Thứ Hai, 25/11/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Năm, 26/12/2019 9:40'(GMT+7)

Cần chủ động ứng phó bão số 8

Ðường đi và vị trí của bão số 8 (bão Phanfone) vào lúc 21 giờ ngày 25-12. (Nguồn: Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia)

Ðường đi và vị trí của bão số 8 (bão Phanfone) vào lúc 21 giờ ngày 25-12. (Nguồn: Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia)

Hồi 20 giờ ngày 25-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,5 độ vĩ bắc; 119,9 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 620 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Ðến 19 giờ ngày 26-12, vị trí tâm bão ở khoảng 13,5 độ vĩ bắc; 116,8 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 340 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115 đến 135 km/giờ), giật cấp 14. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Ðến 19 giờ ngày 27-12, vị trí tâm bão ở khoảng 14,1 độ vĩ bắc; 115,0 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 320 km về phía bắc đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 14. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Ðến 19 giờ ngày 28-12, vị trí tâm bão ở khoảng 14,5 độ vĩ bắc; 112,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280 km về phía nam đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (60 đến 90 km/giờ), giật cấp 11. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km.

* Ngày 25-12, tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với cơn bão và đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp Tổng cục Thủy sản tổ chức thông báo, hướng dẫn, kiểm đếm tàu thuyền biết hướng đi, diễn biến của bão để chủ động tránh trú, neo đậu vào nơi an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

* Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 28/CÐ-V01 gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, công an các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng về việc ứng phó với bão Phanfone. Theo đó, yêu cầu công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc các Công điện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, chỉ đạo của Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó với bão.

* Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, hiện vẫn còn 158 tàu, thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm, là khu vực bão Phanfone dự kiến sẽ đi qua, yêu cầu các địa phương khẩn trương tìm mọi cách liên hệ với gia đình các chủ tàu, thông báo tin bão, cảnh báo đến các thuyền trưởng để chủ động di chuyển tránh xa vùng biển nguy hiểm, đường đi của cơn bão.

* Hiện bộ phận không khí lạnh tiếp tục di chuyển xuống phía nam. Dự báo: sáng 26-12, sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi Bắc Bộ; chiều và đêm ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Trung Trung Bộ. Từ ngày 26-12 ở Bắc Bộ có mưa, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ đêm 26-12 trời trở rét, vùng núi có nơi rét đậm.

* Mực nước sông Ðà hiện xuống thấp chưa từng có, ảnh hưởng nhiều hộ dân sinh sống ven lòng hồ thuộc các huyện Bắc Yên, Mai Sơn, Mường La thuộc tỉnh Sơn La... Tại xã Tà Hộc (Mai Sơn) nước đang xuống rất thấp, khiến việc đi lại bằng phương tiện thủy của người dân ven lòng hồ gặp nhiều khó khăn. Cầu Tạ Khoa bắc qua sông Ðà trên quốc lộ 37, thuộc địa phận xã Tạ Khoa (Bắc Yên) lộ rõ phần đế cầu, do mực nước xuống thấp. Mực nước sông Ðà ở dưới chân đập thủy điện Sơn La, thuộc thị trấn Ít Ong (Mường La) cạn trơ đáy. Mực nước cạn, khiến nhiều thuyền, bè, lồng nuôi cá của người dân bị mắc kẹt vì không kịp di chuyển.

* Vụ đông xuân 2019 - 2020, nông dân huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã xuống giống được 110 ha bí đỏ, chủ yếu tập trung ở xã Ðông. Bí đỏ là cây trồng thế mạnh trong phát triển kinh tế của người dân ở địa phương nhưng do nhiều nguyên nhân mà hầu hết diện tích bí đỏ đã trồng vụ này đều bị nhiễm bệnh khảm lá, tỷ lệ bệnh từ 30 đến 70%. Ðối với 60 ha bí đỏ xuống giống đầu tháng 10 đều bị nhiễm bệnh nặng và không cho trái nên nông dân phá bỏ. Còn 50 ha bí đỏ xuống giống đầu tháng 11 hiện đang nuôi quả non cũng có hiện tượng bị nhiễm bệnh.

* Sáng 25-12, chính quyền và Cơ quan Thú y huyện Diễn Châu (Nghệ An) tiến hành tiêu hủy 163 con lợn giống tại trại chăn nuôi lợn của một hộ chăn nuôi ở xóm 9, xã Diễn Liên. Sau khi Cơ quan Thú y lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

* Báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có bốn địa phương là huyện Châu Ðức, huyện Xuyên Mộc, TP Vũng Tàu và TP Bà Rịa thực hiện hoàn tất việc chi hỗ trợ đợt 1 cho các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, với số tiền 16,3 tỷ đồng.

* Trước tình hình dịch bệnh lở mồm long móng đang xảy ra tại nhiều địa phương, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo chủ động vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường đồng bộ ở tất cả các trang trại chăn nuôi gia súc, các cơ sở giết mổ, các điểm chợ bán buôn… để hạn chế và ngăn chặn có hiệu quả vi-rút gây bệnh cho gia súc. Hiện toàn bộ thuốc sát trùng (hóa chất Benkocid) đã được UBND tỉnh hỗ trợ đầy đủ cho các địa phương theo nhu cầu đăng ký; các địa phương cũng đã chủ động trích kinh phí từ ngân sách để mua vôi, triển khai tiêu độc, khử trùng.

TG (tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất