng nhóm đất phù hợp với mục đích được giao sử dụng để người sử dụng đất yên tâm đầu tư sử dụng đất trong thời hạn được giao.

Về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thực tế hiện nay việc lập, xét duyệt, phê duyệt kỳ quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đều không được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Việc chậm xét duyệt, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đã gây ách tắc và cản trở đáng kể cho việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội từng năm và kế hoạch 5 năm của các địa phương, cơ sở. Do vậy, đề nghị Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho tỉnh, thành phố để trên cơ sở đó thành phố phê duyệt cho quận, huyện, và quận, huyện phê duyệt cho phường, xã theo đúng quy định./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất