Thay đổi từ nhận thức đến thói quen
Thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 (được Chính phủ phê duyệt vào 11/4/2013), từ năm 2013 thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm chương trình khuyến khích người dân sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường thay cho túi ni lông thông thường ở một số nơi thuộc quận 5, quận Bình Thạnh…
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, đến nay tiểu thương ở các chợ, hộ kinh doanh đường phố và phụ nữ ở địa bàn dân cư quận 5 và Bình Thạnh đã sử dụng túi thân thiện với môi trường trong buôn bán và sinh hoạt hằng ngày.
Bà Võ Thị Thanh Thủy – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận 5 chia sẻ: Đối với các chợ, thông qua hệ thống loa phát thanh của chợ và thường xuyên tuyên truyền tác hại của túi ni lông, Hội Liên hiệp phụ nữ quận 5 đã vận động được 1.426/1.847 hộ hội viên, tiểu thương đăng ký thực hiện sử dụng túi thân thiện với môi trường bằng phiếu hưởng ứng. Thực tế, các tiểu thương đã chủ động tìm nguồn túi thân thiện môi trường hay túi giấy, túi vải để thay thế túi ni lông thông thường. Đối với phụ nữ trên địa bàn dân cư, chị em cũng đã dùng giỏ đi chợ và tái sử dụng túi ni lông thông thường nhiều lần bằng việc bảo quản và vệ sinh túi thay vì chỉ sử dụng túi ni lông một lần (vì giá trị của túi ni lông thông thường không cao và thường được phát miễn phí nên người dân dễ dàng bỏ đi khi không cần sử dụng nữa). Bên cạnh đó, tại các hộ dân cư đang hình thành phong trào làm túi giấy thân thiện với môi trường tặng cho các cửa hàng kinh doanh quần áo, trái cây… Qua đó, thói quen sử dụng túi thân thiện với môi trường đã bước đầu đi vào đời sống của người dân trên địa bàn.
Bà Phạm Hoàng Thủy Nguyên, Phó trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường quận Bình Thạnh cho biết: Qua thời gian thực hiện chương trình giảm sử dụng túi ni lông, ý thức của người dân trên địa bàn quận đã có bước chuyển biến đáng kể. Chẳng hạn, người dân đã từng bước quay lại thói quen sử dụng giỏ để đi chợ, hạn chế thấp nhất việc sử dụng túi ni lông. Các em học sinh ở các trường học đóng trên địa bàn cũng hiểu rõ hơn tác hại của việc sử dụng túi ni lông để từ đó vận động người thân hạn chế sử dụng túi ni lông, hay bản thân các em cũng đã tự chế ra những túi đựng bằng lá cây. Và bộ phận tiểu thương chợ Bà Chiểu, nếu trước đây họ không biết gì về túi thân thiện môi trường, đến nay họ đã chủ động liên hệ với Ban Quản lý chợ đặt hàng với đơn vị sản xuất để mua túi thân thiện với môi trường. Số tiểu thương sử dụng túi ni lông thân thiện môi trường không ngừng tăng lên từ 213 tiểu thương trong năm 2013, đến nay là 332 tiểu thương. Hưởng ứng lan tỏa chợ Bà Chiểu, các chợ còn lại đã tự liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường quận làm cầu nối với các nhà sản xuất túi ni lông thân thiện để có túi sử dựng hàng hóa cho khách hàng.
Khó tiếp cận túi ni lông thân thiện môi trường
Mặc dù được hưởng hứng rộng rãi nhưng tiểu thương, người dân vẫn khó tiếp cận được với túi ni lông thân thiện môi trường vì nhiều lý do.
Theo bà Phạm Hoàng Thủy Nguyên: Đến nay, vẫn chưa có sự gặp gỡ giữa các tiểu thương và các nhà sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường. Ban Quản lý chợ Bà Chiểu cũng ưu tiên đặt một gian hàng bán túi ni lông thân thiện để tiểu thương và người dân có thể mua tại đây. Tuy nhiên, dù đã làm việc với nhiều đơn vị sản xuất nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có đơn vị sản xuất túi thân thiện nào có sản phẩm tại gian hàng. Hiện ban quản lý chợ phải đến từng gian hàng của tiểu thương thống kê danh sách khối lượng túi mà tiểu thương đăng ký, tổng hợp lại và báo cho nhà sản xuất sau đó đơn vị sản xuất phân phối cho ban quản lý và ban quản lý phân phối lại cho các đơn vị, tiểu thương. Việc làm này manh mún và mất nhiều thời gian. Trong khi đó người dân cũng muốn mua túi thân thiện môi trường thì không biết mua ở đâu nếu phân phối túi ni lông theo cách này. Cần có sự hợp tác hơn nữa với các nhà sản xuất để phân phối túi thân thiện tới không chỉ chợ Bà Chiểu mà còn các chợ khác trên địa bàn và 600 cơ sở bán lẻ ngoài chợ.
Giải thích lý do vì sao giữa tiểu thương và các cơ sở sản xuất túi ni lông “chưa gặp nhau”, ông Lê Sanh Mỹ, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổ chức Công ty Cổ phần bao bì Vafaco chia sẻ: Vấn đề mấu chốt đó là giá, vì giá của túi ni lông thân thiện với môi trường thường cao hơn túi ni lông thông thường nên tiểu thương buôn bán túi ni lông mặc dù đã được vận động tuyên truyền nhưng để kinh doanh có hiệu quả họ sẽ chọn phân phối túi ni lông thông thường. Do vậy, túi ni lông thân thiện môi trường chủ yếu được phân phối ở các siêu thị, còn những nơi như chợ đầu mối, chợ dân sinh vẫn rất khó “vào”.
Theo nhiều đơn vị sản xuất túi ni lông thân thiện với môi trường, để khuyến khích người dân sử dụng cần phải giải quyết hai vấn đề. Thứ nhất, cần kiểm soát việc thực hiện nộp thuế một cách nghiêm túc đối với các đơn vị sản xuất túi ni lông thông thường. Hiện rất nhiều đơn vị không phải đóng thuế bảo vệ môi trường nên giá túi ni lông bao giờ cũng rẻ hơn túi ni lông thân thiện. Cụ thể, túi ni lông thân thiện hơn 40.000 đồng/kg, trong khi đó túi ni lông thông thường chỉ khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg. Thứ hai, nhà nước cũng cần có những chính sách cụ thể hơn nữa để hỗ trợ các đơn vị sản xuất túi ni lông thân thiện. Trong Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 có nội dung nói đến việc hỗ trợ các đơn vị sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường, nhưng lại chưa đề ra những hoạt động hỗ trợ cụ thể chẳng hạn như có chính sách hỗ trợ giá, hay giảm thuế giá trị gia tăng… Nếu có những chính sách hỗ trợ, có thể giá túi ni lông thân thiện sẽ giảm nhiều và như vậy, tiểu thương và người dân chắc chắn sẽ chọn túi ni lông thân thiện với môi trường.
Được biết, túi ni lông thân thiện được sản xuất từ vải không dệt, sợi cotton/canvas, vải PP dệt. Túi ni lông thân thiện môi trường có ưu điểm: có khả năng tự phân hủy cao, trong điều kiện bình thường sau 6 tháng sẽ tự phân hủy. Trong khi đó, túi ni lông thông thường làm từ mạng nhựa đơn thông polyetyen tên kỹ thuật là túi nhựa xốp. Sau khi chôn lấp, loại túi này có thời gian phân hủy từ 40 – 100 năm, còn nếu tiêu hủy bằng cách đốt vật liệu polyetyen sẽ phát sinh ra nhiều chất độc có hại cho sức khỏe con người./.
TTXVN